Nhóm 10 nước châu Phi dẫn đầu về môi trường kinh doanh

Báo cáo 2014 mới được nhóm Ngân hàng Thế giới công bố đều tập trung vào những cải cách được thực hiện tại các quốc gia ở châu Phi cận Sahara.

Theo Báo cáo "Môi trường Kinh doanh" năm 2014, 10 nền kinh tế của châu Phi dẫn đầu về cải thiện môi trường kinh doanh trong bảng xếp hạng thế giới gồm có Maurice (thứ 20), Rwanda (32), Nam Phi (41), Tunisia (51), Botswana (56), Ghana (67), Seychelles (80), Zambia (83), Maroc (87) và Namibia (98).

Trong 5 năm qua, 9 trong số 20 quốc gia châu Phi cải cách nhiều nhất về các quy định kinh doanh nằm ở phía Nam của sa mạc Sahara bao gồm Burundi, Sierra Leone, Guinea-Bissau, Rwanda, Togo, Benin, Ghana, Liberia và Côte d'Ivoire.

Báo cáo 2014 mới được nhóm Ngân hàng Thế giới công bố đều tập trung vào những cải cách được thực hiện tại các quốc gia ở châu Phi cận Sahara nhằm cải thiện môi trường pháp lý.

Đối chiếu với báo cáo 2013 về Môi trường Kinh doanh, người ta nhận thấy không dưới 66 cải cách được thực hiện trong khu vực nói trên.

Trong số 10 quốc gia có các quy định kinh doanh được cải thiện nhiều nhất bao gồm Burundi, Côte d'Ivoire và Rwanda.

Riêng Rwanda đã thực hiện cải cách 8 trong 10 lĩnh vực được Báo cáo chú trọng. Sự cải thiện về môi trường pháp lý đã cho phép nước này vượt 20 bậc trong bảng xếp hạng thế giới về "Kinh doanh," từ vị trí thứ 52 lên vị trí thứ 32 trên toàn thế giới.

Ngược lại, báo cáo của Ngân hàng Thế giới và Công ty Tài chính Đầu tư (IFC) lưu ý "Khu vực Trung Đông và Bắc Phi được ghi nhận tỷ lệ thấp nhất của các nền kinh tế đã thực hiện cải cách ít nhất trong một lĩnh vực (40%)," so với 66% ở châu Phi cận Sahara, một phần là do tình trạng bất ổn chính trị trong khu vực hiện nay.

Tính bình quân, các nền kinh tế của châu Phi cận Sahara chưa đạt tới 6 trong 10 lĩnh vực mà Môi trường Kinh doanh đánh giá: kinh doanh sáng tạo, kết nối điện, thanh toán thuế quan và nộp thuế, thương mại xuyên quốc gia và giải quyết phá sản.

Các chuyên gia cho biết còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến môi trường pháp lý trong một quốc gia không được đưa vào báo cáo do thiếu thông tin từ những quốc gia nói trên bao gồm an ninh, nạn tham nhũng, ổn định kinh tế vĩ mô, tình trạng của hệ thống tài chính hoặc trình độ đào tạo và trình độ chuyên môn của lực lượng lao động./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục