Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua (26/8), cổ phiếu ngành phân bón ghi nhận diễn biến tích cực nhất khi đồng loạt tăng trần.
Giới phân tích đánh giá nhu cầu nội địa và giá bán dự báo tăng về cuối năm là động lực thúc đẩy kết quả hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp phân bón.
Theo chuyên gia Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, doanh thu ngành phân bón trong quý 3 có thể đi ngang so với kết quả quý 2 vừa qua nhưng nhờ sự sụt giảm trong giá gas đầu vào, các công ty sản xuất có thể cải thiện biên lợi nhuận gộp từ 1,2-5%.
Thời gian tới, giá gas đầu vào có thể giảm lần lượt 24% và 7% trong quý 3 và quý 4 khi phần lớn các nước trên thế giới đang trải qua mùa Hè nắng nóng khiến nhu cầu tiêu thụ chất đốt giảm xuống, giúp giá gas thế giới hạ nhiệt. Trong khi giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa mới chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ.
Cùng với đó, đơn giá xuất khẩu ure trong tháng 7 khoảng 485-650 USD/tấn, tương đương 11,2-15 triệu đồng/tấn. Giá ure nội địa có thể tăng trở lại mức 16.500 đồng/kg vào tháng 11, tăng trưởng 7% so với mức giá tháng Bảy.
Theo trang tổng hợp giá Fertilizer Pricing, thị trường quốc tế ghi nhận giá phân bón đang hạ nhiệt. Tuy nhiên, đây chỉ là sự suy giảm tạm thời do yếu tố thấp điểm của mùa vụ. Khả năng sẽ có các đợt tăng giá tiếp theo nhất là giai đoạn các nước bước vào mùa cao điểm sản xuất nông nghiệp.
[Dự báo biến động thị trường phân bón từ nay đến cuối năm]
Tại Việt Nam, từ nay đến quý 4, cả nước bước vào vụ Đông Xuân, mùa vụ lớn nhất trong năm, nhu cầu nội địa và giá bán dự báo tăng tạo dư địa cho doanh nghiệp ngành phân bón tăng trưởng.
Không chỉ phục vụ nhu cầu nội địa, các doanh nghiệp có thể gia tăng sản lượng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài trong các quý tiếp theo, đặc biệt là Ấn Độ khi mùa vụ Kharif diễn ra vào tháng 6-10. Đây cũng là thời điểm Ấn Độ nhập khẩu nhiều phân bón nhất trong năm.
Từ đầu năm, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí-Công ty cổ phần (DPM) là đơn vị tích cực nhất trong việc tham dự các lô đấu thầu xuất khẩu ure sang Ấn Độ. Đây là một cơ hội tốt giúp DPM nói riêng và doanh nghiệp phân bón trong nước nói chung quảng bá thương hiệu ra thị trường quốc tế.
Thị trường xuất khẩu cũng cho thấy nhu cầu phục hồi mạnh mẽ ở mặt hàng này. Tổng lượng xuất khẩu phân bón trong nửa đầu năm nay lên mức 998.000 tấn với kim ngạch 647 triệu USD, tăng 43% về lượng và tăng tới 2,8 lần về kim ngạch so với cùng kỳ. Lượng xuất khẩu này đã vượt qua kết quả xuất khẩu của cả năm 2021 khi xuất khẩu gần 1,4 triệu tấn, thu về 559 triệu USD.
Tuy vậy, chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VnDirect nhận định trước nhu cầu xe điện bùng nổ và nguồn cung thiếu hụt, Trung Quốc tăng công suất phốtpho vàng, giúp giá cả phân bón nói chung hạ nhiệt trong dài hạn.
Để đáp ứng nhu cầu nội địa cũng như xuất khẩu thời gian tới, doanh nghiệp phân bón đang tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung tiết giảm chi phí sản xuất, quản lý và phân phối sản phẩm.
Đơn cử, Công ty Phân bón dầu khí Cà Mau (DCM) áp dụng triệt để các giải pháp công nghệ trong rút ngắn khoảng cách kênh bán hàng; trong tạo ra các sản phẩm phân bón chất lượng cao, phân bón chứa vi sinh vật có ích… giúp tiết kiệm lên đến 30% lượng phân bón cho nông dân.
Trước đó, doanh nghiệp phân bón ghi nhận có lợi nhuận tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm khi giá phân bón neo ở mức cao.
DCM cũng báo cáo doanh thu thuần 6 tháng qua của công ty đạt 8.158,6 tỷ đồng, tăng 92,6% so với kế hoạch. Trong cơ cấu doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, nguồn thu từ bán ure chiếm 78,5% với 6.618,4 tỷ đồng, gấp gần 2 lần cùng kỳ. Biên lãi gộp tăng từ 18,8% lên 40,8%. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng qua đạt 2.556,4 tỷ đồng, vượt kế hoạch lợi nhuận 398%.
Đáng chú ý, quý 2 vừa qua, giá phân bón đã giảm so với quý 1 nhưng vẫn neo ở mức cao. Riêng giá bán bình quân sản phẩm ure quý 2 năm nay cao hơn 79% so với cùng kỳ nên doanh thu bán hàng tăng hơn 66%.
Lợi nhuận sau thuế của DPM đạt 3.394 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ năm trước. Tính riêng quý 2, doanh thu của DPM đạt 5.013 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn tăng 55% nên lợi nhuận gộp tăng 105% đạt 1.930 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp quý 2 mặc dù tăng lên 38,5% nhưng thấp hơn so với mức 48% của quý 1/2022 do nhiều chi phí tăng.
Các doanh nghiệp có thị phần nhỏ hơn như Công ty Phân bón Bình Điền (mã chứng khoán: BFC), Công ty supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (mã chứng khoán LAS)... cũng có kết quả kinh doanh tích cực.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng phiên thứ 3 liên tiếp vào cuối tuần qua. Nhiều nhóm ngành đồng thuận đi lên, trong đó nhóm cổ phiếu phân bón đồng loạt tăng trần. Cụ thể, DPM, DCM, BFC, SFG đều kết phiên trong sắc tím./.