Theo “Báo cáo chỉ số thị trường nhân lực trực tuyến Việt Nam sáu tháng đầu năm 2012” do VietnamWorks, nhà cung cấp các dịch vụ tuyển dụng trực tuyến lớn nhất Việt Nam công bố ngày 12/7, sau khi tăng nhẹ vào tháng 5/2012 thì chỉ số nhu cầu nhân lực trực tuyến tháng 6/2012 quay đầu giảm trở lại, đạt 137 điểm giảm 14% so với tháng 5/2012.
Nhu cầu nhân lực trực tuyến theo ngành Trong số các ngành có chỉ số nhu cầu giảm thì có đến 44/59 ngành có chỉ số nhu cầu nhân lực tăng trưởng âm. Dẫn đầu về mức độ giảm nhu cầu nhân lực trực tuyến nhiều nhất trong sáu tháng đầu năm 2012 đó là ngành kiến trúc-thiết kế nội thất (giảm 52%), ngành bất động sản (giảm 50%) và ngành xây dựng (giảm 49%). Tiếp theo ngành kế toán - kiểm toán (giảm 37%) và kế toán - tài chính (giảm 36%). Điều này phản ánh tình hình kinh tế từ đầu năm đến nay khá ảm đạm, một khi nền kinh tế đi xuống thì các doanh nghiệp sẽ giảm ngay nhu cầu tuyển dụng để tiết kiệm ngân sách.
Trong khi đó, ngành IT - phần mềm lại là ngành có mức tăng trưởng về nhu cầu nhân lực trực tuyến, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2011. Mức tăng cao nhất thuộc về ngành hàng cao cấp (41%), công nghệ cao (34%), hàng gia dụng - chăm sóc cá nhân (25%), ngành Internet - truyền thông trực tuyến (10%). Nhìn lại sáu tháng đầu năm 2012 thì chỉ số nhu cầu nhân lực trực tuyến biến động khá nhiều, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2011. Theo chu kỳ hằng năm, dự báo từ quý 3 trở đi nhu cầu nhân lực trực tuyến sẽ giảm dần cho đến cuối năm. Thị trường nhân lực đang nghiêng về nhà tuyển dụng. Trong thời gian tới, người tìm việc sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn và cạnh tranh ngành một tăng cao để tìm được công việc phù hợp. Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục là địa phương dẫn đầu về nhu cần nhân lực trực tuyến trên cả nước với 182 điểm, tuy vậy khi so với cùng kỳ năm 2011 thì nhu cầu nhân lực trực tuyến của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn giảm hơn 12%. Trong khi đó, Hà Nội là địa phương có mức giảm về nhu cầu nhân lực nhiều nhất so với cùng kỳ năm 2011 với mức 26%. Thành phố Hồ Chí Minh luôn dẫn đầu chỉ số nhu cầu nhân lực nhưng vẫn giảm 12% so với cùng kỳ năm 2011./.
Trần Tình (Vietnam+)