Nhóm học sinh làm phần mềm hỗ trợ cứu nạn người dân trong thiên tai

Nhóm học sinh Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, Đà Nẵng khởi động dự án “Wardis-Phần mềm cảnh báo, điều phối và hỗ trợ cứu nạn người dân trong thiên tai” nhằm phòng tránh, hạn chế thiệt hại thiên tai.
Nhóm học sinh làm phần mềm hỗ trợ cứu nạn người dân trong thiên tai ảnh 1Công nhân Công ty CP Công trình công cộng Hội An tiến hành vệ sinh môi trường, rửa sạch bùn đất trên các tuyến đường tại thành phố Hội An. (Ảnh: Phước Tuệ/TTXVN)

Những năm trở lại đây, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, thiên tai đã tác động và ảnh hưởng đến các khu vực trên cả nước.

Các khu vực ven biển chịu tác động chính của bão, khu vực miền núi chịu tác động của lũ quét, lốc xoáy còn khu vực trung du và đồng bằng chủ yếu là ngập lụt, lốc, mưa to.

Trong năm 2021, Việt Nam đã chứng kiến những cơn bão lớn đổ bộ gây ảnh hưởng rất lớn đến tài nguyên và cuộc sống người dân, đặc biệt là khu vực miền Trung.

Nhận thấy sự nguy hiểm của thiên tai và sự cấp bách trong việc tìm kiếm công cụ giúp giảm thiểu rủi ro và tác hại của thiên tai, nhóm học sinh lớp 11/3 Trường Trung học Cơ sở-Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến, Đà Nẵng đã khởi động dự án “Wardis-Phần mềm cảnh báo, điều phối và hỗ trợ cứu nạn người dân trong thiên tai” với mong muốn đóng góp vào công cuộc phòng tránh, hạn chế thiệt hại của thiên tai.

Dự án đã đoạt giải Nhì cuộc thi Sáng tạo dành cho Thanh thiếu niên Nhi đồng toàn quốc lần thứ 17 (2020-2021) do Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) tổ chức.

Giới thiệu về phần mềm, em Lê Văn Huy Hà, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết hệ thống được viết bằng ngôn ngữ lập trình JAVA kết hợp với các công nghệ và thư viện có sẵn thuận tiện cho việc lập trình như hệ thống định vị GPS (sử dụng các vệ tinh, máy thu và thuật toán để đồng bộ hóa dữ liệu vị trí, vận tốc và thời gian cho các phương tiện hàng không, trên biển và đường bộ) nhằm đưa ra vị trí chính xác nhất; thư viện react-geolocated (khả năng tìm nạp vị trí địa lý của thiết bị khi thiết bị được kết nối với Internet). Đồng thời, hệ thống tận dụng một giao diện lập trình ứng dụng cung cấp vị trí hiện tại của thiết bị ở dạng tọa độ, kinh độ và vĩ độ.

[Kịp thời cung cấp các bộ bản đồ phục vụ dự báo, cảnh báo thiên tai]

Bên cạnh việc ứng dụng bản đồ hiển thị thời tiết trực quan với giao diện lập trình ứng dụng giúp các nhà phát triển có thể triển khai vào ứng dụng web hoặc mobile, nhóm nghiên cứu còn ứng dụng các tính năng xác thực và lưu trữ dữ liệu như Google Cloud Storage; Google Authentication; Google Cloud Firestore; Google Cloud Storage. Đây là những chức năng giúp người bị nạn đăng tải những hình ảnh để mô tả trực quan tình trạng của mình.

Đối với người chịu ảnh hưởng từ thiên tai, nhóm nghiên cứu sử dụng "hàm" nhận diện vị trí, kinh độ và vĩ độ hiện tại trong mã nguồn mở miễn phí để người dùng khác thấy nơi đánh dấu cần được cứu trợ.

Khi người dùng điền thông tin vào bảng yêu cầu trợ giúp, phần mềm sẽ chạy để lưu trữ và quản lý dữ liệu của hệ thống để lấy hình ảnh người dùng đã đăng tải lên và người dùng có thể thay đổi thông tin để tránh tình trạng người dùng giả danh là người gặp nạn để hưởng lợi từ lòng tốt của các nhà hảo tâm, vì thế nếu có bất hợp lý, người dùng có thể báo cáo giả mạo lên hệ thống để đưa ra trường hợp giải quyết sớm nhất.

Hơn nữa, vì tình hình nguy cấp của thiên tai ngày càng khó lường và gây nhiều nguy hiểm, phần mềm cũng đã thêm tính năng chỉ đường cho người đi giúp đỡ bằng cách xác định kinh độ và vĩ độ cùng với địa chỉ của chính bạn bỏ vào đường dẫn tới bản đồ của Google nhằm chọn đường hợp lý nhất.

Em Lê Văn Huy Hà chia sẻ thêm mục đích của dự án là tạo ra một sản phẩm có khả năng cảnh báo đối với người dùng nằm trong khu vực ảnh hưởng của thiên tai, thu thập thông tin người dùng và qua đó nâng cao đời sống của người dân Việt Nam cũng như lan tỏa truyền thống yêu thương của những người con đất Việt.

Sản phẩm hướng đến các tiêu chí như tiện dụng, tinh gọn, đáp ứng được các nhu cầu; sử dụng được hầu hết trên các thiết bị phổ thông; dễ sử dụng, phù hợp với tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, ít có cơ hội tiếp cận được với các công nghệ mới, hiện đại.

Theo đánh giá của Tiến sỹ Nguyễn Thị Phương Giang, Phó trưởng Tiểu ban Giám khảo cuộc thi, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tuy sản phẩm đã đáp ứng được hầu hết các tiêu chí đề ra, tuy nhiên vẫn còn một số nhược điểm như khó tiếp cận với những người dân không sử dụng điện thoại thông minh hoặc thiết bị có kết nối mạng. Lộ trình hỗ trợ, cứu nạn còn chưa được tối ưu và đảm bảo an toàn cho những nhà hảo tâm vì đường đi có thể bị trục trặc do ảnh hưởng của thiên tai.

“Sản phẩm hiện tại đang được thử nghiệm ở quy mô các thành viên trong nhóm và đang trong quá trình mở rộng tiện ích, có thể nhắn tin cảnh báo gửi tới phần mềm khi không có Internet để hệ thống tự động cập nhập lên bản đồ. Vì thế, nhóm tác giả cần tiếp tục cải tiến sản phẩm nhằm đảm bảo tính ứng dụng cao bằng cách ứng dụng công nghệ tin nhắn SMS," Tiến sỹ Nguyễn Thị Phương Giang nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục