Những “điểm mù” trong cuộc chiến công nghệ giữa hai nước Mỹ-Trung

Mỹ và Trung Quốc đang rơi vào tình trạng bế tắc kéo dài, và "cuộc chiến công nghệ" đang nhanh chóng trở thành một đặc điểm nổi bật của thế giới.
Những “điểm mù” trong cuộc chiến công nghệ giữa hai nước Mỹ-Trung ảnh 1(Ảnh: Reuters)

Báo Straits Times mới đây đăng bài viết của hai tác giả Joseph Chinyong Liow, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội, Nghệ thuật và Nhân văn, và Giáo sư Tan Kah Kee của trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nam Dương (NTU), trong đó đánh giá về cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung, cùng những công cụ mà Mỹ đang sử dụng và những "điểm mù" trong triển khai chiến lược đối phó với sự trỗi dậy về công nghệ của Trung Quốc.

Theo bài viết, các thành tố trong cách tiếp cận toàn diện của Mỹ với Trung Quốc dường như đã được thiết lập, nhưng việc đạt được mục tiêu kiềm chế sự bành trướng của các tập đoàn công nghệ Trung Quốc sẽ vô cùng khó khăn.

Việc trả tự do cho Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Châu của tập đoàn công nghệ Huawei trong tháng trước và triển vọng về Hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuy được hoan nghênh, nhưng không nên được hiểu là việc “cài đặt lại” mối quan hệ Mỹ-Trung. Thực tế, khía cạnh cạnh tranh trong mối quan hệ này sẽ tiếp tục gia tăng.

Như phát biểu của ông Kurt Campbell, Điều phối viên chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, thời kỳ can dự của Mỹ với Trung Quốc "đã kết thúc" và cạnh tranh giờ đây sẽ là "mô hình thống trị."

Ông Biden đã vẽ một bức tranh thậm chí còn sống động hơn, mô tả sự cạnh tranh với Trung Quốc như một nỗ lực để "giành chiến thắng trong thế kỷ XXI". Sự cạnh tranh này đặc biệt rõ rệt trong lĩnh vực công nghệ, nơi các nỗ lực phân nhánh tiếp tục tăng tốc khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chạy đua để thống trị các công nghệ của tương lai.

Bước ngoặt trong quan hệ Mỹ-Trung bắt nguồn từ năm 2015, khi Chủ tịch Tập Cận Bình công bố kế hoạch thực hiện 10 năm đầy tham vọng với mục tiêu "Sản xuất tại Trung Quốc 2025", nhằm chuyển đổi sâu rộng ngành công nghiệp đất nước để có thể đạt được vị thế thống trị toàn cầu trong các lĩnh vực công nghệ chủ chốt. Những tham vọng này đã “cọ xát mạnh” vào vị thế của Mỹ với tư cách là siêu cường công nghệ vượt trội trên toàn cầu.

Một loạt các hành động đã được Mỹ kích hoạt để đáp trả, bắt đầu từ quyết định mang tính bước ngoặt của cựu Tổng thống Barack Obama vào tháng 12/2016 nhằm ngăn chặn việc Trung Quốc mua lại nhà sản xuất chip Aixtron của Đức vì lý do an ninh quốc gia. Sau đó, Nhà Trắng công bố báo cáo kêu gọi Mỹ tăng cường khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực bán dẫn, đồng thời giảm thiểu "mối đe dọa" từ sức mạnh và các chính sách công nghiệp của Trung Quốc.

[Xu hướng mới của cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc]

Nhìn lại, những hành động này đã báo hiệu sự khởi đầu của một "cuộc chiến công nghệ," đặc trưng bởi sự cạnh tranh giữa hai siêu cường công nghệ có các hệ sinh thái riêng biệt, không kết nối, với các tiêu chuẩn riêng của họ và ít quan tâm đến sự tương tác.

Ba công cụ trong nỗ lực này của Mỹ nhằm kiềm chế sự bành trướng sức mạnh công nghệ của Trung Quốc có thể kể đến là công cụ lập pháp, đầu tư công nghệ và ngoại giao.

Công cụ lập pháp

Có thể thấy, những dấu hiện có chủ ý, trực tiếp và mang tính trừng phạt nhất trong cuộc canh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là một loạt các biện pháp lập pháp được Mỹ triển khai nhằm ngăn chặn việc Trung Quốc tiếp cận các công nghệ nhạy cảm của nước này, đặc biệt là trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tháng 2/2018, Quốc hội Mỹ ban hành Đạo luật cải cách kiểm soát xuất khẩu (ECRA) nhằm xác định các công nghệ nền tảng, mới nổi cần được bảo vệ. Đạo luật này bổ sung cho Danh sách Thực thể, một công cụ pháp lý khác được Bộ Thương mại Mỹ tạo ra năm 1997 nhằm hạn chế xuất khẩu công nghệ nhạy cảm cho các công ty bị coi là mối đe dọa an ninh quốc gia tiềm tàng. Danh sách này giờ đây được sử dụng để đưa các công ty công nghệ Trung Quốc vào “danh sách đen.”

Năm 2018 cũng chứng kiến sự thành lập của Hội đồng An ninh Mua sắm Liên bang (FASC), có nhiệm vụ bảo vệ các hệ thống mạng của chính phủ liên bang khỏi rủi ro trong chuỗi cung ứng, bằng cách loại bỏ các thiết bị cụ thể ra khỏi hệ thống thông tin chính phủ hoặc các hoạt động mua sắm trong tương lai. Thật vậy, FASC đã phát huy hiệu qua khi cựu Tổng thống Trump ban hành sắc lệnh hành pháp ngày 15/5/2019, nhằm bảo đảm an toàn cho các chuỗi cung ứng về dịch vụ, công nghệ liên lạc và thông tin (ICTS).

Luật thương mại cũng đã được thiết kế để giới hạn các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các công ty công nghệ của Mỹ thông qua Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS). CFIUS đã được mở rộng phạm vi vào năm 2018 thông qua Đạo luật Hiện đại hóa Đánh giá Rủi ro Đầu tư Nước ngoài (FIRRMA), với việc thêm vào yếu tố “các lợi ích nước ngoài không kiểm soát” trong các công ty của Mỹ liên quan đến cơ sở hạ tầng quan trọng, công nghệ quan trọng hoặc dữ liệu cá nhân nhạy cảm.

Mặc dù Tổng thống Biden đã kêu gọi đánh giá lại chính sách về công nghệ, nhưng không có khả năng ông sẽ từ bỏ các công cụ lập pháp của người tiền nhiệm. Thực tế, Tổng thống Biden đã tiếp tục thực hiện sắc lệnh hành pháp năm 2019 của cựu Tổng thống Trump để đảm bảo chuỗi cung ứng ICTS bằng cách cho phép Bộ Thương mại thực hiện sắc lệnh này và áp đặt các quy tắc cấp phép đối với các công ty có liên quan tới giao dịch ICTS, bất chấp sự phản đối từ giới doanh nghiệp về phạm vi quá rộng của quy định này.

Đầu tư công nghệ

Trong khi các công cụ lập pháp được sử dụng để hạn chế đầu tư Trung Quốc và khả năng tiếp cận các công nghệ của Mỹ, Washington cũng đang bắt đầu khởi động một chiến dịch cải tổ lớn chiến lược công nghệ quốc gia của mình.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Chính phủ liên bang Mỹ đóng vai trò dẫn đầu trong việc phát triển một hệ sinh thái nghiên cứu và phát triển mạnh mẽ mà dựa vào đó, sức mạnh Mỹ đã được khẳng định. Tuy nhiên, kể từ đầu những năm 1990, chính phủ liên bang đã chuyển sang “ngồi ghế sau” và cho phép khu vực tư nhân thúc đẩy đổi mới công nghệ, mặc dù vẫn có sự hỗ trợ của nhà nước thông qua Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF). Sự xuất hiện của mô hình khởi nghiệp Thung lũng Silicon chắc chắn là biểu tượng cho điều này.

Tuy nhiên, khi đối mặt với thách thức của Trung Quốc hiện nay, chính phủ liên bang một lần nữa phải đảm nhận một vai trò nổi bật hơn. Điều này đã được thể hiện rõ trong những năm cầm quyền của cựu Tổng thống Trump, với việc ký một loạt sắc lệnh hành pháp kêu gọi nỗ lực quốc gia lớn hơn trong việc khai thác các nguồn lực để phát triển trí tuệ nhân tạo, công nghệ 5G và điện toán lượng tử.

Tháng 6/2021, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới của Mỹ, trong đó cung cấp 250 tỷ USD từ nguồn ngân sách liên bang để tăng cường hệ sinh thái công nghệ của Mỹ, trong đó đặc biệt chú ý đến việc tăng công suất sản xuất thiết bị bán dẫn và viễn thông.

Ngoại giao

Với cách tiếp cận giao dịch, cứng rắn trong chính sách đối ngoại, chính quyền cựu Tổng thống Trump đã triển khai chiến dịch gây áp lực mạnh mẽ đối với các đồng minh và đối tác an ninh để tránh xa công nghệ của Trung Quốc. Điều này đã được chứng minh trong cách tiếp cận của Mỹ với tập đoàn Huawei, khi các đối tác an ninh như Đức và Anh bị đe dọa hạ cấp hợp tác tình báo nếu họ khăng khăng áp dụng nền tảng và thiết bị của Huawei cho mạng lưới 5G.

Nếu áp lực là một mặt của đồng xu, thì sự cộng tác là mặt còn lại. Tháng 4/2020, Bộ Ngoại giao Mỹ đã giới thiệu "Sáng kiến Mạng lưới Sạch", một chiến lược mạng được thiết kế để xây dựng cơ sở hạ tầng 5G bằng cách xác định các tiêu chuẩn truyền thông kỹ thuật số toàn cầu chung. Điều quan trọng về sáng kiến này là việc cố ý loại bỏ các tập đoàn có liên quan tới Chính phủ Trung Quốc khỏi mạng lưới này.

Chính quyền ông Biden đã phát huy yếu tố “cộng tác” này hơn nữa bằng cách xác định hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo, là những đặc điểm chủ chốt trong các sáng kiến đa phương khác nhau, chẳng hạn như Bộ tứ (Quad) hay liên minh an ninh AUKUS, trong đó Mỹ là một bên không thể thiếu.

Những “điểm mù”

Chiến lược ngăn chặn sự phát triển sức mạnh công nghệ Trung Quốc của Mỹ về cơ bản nhận được sự ủng hộ lưỡng đảng, và sự ủng hộ này được coi là “hiếm” trong đời sống chính trị Mỹ ngày nay. Thật vậy, điều này đã được chứng minh trong các nỗ lực tiếp cận lưỡng đảng tại Quốc hội trong các chính quyền trước đó, khi các quan chức đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa thực hiện nỗ lực tập thể nhằm thu hút sự tham gia của khu vực doanh nghiệp và các tổ chức học thuật để giải thích tại sao Mỹ lại phản ứng như vậy trước cách hành xử của Trung Quốc.

Tuy nhiên, cách tiếp cận của Mỹ đối với cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc đã bị suy yếu ở ít nhất ba điểm.

Thứ nhất, trong khi Chính phủ Mỹ gia tăng các đạo luật, sắc lệnh hành pháp nhằm ngăn chặn các nỗ lực của Trung Quốc trong việc tiếp cận công nghệ của Mỹ, vấn đề lại xuất hiện trong việc thực thi, vốn đã được chứng minh là khó khăn vì những lý do như thiếu sự rõ ràng và kiên định trong áp dụng các đạo luật này.

Như một nhà tài chính Mỹ đã mô tả trong một cuộc phỏng vấn với Finance Asia: "CFIUS là nơi có nhiều quy định liên quan tới Trung Quốc nhất, nhưng hoàn toàn giống như một hộp đen. Không ai có thể hiểu được tính thực tế của những gì đang diễn ra.”

Hơn nữa, dù được được giao nhiệm vụ lập danh sách các công nghệ nền tảng và mới nổi, nhưng Bộ Thương mại Mỹ đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các thành viên Quốc hội, những người không hài lòng với “tốc độ đi bộ” của Bộ này trong quá trình triển khai thực hiện lập danh sách đó. (Công bằng mà nói, Bộ Thương mại Mỹ đã hoàn tất dự thảo danh sách các công nghệ đang nổi, nhưng danh sách các công nghệ cơ bản, nền tảng tới nay vẫn chưa hoàn tất).

Thứ hai, mức độ quyết tâm của Mỹ trong việc tìm cách duy trì vị thế ưu việt của mình trong lĩnh vực công nghệ lại tương đương với mức độ quyết tâm của Trung Quốc trong việc chấm dứt phụ thuộc công nghệ vào Mỹ, một điểm mà Trung Quốc nhìn nhận là dễ bị tổn thương chiến lược. Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực chính như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, robot và 6G, đồng thời phát triển chuỗi cung ứng nội địa của riêng mình bằng cách chia nhỏ thị trường nội địa khổng lồ để thúc đẩy sự đổi mới.

Trung Quốc cũng đã tấn công trên mặt trận pháp lý, xây dựng danh sách các thực thể không đáng tin cậy của riêng mình, Luật chống trừng phạt nước ngoài và Luật kiểm soát xuất khẩu mới là để điều tiết việc xuất khẩu các công nghệ của Trung Quốc. Các đạo luật như vậy đã được sử dụng vào tháng 8/2020 để chặn việc bán TikTok cho các nhà đầu tư Mỹ. Hệ quả tất yếu là Mỹ cũng phải đối mặt với thực tế rằng bất kỳ chiến lược nào nhằm cô lập Trung Quốc đều không thể thu hút được sự ủng hộ mạnh mẽ của quốc tế trong bối cảnh ảnh hưởng kinh tế và công nghiệp của Bắc Kinh ngày càng mở rộng nhanh chóng.

Cuối cùng, đó là thách thức trong việc kiểm soát tác động thương mại của cuộc chiến công nghệ. Dù giành lại được lợi ích chiến lược giả định nào đi nữa thì việc phân tách Mỹ-Trung cũng gây thiệt hại đáng kể cho các công ty Mỹ, không chỉ trong khía cạnh khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc. Chắc chắn, đã có những ví dụ cụ thể, trong đó có việc các nhóm lợi ích, chẳng hạn như Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin, đã thành công vận động hành lang cho việc áp dụng một cách có hiệu chỉnh các đạo luật như FIRRMA.

Mỹ và Trung Quốc đang rơi vào tình trạng bế tắc kéo dài, và "cuộc chiến công nghệ" đang nhanh chóng trở thành một đặc điểm nổi bật của thế giới chúng ta ngày nay. Nhìn chung, Mỹ vẫn kiên quyết ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy trở thành một siêu cường công nghệ toàn cầu.

Tuy nhiên, trong khi các yếu tố của cách tiếp cận toàn diện dường như đã có, thực tế phải đối mặt với nhiều trở ngại. Điều này cho thấy việc đạt được mục tiêu sẽ không chỉ vô cùng khó khăn mà còn có khả năng sẽ tự thất bại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục