Những dòng sông ở ĐBSCL "kêu cứu" vì sạt lở nghiêm trọng

Trong 6 tháng đầu năm nay, nhiều con sông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sạt lở nghiêm trọng, gây thiệt hại đáng kể về nhà cửa, tài sản và tính mạng con người.
Những dòng sông ở ĐBSCL "kêu cứu" vì sạt lở nghiêm trọng ảnh 1Sạt lở bờ sông ở Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh minh họa: Văn Trí/TTXVN)

Trong 6 tháng đầu năm nay, nhiều con sông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sạt lở nghiêm trọng, gây thiệt hại đáng kể về nhà cửa, tài sản và tính mạng con người. Điển hình, tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang và các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, tình trạng sạt lở gây thiệt hại gần 50 tỷ đồng.


Bức bối vì lở sông

Đi dọc theo con kênh Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, chúng tôi chứng kiến nhiều đoạn sông lở sâu vào đất liền, làm gián đoạn giao thông và ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của người dân nơi đây.

Ông Lê Văn Mỹ - Phó Chủ tịch huyện Chợ Gạo cho biết đường huyện 25 là trục chính nối liền thị trấn Chợ Gạo với 7 xã trong huyện. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở trong thời gian qua đã cắt đứt đường huyện này, khiến giao thông bị gián đoạn. Nhiều đoạn bờ sông Chợ Gạo bị lở hàm ếch, đã có trường hợp sụt lún bất ngờ gây chết người vào ban đêm.

Khi chúng tôi cùng đại diện của chính quyền địa phương huyện Chợ Gạo đến những nơi bị sạt lở nghiêm trọng mới biết, những đoạn đường có các cơ sở sản xuất nước mắm, người dân tự đầu tư kinh phí xây kè mới giữ được đường đi chừng 7 mét. Những đoạn đường khác hoàn toàn mất đi, nếu muốn vào nhà, người dân phải đi bằng cửa sau, theo “con đường tắt” qua đất của láng giềng.

Giống như sông Chợ Gạo, nhiều hộ dân ở dọc sông Hậu thuộc hai phường Bình Khánh, Bình Đức (thành phố Long Xuyên, An Giang) cũng gặp rất nhiều khó khăn vì bờ sông ngày một sạt lở nghiêm trọng.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy - trưởng khóm Bình Đức 3, phường Bình Đức, thành phố Long Xuyên, vụ sạt lở bờ sông tháng 3/2012 đã làm ảnh hưởng đến 77 hộ dân khu vực này, đặc biệt là vụ sạt lở xảy ra vào buổi tối đã nhấn chìm nhà máy sản xuất nước đá xuống dòng sông. Chính quyền địa phương đã phải di dời các hộ dân đi nơi khác tạm cư, nhưng nay vẫn còn 26 hộ xây nhà trên cọc nằm trong diện nguy cơ đe đọa lớn.

Theo ông Ngô Chí Hiếu - Chánh Văn phòng huyện Năm Căn, trong 6 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn huyện xảy ra 23 vụ sạt lở, gây thiệt hại về tài sản gần 2,5 tỷ đồng, trong đó, thiệt hại nặng nhất là các hộ sản xuất tôm, cua giống. Một số hộ kinh doanh buôn bán trong khu vực chợ Hàng Vịnh phải tốn hàng trăm triệu đồng để đóng cọc, gia cố bờ sông để giữ nhà.

Đi tìm nguyên nhân

Theo phản ánh của người dân những nơi chúng tôi đến, tình trạng sạt lở sông diễn ra thường xuyên, năm sau lở nhiều hơn năm trước và đã gây nhiều thiệt hại về kinh tế cho người dân.

Ông Lê Văn Mỹ - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, cho biết tình trạng sạt lở sông Chợ Gạo do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là mật độ lưu thông của các xà lan chở cát, đá phục vụ xây dựng công trình, tạo sóng lớn gây sạt lở.

Trước khi có dự án kè sông Chợ Gạo, người dân ven sông phải mua cừ tràm đóng gia cố, trồng cây chống sạt lở. Những hộ sản xuất trong huyện, đặc biệt là 3 cơ sở sản xuất nước mắm cũng tự đầu tư vốn xây dựng kè bêtông chắn sóng. Được khởi động vào cuối năm 2013, dự án kè sông Chợ Gạo triển khai rất chậm (mới làm được 2km/296km toàn tuyến), nên nhiều đoạn sông này tiếp tục lở sâu vào đất liền gây thiệt hại nhà cửa, hoa màu của người dân.

Ông Võ Hùng Dũng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết trung bình mỗi năm xảy ra 5-10 vụ sạt lở bờ sông, làm mất 15-20ha đất sản xuất, đất ở, gây thiệt hại bình quân 10 tỷ đồng/năm. Trong năm 2012, vụ sạt lở nghiêm trọng nhất đã gây ảnh hưởng đến 350 hộ dân, thiệt hại 18 tỷ đồng.

Ông Dũng cho biết thêm nguyên nhân gây sạt lở là do kết cấu trầm tích của đất ven bờ sông Tiền, sông Hậu kém, chưa qua quá trình nén chặt tự nhiên nên đất bị bão hòa, độ gắn kết thấp. Mặt khác, yếu tố thủy văn của hệ thống sông Mekong phía thượng nguồn Việt Nam có sự thay đổi lớn giữa các mùa trong năm. Vào mùa lũ, lưu lượng và tốc độ dòng chảy lớn, làm xói mòn đáy sông và ven bờ, sự chênh lệch khoảng cách giữa mực nước triều cường mùa lũ và mùa khô hơn 3 mét. Mực nước chân triều cường thấp nhất sẽ làm giảm sức nâng của nước với bờ, dễ xảy ra hiện tượng trượt bờ.

Thêm vào đó, điều kiện tự nhiên, địa mạo của hệ thống sông trên địa bàn tỉnh An Giang có nhiều điểm giao nhau, làm cho dòng chảy tăng đột ngột tại các hố xoáy ngã 3 sông, nhiều đoạn sông cong tạo dòng chảy xoáy tác động mạnh lên cung bờ lõm, đồng thời tạo ra hiện tượng cồn bãi phía bờ đối diện, làm giảm các mặt tắt nước đột ngột dẫn đến xâm thực bờ.

Ngoài ra, giao thông bằng đường thủy, khai thác cát trái phép, xây dựng nhà lấn chiếm bờ sông, đào ao nuôi cá, neo đậu bè cá, đê bao chống lũ... cũng góp phần vào tác động làm sạt lở bờ sông hiện nay.

Theo ông Lê Thành Huấn - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Cà Mau, vào mùa mưa, biên độ triều lên xuống, người dân dọc con sông thường gọi là nước lớn - nước ròng chênh lệch lớn, khoảng 3 mét. Do vậy, khi nước xuống, kết cấu các tầng đất bị yếu, không có sức nâng của nước lại thêm nhà cửa được xây cất kiên cố bên trên, tạo sức ép lớn lên tầng đất này, gây sụt lở mạnh.

Với những hiện trạng sạt lở trên, người dân trong các khu vực này gặp không ít khó khăn trong ổn định chỗ ở, mưu sinh, lo lắng về việc học của con em. Vì vậy, các địa phương cần có giải pháp khắc phục để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục