Qatar lên án mạnh mẽ vụ đánh bom của quân đội Israel vào thành phố Rafah

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Qatar cảnh báo việc cưỡng bức di dời dân thường khỏi Rafah là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và sẽ làm gia tăng cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ ở Gaza.

Khói bốc lên sau các cuộc không kích của Israel xuống thành phố Rafah, Dải Gaza. (Ảnh: THX/TTXVN)
Khói bốc lên sau các cuộc không kích của Israel xuống thành phố Rafah, Dải Gaza. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 8/5, Qatar đã lên án mạnh mẽ vụ đánh bom của quân đội Israel vào thành phố Rafah, ở phía Nam Dải Gaza và giáp biên giới Ai Cập, đồng thời kêu gọi quốc tế hành động để ngăn chặn hành động này và bảo vệ dân thường Palestine.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Qatar cảnh báo việc cưỡng bức di dời dân thường khỏi Rafah là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và sẽ làm gia tăng cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ ở Gaza.

Cùng ngày, người phát ngôn của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ông Ofir Gendelman tuyên bố các hoạt động quân sự của Israel tại thành phố Rafah không vi phạm Hiệp ước Hòa bình Ai Cập-Israel.

Phát biểu trong một đoạn video được đăng tải trên tài khoản X, ông Gendelman, nêu rõ: "Israel nhận thức được tính nhạy cảm của hoạt động quân sự chống Hamas gần biên giới Ai Cập, nhưng chúng tôi đảm bảo rằng hoạt động này không vi phạm Hiệp ước Hòa bình giữa Israel và Ai Cập."

Tháng 4 vừa qua, một nguồn tin thân cận với Ai Cập đã cảnh báo bất kỳ sự hiện diện quân sự nào của Israel ở khu vực biên giới giữa Ai Cập và Israel, được gọi là khu vực D, đều vi phạm Hiệp ước Hòa bình được ký năm 1979 giữa Ai Cập và Israel.

Nguồn tin này khẳng định bất kỳ hành vi nào của Israel vi phạm hiệp ước và các phụ lục an ninh của hiệp ước sẽ vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ Cairo.

Hiệp ước hòa bình Ai Cập-Israel được cố Tổng thống Ai Cập Anwar El-Sadat và Thủ tướng Israel lúc đó là ông Menachem Begin ký kết vào năm 1979 tại Washington (Mỹ), sau Hiệp định Trại David năm 1978.

Hiệp ước được ký sau chiến thắng của Ai Cập trong cuộc chiến chống lại Israel năm 1973, chấm dứt sự chiếm đóng của Israel trên Bán đảo Sinai kể từ Chiến tranh năm 1967.

Theo Hiệp ước Hòa bình, Ai Cập trở thành quốc gia Arab đầu tiên công nhận Israel./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục