Nhu cầu vốn cho than mỗi năm tới 22.000 tỷ đồng

Nếu theo quy hoạch đến 2015 thì sản lượng tiêu thụ than sạch đạt 55 triệu tấn. Nhưng thực tế chỉ có thể được xấp xỉ 45 triệu tấn, giảm hơn 10 triệu tấn so với kế hoạch. Do vậy, muốn tăng sản lượng lên thì cần phải có đầu tư, xây dựng các mỏ mới và cần có năng lực tài chính để đứng ra thu xếp được các nguồn vốn.

Theo ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), tính giai đoạn từ 2011-2015 thì nhu cầu vốn cho than cần khoảng trên 3 tỷ USD, tương đương 65.000-70.000 tỷ đồng. Như vậy, mỗi năm cần 18.000-22.000 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), muốn tăng sản lượng lên thì cần phải có đầu tư, xây dựng các mỏ mới và cụ thể hơn là cần có năng lực tài chính để đứng ra thu xếp được các nguồn vốn.

Xung quanh những vấn đề của ngành than hiện nay như tồn kho, xuất khẩu và nhu cầu vốn..., phóng viên Vietnam+ đã có buổi phóng vấn với ông Nguyễn Văn Biên để tìm hiểu rõ hơn những nội dung này.

Nhu cầu vốn lớn

- Xin ông cho biết bức tranh của ngành than trong 10 tháng đầu năm và dự kiến kết quả cả năm 2012 sẽ như thế nào?

- Ông Nguyễn Văn Biên: Tình hình sản xuất trong năm 2012 rất khó khăn đã ảnh hưởng tới việc làm và thu nhập của người lao động (riêng thợ lò, Tập đoàn vẫn giữ tương đối ổn định).

Tuy Tập đoàn đã có nhiều giải pháp và chỉ đạo quyết liệt để khắc phục khó khăn, trong toàn hệ thống chính trị và tập thể người lao động cùng chung sức để vượt qua khó khăn, nhưng hiệu quả kinh doanh năm nay vẫn giảm nhiều so với năm trước. Lợi nhuận của ngành vẫn giảm mạnh do giá than thị trường thế giới giảm mạnh, sản lượng tiêu thụ giảm 15% so với năm trước.

Dự kiến tiêu dùng ở trong nước của các hộ như điện, giấy, xi măng, đạm... năm 2012 chỉ đạt 24 triệu tấn, so với kế hoạch ban đầu 32 triệu thì lượng tiêu thụ giảm 8 triệu tấn.

Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, mà chủ yếu do suy giảm kinh tế, các hộ trong nước cũng không lường hết được cho nên đã ký hợp đồng mua than với VINACOMIN nhưng lại không nhận đủ than theo hợp đồng đã ký.

Trong khi giá than cho điện trong 9 tháng đầu năm chỉ khoảng 50% giá thành, từ 15/9 được điều chỉnh thì hiện giá than bán cho điện mới bằng 70% giá thành, trong khi theo lộ trình đến năm 2013 giá than cho điện phải bù đắp đủ chi phí, tiến tới có lãi để ngành than duy trì sản xuất và phát triển.

Trước khó khăn của Ngành than, Nhà nước đã có các biện pháp tháo gỡ hết sức quan trọng giúp Tập đoàn tiếp tục ổn định sản xuất. Đặc biệt là việc điều chỉnh giá than cho điện từ 15/9 và thuế xuất khẩu than từ 20% xuống 10% từ 11/10/2012. Điều này đã một phần giảm bớt khó khăn về tài chính, mà đặc biệt là xuất khẩu được than để ổn định việc làm cho 10 vạn thợ mỏ.

Từ cuối tháng 10 sản lượng than xuất khẩu tăng đáng kể: nếu tháng 7 khi thuế suất 20% thì chỉ xuất khẩu được trên 300 ngàn tấn, thì tháng 10 xuất khẩu 1,3 triệu tấn và dự kiến tháng 11 khoảng 1,8 triệu tấn. Biện pháp tháo gỡ kịp thời của Chính phủ có ý nghĩa hết sức quan trọng vừa đảm bảo việc làm cho thợ mỏ và tổng nộp ngân sách cũng tăng do tăng được sản lượng, nhất là trong giai đoạn kinh tế còn nhiều khó khăn.

Số liệu 10 tháng thì Tập đoàn bán được 30,8 triệu tấn (cả trong nước và xuất khẩu), để đạt được mức tối thiểu là 39 triệu tấn (giảm 6,5 triệu tấn so với kế hoạch đầu năm) mà hội đồng thành viên Tập đoàn đặt ra thì hai tháng cuối năm phải tiêu thụ trên 8 triệu tấn nữa, như vậy mới duy trì công ăn việc làm và ổn định đời sống cho thợ mỏ. Riêng về chỉ tiêu xuất khẩu thì dự kiến cả năm sẽ hoàn thành kế hoạch khoảng 14,5 triệu tấn.

Trong lúc này, Tập đoàn cũng đang chỉ đạo phải tập trung cho đào lò, xây dựng mỏ mới và mở rộng các mỏ hiện có để tăng sản lượng trong các năm tới. Nếu theo quy hoạch đến 2015 thì sản lượng tiêu thụ than sạch đạt 55 triệu tấn. Nhưng thực tế năm 2011 mới tiêu thụ 44,7 triệu tấn, năm 2012 thì sản lượng giảm do suy giảm kinh tế. Do vậy, muốn tăng sản lượng lên thì cần phải có năng lực để đầu tư, xây dựng các mỏ mới và đặc biệt là cần có năng lực tài chính để thu xếp được các nguồn vốn.

  - Vậy nhu cầu vốn để đầu tư cho giai đoạn tới cần bao nhiêu và Tập đoàn đã có những bước chuẩn bị ra sao để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra thưa ông?

- Ông Nguyễn Văn Biên: Việc tăng giá than theo cơ chế thị trường đã có chủ trương của Chính Phủ và được cụ thể hóa tại nhiều văn bản của Chính Phủ gửi liên bộ Tài chính-Công thương nhằm giải quyết và tháo gỡ cơ chế giá bán đang thấp hơn giá thành, qua đó giúp ngành Than có thể sớm bù đắp được chi phí, tiến tới có lãi để đầu tư phát triển.

Tính giai đoạn từ 2011-2015 thì nhu cầu vốn cho Than 3-3,5 tỷ USD, tương đương 65-70 nghìn tỷ đồng. Như vậy, mỗi năm cần 18-22 nghìn tỷ. Theo quy định, vốn đối ứng 30% thì hàng năm cần phải có, ít nhất là 5.500 tỷ đồng vốn tự có để tập đoàn vay vốn đầu tư phát triển các mỏ mới và nâng công suất mỏ  hiện có.

Năm nay, tiền lương chung của toàn ngành cũng giảm bình quân 15% so với năm 2011, giãn khấu hao, tiếp tục tiết giảm nhiều khoản chi phí, nhưng lợi nhuận cũng thấp hơn nhiều so với năm trước. Tập đoàn đã cố gắng để lương của thợ lò giảm ít hơn, nếu tăng năng suất thì tiền lương vẫn được tăng, vì đội ngũ thợ lò là hết sức quan trọng, lao động hết sức vất vả, nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm, nhưng phải được duy trì việc làm ổn định để đảm bảo ổn định sản xuất hầm lò liên tục và xây dựng phát triển các mỏ mới đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế hiện nay và tăng cao trong giai đoạn tới đây.

Hơn nữa, việc tuyển dụng cũng rất khó, còn việc đào tạo gìn giữ đội ngũ thợ lò phục vụ cho sản xuất hiện tại và tương lai là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển bền vững của Tập đoàn, nên trong khó khăn Tập đoàn vẫn phải khắc phục, tìm mọi biện pháp để làm sao đội ngũ thợ lò ít bị ảnh hưởng nhất.

Các biện pháp mà tập đoàn triển khai liên tục từ đầu năm đến giờ, từng nấc từng nấc một để vượt qua khó khăn, đầu tiên là chủ động đánh giá tình hình nhằm đưa ra các biện pháp điều hành kế hoạch 2012 ngay từ cuối năm trước. Tiếp đến là thực hiện Nghị quyết 01 của Chính Phủ, Chỉ đạo của các Bộ Ngành, Tập đoàn đã chủ động tiết giảm 5-10% chi phí trên tất cả các lĩnh vực, giảm sản lượng sản xuất trên cơ sở nhu cầu thị trường, tạm thời giảm đất bóc, giãn khấu hao, tiền lương,...

Sau đó giảm tiếp xuống đến các chỉ tiêu công nghệ tạm thời phải lùi lại chưa thực hiện ngay... Đấy là các biện pháp tăng cường quản lý để làm sao cho giá thành tiết giảm tối đa nhất để có thể bán được than trên thị trường và duy trì công ăn việc làm, ổn định sản xuất.

 - Trên cơ sở đó thì kế hoạch trong năm 2013 được đặt ra như thế nào thưa ông?

- Ông Nguyễn Văn Biên: Theo nhận định sang năm 2013 vẫn còn nhiều khó khăn, cụ thể là sản xuất của các hộ sử dụng than cũng chưa thể tăng trưởng nhanh được.

Dự tính, việc cân đối tiêu thụ trong nước chỉ tăng khoảng 10% so với năm 2012 mà chủ yếu do các nhà máy nhiệt điện than mới vào sản xuất. Cụ thể là năm 2013, Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch báo cáo Nhà nước sản lượng tiêu thụ than được xây dựng với mục tiêu là 43 triệu tấn, trong đó tiêu thụ trong nước là 27 triệu tấn và xuất khẩu là 16 triệu tấn.

Trong điều hành Tập đoàn sẽ đi từ phương án thấp tới cao tùy theo nhu cầu thị trường để ổn định việc làm và cân đối tài chính cho phát triển mỏ. Tập đoàn sẽ tính toán cụ thể cung cầu than giai đoạn 2011-2015 trong quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tình hình kinh tế hiện nay (đã có nhiều biến động, thay đổi) để đề nghị Chính phủ xem xét cơ chế như năm 2012: căn cứ vào tổng sản lượng than khai thác đã được duyệt và bảo đảm nhu cầu sử dụng than trong nước mà điều chỉnh lượng than xuất khẩu tương ứng với lượng than tiêu thụ trong nước giảm để ổn định việc làm cho người lao động.

Tháo gỡ từ cơ chế chính sách

  - Mới đây, Hiệp hội năng lượng đã có báo cáo gửi Trung ương về việc ngành than đang lỗ kép, cụ thể là giá bán than cho điện chỉ bằng 70% giá thành, còn giá điện của TKV bán cho EVN cũng thấp, vậy ông bình luận gì về vấn đề này?


- Ông Nguyễn Văn Biên: Vấn đề tồn tại chủ yếu hiện nay trong việc bán điện của TKV cho EVN vẫn là lỗ do chênh lệch tỷ giá là chủ yếu. Năm 2011 số lỗ do chênh lệch tỷ giá trên 900 tỷ đồng còn năm 2012 chênh lệch tỷ giá ước khoảng 400-500 tỷ đồng.

Chủ trương giá năng lượng theo thị trường cũng đã được thể hiện trong quy hoạch của ngành điện và ngành than. Gần đây đã có cả chỉ đạo của Chính Phủ về vấn đề này và chắc chắn tới đây sẽ từng bước sớm được tháo gỡ cho các doanh nghiệp tham gia thị trường điện.

  - Than lậu đã làm nhức nhối dư luận trong suốt một thời gian dài, vậy xin ông cho biết sự phối hợp của Tập đoàn với các địa phương được thực hiện thế nào nhằm ngăn chặn vấn đề này?

- Ông Nguyễn Văn Biên: Tập đoàn đã có nhiều biện pháp phối hợp với Chính quyền địa phương chỉ đạo quyết liệt để ngăn chặn việc khai thác kinh doanh than trái phép. Từ cấp Tập đoàn cùng với Tỉnh, các đơn vị thành viên và các thành phố, huyện, phường, xã đều đã ký Kế hoạch phối hợp, Quy chế phối hợp trong việc quản lý khai thác, chế biến, vận chuyển, kinh doanh than trên địa bàn, có sự phối hợp chặt chẽ triển khai một cách cụ thể và kiên quyết. Hiện nay, tình hình này đã giảm rất nhiều và cơ bản trong ranh giới tài nguyên các mỏ của Tập đoàn quản lý thì hiện tượng khai thác trái phép đã được dẹp bỏ.

Tuy vẫn còn một số điểm ở vùng sâu vùng xa, những khu vực dưới là tài nguyên do mỏ quản lý nhưng trên mặt bằng là nhà dân, vườn nhà, các dự án của các đơn vị ngoài Tập đoàn quản lý thì việc kiểm soát vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhưng nói chung tình trạng đó không còn phổ biến, việc trộm cắp chỉ diễn ra lẻ tẻ và tập đoàn cùng các địa phương đã và đang có nhiều biện pháp ngăn chặn, kiên quyết không để tái diễn.

  - Ông đánh giá thế nào về mức tồn kho của Than hiện nay và các biện pháp tháo gỡ trong thời gian tới ra sao thưa ông?

- Ông Nguyễn Văn Biên:
Thời điểm hiện nay (nếu so với cách đây 3 tháng) thì tồn kho đã giảm được khoảng 1 triệu tấn. Hiện than sạch (loại có thể bán ngay cho khách hàng) còn tồn khoảng 6 triệu tấn; còn than đang trong quá trình chế biến (nguyên khai, bán thành phẩm) thì còn cỡ 2,5 triệu tấn. Như vậy, tổng than tồn hiện khoảng 8,5 triệu tấn.

Hai tháng còn lại, nếu tình hình tiêu thụ than tốt lên (như dự kiến tiêu thụ 2 tháng 11+12 trên 8 triệu tấn nêu ở trên) thì khả năng tồn kho năm 2012 sẽ ở mức 7,5-8 triệu tấn, thậm chí thấp hơn nữa nếu thị trường duy trì tích cực, các nhà máy điện phát đều. Với điều kiện hiện nay thì việc giữ mức tồn kho ở mức trên là sự cố gắng rất lớn và phù hợp, vì có như vậy mới đảm bảo ổn định việc làm cho công nhân mỏ vùng than.

Xin trân trọng cảm ơn ông!


Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục