Những bức ảnh để đời từ vùng đất “Sống ngâm da, chết ngâm xương”

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành, cựu nhà báo Thông tấn xã Việt Nam được "hậu bối" gọi là người chép sử bằng ảnh vừa được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật cao quý ở tuổi 88.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành, cựu nhà báo Thông tấn xã Việt Nam được hậu bối gọi là người chép sử bằng ảnh. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành, cựu nhà báo Thông tấn xã Việt Nam được hậu bối gọi là người chép sử bằng ảnh. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

88 xuân xanh với mái tóc bạc trắng như cước, nước da đồi mồi nhưng căng bóng, giọng nói tràn đầy năng lượng và thần thái vẫn tinh anh, mẫn tiệp, nếu nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh kỳ cựu của Thông tấn xã Việt Nam Đinh Quang Thành không nói có lẽ sẽ chẳng ai tin cách đây 40 ngày ông vừa đột quỵ và bước qua lằn ranh của một kiếp nhân sinh.

Ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng ông dứt khoát chưa chịu buông máy. Bởi với nhà báo Đinh Quang Thành, được đi là khỏe, được đi là thấy cuộc đời sống vui và ý nghĩa. Để rồi, trong một sớm mai chan nắng Hè rực lửa ông vẫn đầy rổn rảng khi hoài niệm với lớp "hậu bối" về những tháng ngày khói lửa, đạp xe xuyên đêm cả trăm cây số cho kịp mang những thước phim quý giá về tổng xã phát telephoto (vô tuyến truyền ảnh) ra thế giới và chia sẻ những kỷ niệm không thể nào quên liên quan đến bộ ảnh mà ông vừa được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật cao quý.

Những bức ảnh chép sử

- Với hơn nửa thế kỷ cầm máy, gia tài nhiếp ảnh của ông quả thực rất đồ sộ, trong số đó có bộ ảnh “Địch phá, ta cứ đi” mà hôm nay ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật. Xin ông chia sẻ về bối cảnh và ý nghĩa của những bức ảnh đặc biệt này?

Ông Đinh Quang Thành: Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địch phát hiện quân đội ta đưa vũ khí, lương thực từ miền Bắc vào chi viện cho miền Nam, nên chúng tập trung đánh ta trên mặt trận giao thông vận tải, liên tục tấn công các tuyến sông, phá nát cầu phà.

Quân và dân ta phải ngày đêm bám cầu, bám phà, bám đường hòng giữ vững mạch máu giao thông với quyết tâm địch phá cầu này ta có ngay cầu khác, địch phá đường này ta có ngay đường khác thay thế. Địch đánh ngày, ta làm đêm; địch đánh đêm, ta làm ngày, có những lúc địch cứ đánh ta cứ đi…

Những bức ảnh để đời từ vùng đất “Sống ngâm da, chết ngâm xương” ảnh 1Ảnh "Qua cầu phao thuyền nan" của nhà báo Đinh Quang Thành.

Bức ảnh “Qua cầu phao thuyền nan” trong nhóm 5 ảnh được trao giải của tôi có ý nghĩa xã hội vô cùng rộng lớn. Đó là cây cầu Bầu Bàng gắn với trận đánh trực thăng vận nổi tiếng trong lịch sử đấu tranh của dân tộc ta với Mỹ năm 1967.

Chiếc cầu này đặc biệt bởi là cầu phao được ghép từ hàng trăm chiếc thuyền nan và chỉ có tỉnh Hà Nam Ninh lúc bấy giờ làm được, bởi vùng đồng chiêm trũng trồng tre rất lớn mới có đủ nguyên liệu để làm được cầu phao. Thêm nữa, vùng đó không có đường mà người dân phải di chuyển bằng thuyền. Thế mới có câu thành ngữ “sống ngâm da, chết ngâm xương.”

Trong trận đánh trực thăng vận với Mỹ, để đảm bảo bí mật, người dân Hà Nam Ninh phải làm cầu phao cho xe ta vận chuyển vũ khí, xăng… vào ban đêm. Còn ban ngày, những chiếc thuyền nan dùng làm cầu được di tản, ngụy trang dưới những bụi cây ven sông. Chiếc cầu cơ động ấy đã giúp từng đoàn xe của ta vận tải qua sông.

[NSNA Đinh Quang Thành và ký ức về cầu phao đặc biệt tỉnh Nam Hà xưa]

Nhưng để chụp được bức ảnh chiếc cầu phao này vào ban ngày thực sự mạo hiểm. Tôi và ông Trưởng Ty Giao thông Vận tải tỉnh Hà Nam Ninh thời điểm đó phải lên kế hoạch bài bản và rất vất vả. Bởi tôi tâm niệm rằng nếu không có trách nhiệm với lịch sử, trách nhiệm nghề nghiệp thì rồi sẽ chẳng ai biết tới sự tồn tại của nó trên đời...

Trong nhóm ảnh được giải còn có bức ảnh “Đường ra tiền phương,” tôi chụp một nữ thanh niên xung phong làm nhiệm vụ thay người đồng đội Nguyễn Thị Phúc đã hy sinh. Hình ảnh cô gái chỉ đường đã quá nổi tiếng trong giới nhiếp ảnh, sau đó trở thành tài liệu giáo khoa cho Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh khi dẫn chứng về việc chụp một bức ảnh mà nói lên cả sự kiện của đất nước.

Những bức ảnh để đời từ vùng đất “Sống ngâm da, chết ngâm xương” ảnh 2Bức ảnh "Đường ra tiền phương" của nhà báo Đinh Quang Thành.

Thoạt nhìn tưởng đơn giản nhưng quả thực phải cần tư duy cũng như vốn liếng trải nghiệm chiến tranh, vốn nghề nghiệp, hiểu biết về ánh sáng nhiếp ảnh và phương pháp tạo hình mới chụp được.

Đơn giản như tấm nilon cô gái mặc cũng là cả câu chuyện và có ý nghĩa rất riêng trong bối cảnh ấy. Bởi năm 1967, trên thế giới mới làm ra được vải nilon. Về Việt Nam, quân đội ta phát cho bộ đội và mỗi thanh niên xung phong một tấm nilon 1m4.

Tôi từng đi với họ trên chiến trường nên biết tấm nilon có nhiều tác dụng như che mưa, chắn gió lạnh, bọc tư trang mỗi lần qua sông thành phao bơi, làm võng ngủ, túi bọc nước trên đường hành quân, khi người chết thì được buộc xác chôn vào đất mẹ. Vì thế, tấm nilon mà người nữ thanh niên xung phong 17 tuổi mặc xuất hiện trong ảnh của tôi còn mang tính biểu tượng của một thời kỳ lịch sử.

Hình ảnh cô gái cầm cờ chỉ đường giữa hai cây cầu trong những ngày chiến dịch đặc biệt còn có ý nghĩa trong chiến tranh, tất cả đi theo lá cờ dẫn lối của Đảng. Điều đó tạo thêm giá trị của bức ảnh. Thời điểm đó, phải hiểu chủ trương, đường lối chính sách của Đảng như vậy người phóng viên mới biết chụp cái gì và chụp như thế nào.

- Quả thực, nếu người xem không sống trong bối cảnh ấy thì cũng khó lòng hiểu hết được ý nghĩa của những chi tiết đó, thưa ông?

Ông Đinh Quang Thành: Vâng, đúng vậy, bản thân tôi là người làm báo, làm nghệ thuật thì phải truyền tải những xúc cảm, rung động của mình đến với người xem, nâng cao xúc cảm cũng như nhận thức của họ lên bằng hình ảnh.

Những bức ảnh để đời từ vùng đất “Sống ngâm da, chết ngâm xương” ảnh 3Nhà báo Đinh Quang Thành, người chép sử bằng ảnh. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

- Trước “kho tàng” ảnh song hành liên tục theo các sự kiện thời sự nóng bỏng của đất nước, tôi thấy hiếm có một phóng viên ảnh Việt Nam nào cùng để lại nhiều dấu ấn ở cả hai thể loại là ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật như ông. Vậy điều gì đã làm nên thành tựu này, thưa nhà báo lão thành?

Ông Đinh Quang Thành: Những ảnh tôi đã chụp người khác không chụp bao giờ. Đó là do cách làm báo riêng của tôi. Tôi nhìn mọi sự việc, hiện tượng theo cách không giống ai. Trong ảnh tôi chụp vừa có thông tin, vừa bao hàm cả vốn tri thức, văn hóa. Với người làm báo, kiến thức xã hội quan trọng vô cùng để tạo nên dấu ấn riêng cho mỗi tác phẩm.

Tôi rất chịu khó học, nên dù chỉ là một cán bộ bình thường của TTXVN nhưng tôi được cơ quan cử đi giảng dạy về ảnh báo chí ở 4 trường đại học khác nhau, rồi cử tôi sang Campuchia 2 năm để đào tạo gần 100 biên tập viên, phóng viên thời kỳ đầu khi Campuchia vừa giải phóng. Một mình tôi sang đó thành lập trường và trực tiếp giảng dạy.

Ở trong nước, tôi đi gần 40 hội nhà báo địa phương để bồi dưỡng nghiệp vụ ảnh cho các phóng viên, biên tập viên. Do vừa có vốn sống, tri thức văn hóa lại vừa có kỹ năng nghề, trải nghiệm thực tế nên trong số những anh em làm báo, làm nghệ thuật nhiếp ảnh tôi may mắn được cả hai loại giải thưởng báo chí quốc tế và nghệ thuật quốc tế là bởi vậy.

Những bức ảnh để đời từ vùng đất “Sống ngâm da, chết ngâm xương” ảnh 4Nhà báo Đinh Quang Thành kể lại bối cảnh ra đời bức ảnh "Đường ra tiền phương." (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

“Tôi không có thì giờ nghĩ về cái chết”

- Ông đã có một chặng đường dài cả cuộc đời cầm máy và gắn bó với nhiếp ảnh báo chí cũng như ảnh nghệ thuật cùng rất nhiều trải nghiệm, tham gia và chứng kiến những giai đoạn binh biến cam go nhất của dân tộc, xin hỏi điều gì làm ông cảm thấy ám ảnh nhất khi cầm máy đi qua những năm tháng ấy?

Ông Đinh Quang Thành: (chùng giọng) Có lẽ tôi là người được chứng kiến những tàn phá kinh khủng của chiến tranh, những cảnh giết chóc… Nhiều người hỏi tôi rằng đi nhiều thế không sợ chết à, tôi mới bảo lúc đó tôi không có thì giờ để nghĩ về cái chết, mà chỉ nghĩ tôi đang ở phía trước của trận đánh, đứng trước cả cuộc chiến nên cần phải làm gì đó để cho người ở hậu phương hay ở phía bên kia cuộc chiến nhìn thấy nó, dấy lên lòng căm thù chiến tranh, cũng như ca ngợi được tinh thần quả cảm của người chiến sỹ, của nhân dân tham gia cuộc chiến.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, lúc nào tôi cũng ở vị trí phía trước của trận đánh, để ghi lại những khoảnh khắc của lịch sử. Có thể nói rằng tôi luôn đứng ở "lằn ranh" hoặc ta chết hoặc địch chết để chớp lấy những hình ảnh tư liệu quý giá, như khi chiếc mũ của địch lăn xuống đất cũng là lúc dồn dập bước chân của các chiến sỹ ta băng qua.

- Có bao giờ ông sống trong tâm thế có thể đây sẽ là những hình ảnh cuối cùng mình được bấm máy?

Ông Đinh Quang Thành: Lạ là tôi chỉ nghĩ đến chiến thắng và không bao giờ sợ chết, nên những bức ảnh tôi chụp trong chiến tranh luôn sống động, thấy được khói lửa, sự hy sinh và lòng dũng cảm. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, tôi luôn đồng hành cùng những bước chân người lính giữa bối cảnh chỉ được phép tiến lên mà không có đường lùi.

Và cho tới giờ, khi đã 88 tuổi Xuân rồi nhưng tôi vẫn chưa… chịu buông máy. Các anh em rủ là tôi vẫn xách máy lên đường.

Những bức ảnh để đời từ vùng đất “Sống ngâm da, chết ngâm xương” ảnh 5Bức ảnh "Băng qua bom đạn địch trên kênh nhà Lê, các đoàn thuyền chở vũ khí, lương thực từ Hà Nam Ninh vào khu 4" của nhà báo Đinh Quang Thành.

- Cả một đời cầm máy với sự nghiệp nhiếp ảnh vẻ vang như vậy, nhưng có kỷ niệm tác nghiệp nào khiến ông cảm thấy tiếc nuối?

Ông Đinh Quang Thành: Đó là lần tôi đi chụp chuyến bay vào vũ trụ của Phạm Tuân. Thời điểm đó do hạn chế về phương tiện tác nghiệp nên tôi không có ống kính tele để chụp. Dưới chân tàu vũ trụ chuẩn bị phóng nóng cả nghìn độ, phóng viên ảnh phải đứng trên một nóc hầm từ rất xa, để nếu xảy ra sự cố thì tất cả nhảy ngay xuống hầm.

Phóng viên Việt Nam Thông tấn xã dù thua thiệt về phương tiện tác nghiệp như vậy nhưng cũng may tôi vừa chụp vừa tư duy về ánh sáng, tạo hình nên cũng không bị lỡ một sự kiện.

- Một tay máy kỳ cựu và đạt được nhiều thành tựu nhờ lao động nghề nghiệp hăng say không mỏi mệt như ông có chia sẻ gì với thế hệ trẻ cũng chọn gắn bó với nhiếp ảnh báo chí?

Ông Đinh Quang Thành: Tôi không dám dạy ai mà chỉ chia sẻ kinh nghiệp bản thân. Người phóng viên nhiếp ảnh đầu tiên cần phải có trải nghiệm sống, nhận thức về mặt xã hội. Càng nhận thức sâu sắc về xã hội thì nội dung ảnh chụp càng hay, càng sâu và đẹp hơn. Hiểu biết xã hội giúp tác động ngay vào những hình ảnh chụp.

Hình tượng nhiếp ảnh phản ánh tư duy, hiểu biết của người chụp. Nhận thức thế nào thì thể hiện qua việc chọn lựa hình tượng cũng như chủ đề như thế. Không có nhận thức, tư duy hình ảnh cũng như chăm chỉ lao động nhiếp ảnh thì 10 năm, 20 năm… vẫn thế thôi, không để lại dấu ấn gì cả.

- Xin trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ và một lần nữa chúc mừng ông nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật cao quý!

Ngày 19/5/2023, nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật cho bộ ảnh “Địch phá, ta cứ đi.”

Trong cuộc đời cầm máy của mình, ông đã giành được hơn 30 giải thưởng về nhiếp ảnh trong nước và quốc tế.

Những bức ảnh giàu giá trị lịch sử và nổi tiếng của ông có thể kể đến: Bộ ảnh chụp cảnh bệnh viện Bạch Mai bị bom B52 của Mỹ san phẳng trong 12 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, năm 1972 ở Hà Nội; những bức ảnh theo bộ đội vào Giải phóng Sài Gòn tháng 4/1975 như bức ảnh lịch sử về người lính xe tăng tại Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975; hình ảnh các chiến sỹ quân Giải phóng hành tiến trên xa lộ, chiếm sân bay Tân Sơn Nhất; hay cảnh người dân Sài Gòn đổ ra đường đón chào đoàn quân Giải phóng…

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục