Những điều được và mất

Những điều được và mất sau cuộc chiến ở Dải Gaza

Suốt hơn một tuần qua, 1,6 triệu người dân Palestine ở Dải Gaza phải sống trong cảnh nơm nớp lo âu khi máy bay  Israel liên tục dội bom.
Từ sáng 22/11, thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas của Palestine chính thức có hiệu lực, tạm thời chấm dứt hơn một tuần xung đột đẫm máu ở Dải Gaza, đồng thời "tháo ngòi" cho một cuộc chiến tranh tổng lực trên bộ với những hậu quả khó lường giữa hai bên đối địch.

Thỏa thuận được Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Ngoại trưởng Ai Cập Mohamed Kamel Amr thông báo trong cuộc họp báo chung tại Cairo. Đây được xem là một thắng lợi quan trọng sau các nỗ lực ngoại giao con thoi không mệt mỏi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon và Ngoại trưởng Mỹ Clinton, cũng như sức ép mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Suốt hơn một tuần qua, 1,6 triệu người dân Palestine ở Dải Gaza, vốn đã quá khốn khó bần cùng sau gần 6 năm bị bao vây cô lập, lại phải sống trong cảnh nơm nớp lo âu khi các máy bay chiến đấu của quân đội Israel liên tục quần đảo và dội bom xuống dải đất chật hẹp này. Phía bên kia biên giới, cuộc sống của hàng triệu người dân Do Thái cũng bị đảo lộn với các cuộc tấn công dồn dập bằng tên lửa và rốckét của các nhóm vũ trang Palestine.

Khu vực Trung Đông vốn quá thừa bạo lực và bất ổn một lần nữa lại trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới. Các vụ tấn công trả đũa lẫn nhau trong 8 ngày qua đã cướp đi sinh mạng của gần 140 người, trong đó có hơn 30 trẻ em và hơn 900 người bị thương ở Dải Gaza, trong khi ở bên kia chiến tuyến cũng có 5 người Israel thiệt mạng.

Ai Cập và một loạt nước trên thế giới đã lên tiếng kêu gọi các nỗ lực nhằm nhanh chóng chấm dứt xung đột tại Dải Gaza, tuyên bố sát cánh cùng người dân Palestine cho đến khi họ giành được độc lập. Trong khi các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ, có quan điểm ủng hộ “quyền tự vệ” của nhà nước Do Thái trước các cuộc tấn công bằng rốckét của các tay súng Palestine thì các nước trong khu vực như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Qatar, Jordan… đồng loạt lên án và chỉ trích gay gắt hành động leo thang quân sự nguy hiểm của Israel chống lại những dân thường vô tội tại Dải Gaza.

Theo nhận định của các chuyên gia, cuộc xung đột Gaza lần này được phát động nhằm phục vụ cho những toan tính chính trị của cả Hamas lẫn chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Do vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu trong những ngày tới cả hai bên đều lên tiếng tuyên bố giành được thắng lợi vang dội: Israel tiêu diệt và phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng của “tổ chức khủng bố”, trong khi Hamas vẫn vững vàng trụ lại sau cuộc chiến tàn khốc không cân sức với Israel. Không phải ngẫu nhiên khi cuộc xung đột này được khơi mào vào đúng thời điểm Israel chuẩn bị tổ chức tổng tuyển cử sau khi ông Netanyahu không thể thuyết phục được Mỹ, thậm chí cả các tướng lĩnh quân đội Israel, tham gia vào một cuộc chiến chống lại Iran. Cuộc chiến Gaza sẽ giúp liên minh tranh cử của Thủ tướng Netanyahu và Ngoại trưởng Lieberman tăng thêm uy tín và củng cố cơ hội giành chiến thắng trong cuộc bầu cử dự kiến vào đầu năm 2013.

[Hamas và Israel cùng nhất trí ngừng bắn tại Dải Gaza]

Trong khi đó, cuộc xung đột cũng được đánh giá là đã mang lại cho Hamas một vị thế mới với sự ủng hộ ngày càng tăng cả ở trong nước lẫn khu vực. Hamas còn giành thêm một thắng lợi nữa khi phần nào phá được thế trận bao vây cô lập do Israel áp đặt từ gần 6 năm nay qua hàng loạt chuyến thăm thể hiện tình đoàn kết của lãnh đạo các nước Arập. Ngoài ra, theo một phần nội dung bản thỏa thuận ngừng bắn được báo chí đăng tải, Israel đã phải chấp thuận mở cửa biên giới với Dải Gaza cho giao thương và đi lại. Và một điều mà Israel không hề mong muốn là cuộc xung đột Gaza đã giúp thu hẹp những bất đồng và chia rẽ giữa Hamas và Fatah, hai lực lượng đang kiểm soát hai phần lãnh thổ tách rời của Palestine, đưa hai lực lượng này xích lại gần nhau để cùng hướng tới một mục tiêu chung.

[12 quả rocket bắn vào Israel bất chấp lệnh ngừng bắn]

Cuộc chiến 8 ngày này cũng góp phần xác lập lại vị thế và ảnh hưởng khu vực của Ai Cập qua những gì mà nước này đã thể hiện trong vai trò trung gian thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và các phong trào vũ trang Palestine tại Dải Gaza. Đây là một "phép thử" mới đối với quan điểm của chính phủ mới ở Ai Cập trong quan hệ với Israel và Mỹ. Ban đầu, dưới sức ép của các lực lượng chính trị trong nước, Cairo đã có những tuyên bố và động thái hết sức cứng rắn tưởng chừng như sẵn sàng cắt đứt quan hệ với Tel Aviv. Tuy nhiên, giọng điệu chỉ trích gay gắt này đã dần "bớt lửa" khi Mỹ và cộng đồng quốc tế liên tục hối thúc nước này nhanh chóng can thiệp nhằm chấm dứt xung đột.

Cuộc xung đột tại Gaza cũng là lời nhắc nhở mạnh mẽ đối với Tổng thống tái đắc cử của Mỹ Barack Obama về những công việc còn dở dang của mình. Trong khi hướng trọng tâm chính sách đối ngoại sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Washington cũng không thể sao nhãng khu vực Trung Đông với hàng loạt hồ sơ nóng bỏng đang chờ được giải quyết.

Dư luận cho rằng việc ký kết thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và các phong trào vũ trang Palestine tại Dải Gaza mới chỉ là thành công bước đầu. Trong thời gian tới, cộng đồng quốc tế sẽ phải tiếp tục nỗ lực để đảm bảo việc thực thi nghiêm túc thỏa thuận này. Tuy nhiên, việc chấm dứt hoàn toàn lệnh bao vây phong tỏa của Israel đối với Dải Gaza cũng như các nỗ lực nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine mới là giải pháp căn bản lâu dài để đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục