Nho Ninh Thuận được cấp chứng nhận đạt chuẩn VietGap

Lễ trao chứng nhận sản phẩm nho đạt tiêu chuẩn VietGap cho 28 nhóm liên kết sản xuất nho VietGap tại Ninh Thuận đã được tổ chức chiều 6/8.
Nho Ninh Thuận được cấp chứng nhận đạt chuẩn VietGap ảnh 1Trang trại nho được trồng theo tiêu chuẩn VietGap. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Chiều 6/8, Ban quản lý Dự án Qseap, Công ty Cổ phần chứng nhận Globalcert phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận tổ chức trao chứng nhận sản phẩm nho đạt tiêu chuẩn VietGap cho 28 nhóm liên kết sản xuất nho VietGap ở Ninh Thuận.

Giám đốc Ban quản lý Dự án Qseap tỉnh Ninh Thuận Phan Quang Thựu cho biết dự án Qseap đã đi vào hoạt động từ năm 2010 đến nay và đã đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hỗ trợ cho sản phẩm nho an toàn, chất lượng tại Ninh Thuận với sự tham gia của 31 nhóm liên kết sản xuất nho VietGap.

Dự án được đầu tư và triển khai mạnh với các tiểu hợp phần là quy hoạch vùng sản xuất nho an toàn của tỉnh; xây dựng mô hình SAZ (hỗ trợ cơ sở hạ tầng); chứng nhận sản phẩm nông nghiệp an toàn và tăng cường năng lực giám sát đánh giá; đào tạo tập huấn về Gap và hỗ trợ thay thế giống nho kháng sâu bệnh cho nông dân. Đối với hợp phần chứng nhận sản phẩm nông nghiệp an toàn, dự án đã triển khai từ năm 2012; trong đó hỗ trợ, đầu tư, đào tạo và hướng dẫn cho nông dân sản xuất nho theo hướng VietGap theo đúng với quy định được chứng nhận.

Để có được chứng nhận sản phẩm nho đạt tiêu chuẩn VietGap, Ban quản lý dự án đã tích cực triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động nông dân tham gia các nhóm liên kết sản xuất; hỗ trợ, tổ chức nhiều lớp tập huấn sản xuất nho theo tiêu chuẩn VietGap như hướng dẫn quy trình kỹ thuật, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hướng dẫn ghi chép sổ sách theo quy định; bố trí kỹ thuật viên tư vấn tại chỗ cho mỗi nhóm sản xuất…

Nhờ đó, dự án thu hút được 31 nhóm liên kết (gồm 289 hộ/74,7ha) tham gia sản xuất nho theo VietGap. Qua quá trình đánh giá chặt chẽ theo đúng tiêu chuẩn VietGap, trong số 31 nhóm liên kết đã có 28 nhóm liên kết (260 hộ/66,36ha) được cấp chứng nhận sản xuất nho VietGap.

Theo ông Đỗ Trung Thu, Chủ tịch Hiệp hội nho Ninh Thuận, để nhóm liên kết sản xuất nho theo tiêu chuẩn VietGap phát triển bền vững, Ban quản lý dự án cần hỗ trợ cho người dân liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ nho. Như vậy, sức tiêu thụ và giá cả sản phẩm nho đạt tiêu chuẩn VietGap sẽ được nâng lên cao hơn so với sản xuất nho kiểu thông thường. Bên cạnh đó, việc quảng bá thương hiệu nho VietGap Ninh Thuận ra thị trường trong và ngoài nước cũng cần được tăng cường...

Ninh Thuận sẽ khuyến khích người trồng nho đạt tiêu chuẩn VietGap gia nhập Hiệp hội nho, đồng thời cấp nhãn hiệu nho VietGap cho người dân để thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ theo hướng bền vững.

Đặc điểm sản xuất nho ở Ninh Thuận là quy mô sản xuất nhỏ (từ 1 đến 2 sào), nhận thức về sản xuất an toàn của người dân chưa cao, không quản lý được khâu thu hoạch, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm… nên sản phẩm chưa được đánh giá đúng trên thị trường. Do đó, việc tổ chức sản xuất, hình thành nhóm liên kết sản xuất không chỉ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm mà còn là cơ hội để đưa thương hiệu nho Ninh Thuận vươn ra thị trường trong và ngoài nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục