Những dự báo sai lầm về sự sụt giảm của nền kinh tế Trung Quốc

Dự kiến trong 10 năm tới, thị trường Trung Quốc sẽ tăng gấp 2,5 lần. Khi các thị trường quản lý tài sản truyền thống của phương Tây bão hòa thì các ngân hàng đầu tư sẽ buộc phải tiếp cận Trung Quốc.

Theo Sputnik và theatlantic.com, gần đây, khi tập đoàn Evergrande, một trong những "gã khổng lồ" phát triển bất động sản của Trung Quốc, bên bờ vực phá sản, giới phân tích tài chính trên khắp thế giới băn khoăn liệu Evergrande có phải là "cái bóng Lehman" của Trung Quốc hay không, một phát súng mở đầu cho làn sóng vỡ nợ vốn có thể làm sụp đổ hệ thống ngân hàng của nước này và cản trở khả năng phục hồi kinh tế của Trung Quốc và thế giới vốn đang chìm trong tình trạng suy thoái do đại dịch COVID-19.

Tương tự, khi những khó khăn về vấn đề năng lượng của Trung Quốc xuất hiện trên báo chí trong nước và quốc tế, đã có những dự báo về nguy cơ suy giảm kinh tế Trung Quốc.

Thế nhưng, những dự báo ấy đã không thành hiện thực và ban lãnh đạo Trung Quốc lâu nay vẫn kiên định thách thức những dự đoán như vậy.

Theo Sputnik, tuần này, thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm trở lại khi giới đầu tư thở phào nhẹ nhõm sau khi Mỹ dường như sẽ tránh được một vụ “vỡ nợ” và Nga hứa hẹn bảo đảm nguồn cung khí đốt ổn định cho châu Âu. Nhờ đó, những vấn đề khó khăn về năng lượng ảnh hưởng đến Trung Quốc đang được giải quyết.

Mỗi khi Trung Quốc vấp phải bất kỳ sự kiện tiêu cực nào đó xảy ra trong nền kinh tế thì các chính trị gia nước ngoài và sau đó các phương tiện truyền thông thế giới bắt đầu hoan hỉ về khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng và thậm chí sự sụp đổ của “phép màu kinh tế” Trung Quốc.

Năm 2008, ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng toàn cầu, các nhà phân tích đã nói Trung Quốc “không có cơ hội sống sót nào.” Và giờ đây là vụ Evergrande và cuộc khủng hoảng năng lượng. Thế nhưng, Bắc Kinh đã áp dụng các biện pháp thiết thực và hiệu quả để vượt khỏi khủng hoảng.

Đã có những người công khai thừa nhận sai lầm. Ví dụ, Paul Krugman, nhà kinh tế học người Mỹ từng đoạt giải Nobel, đã thừa nhận rằng sự sụp đổ của Trung Quốc đã được dự đoán trong nhiều thập kỷ nhưng vì một số lý do mà điều này không xảy ra.

Có lẽ, nguyên nhân là các nhà kinh tế học đã dựa trên những phân tích dữ liệu thiên lệch hoặc không đầy đủ.

Thật vậy, kinh nghiệm của các nước khác cho thấy việc thao túng số liệu thống kê, bóp méo các nguyên tắc thị trường, đưa ra số liệu không chính xác về sự phát triển của một số lĩnh vực nhất định của nền kinh tế, chỉ có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng quy mô lớn.

Ví dụ, điều này đã xảy ra ở các nước Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á. Và nền kinh tế Liên Xô cuối cùng bị sụp đổ sau khi mất cân bằng và tích tụ quá nhiều vấn đề. Thế nhưng, Trung Quốc vẫn đứng vững. Điều này cho thấy các nhà phân tích phương Tây đang bỏ qua điều gì đó.

Mỹ cho rằng nhờ chính sách gắn kết khiến một quốc gia nào đó rơi vào quỹ đạo ảnh hưởng chính trị của Mỹ thì Washington sẽ là bên đưa ra quy tắc trò chơi và khó có nước nào trở thành đối thủ của họ.

Song, tính toán này đã không đúng với Trung Quốc. Bất chấp sự gắn kết và sự tăng trưởng kinh tế, bao gồm cả nhờ đầu tư nước ngoài và tự do hóa thương mại quốc tế, Trung Quốc vẫn giữ được sự độc lập về chính trị. Và khi đã có đủ sức mạnh kinh tế, Bắc Kinh bắt đầu nói lên quan điểm chính trị của mình về các vấn đề quốc tế.

Đối với các chính trị gia Mỹ, những rắc rối kinh tế của Trung Quốc sẽ là một tin tốt lành. Do đó, tất cả dự đoán về sự sụp đổ không thể tránh khỏi của “phép màu” Trung Quốc đều dựa trên những tính toán chính trị: cố gắng cắt đứt dòng tài chính, mặc cả để có được những điều kiện thuận lợi hơn trong cuộc đàm phán thương mại.

[Trung Quốc hối thúc các ngân hàng ngăn chặn hành vi đầu cơ nhà ở]

Từ chính quyền tiền nhiệm Donald Trump đến chính quyền đương nhiệm Joe Biden, chính giới ở Washington đều đồng thuận rằng cần phải kiềm chế sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc nếu không Bắc Kinh sẽ "vượt mặt" Washington và áp đặt ý chí của mình đối với trật tự thế giới.

Tuy nhiên, câu chuyện Evergrande đã cho thấy vụ việc này còn lâu mới trở thành "sự đã rồi". Mọi diễn biến chỉ đang chứng minh rằng Trung Quốc đã bước vào một giai đoạn phát triển mới mà kết quả của giai đoạn này không hoàn toàn chắc chắn.

Tuy nhiên, các nhà kinh doanh là những người thực dụng, họ không vội vàng ủng hộ quan điểm của các quan chức và chính trị gia. Trong nửa đầu năm 2021, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc đã vượt quá khối lượng đầu tư trong cả năm 2020.

Bất chấp thực tế là các cơ quan quản lý của Mỹ đang đưa ra những quy định mới đe dọa các công ty Trung Quốc bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ và hạn chế đầu tư của quỹ hưu trí vào chứng khoán của các công ty Trung Quốc, danh mục các công ty Mỹ đầu tư vào Trung Quốc tiếp tục gia tăng.

Những dự báo sai lầm về sự sụt giảm của nền kinh tế Trung Quốc ảnh 1 Các tòa nhà do tập đoàn bất động sản Evergrande xây dựng tại Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 17/9/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tính đến tháng 8/2021, các quỹ đầu tư và quỹ giao dịch trao đổi của Mỹ đã nắm giữ 43 tỷ USD tài sản của Trung Quốc, tăng 13 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Các đại gia đầu tư của Mỹ như BlackRock, Goldman Sachs, JP Morgan đều đang gia tăng rót vốn, mua cổ phần tại Trung Quốc và mở rộng hoạt động kinh doanh.

Khi chính quyền Bắc Kinh tăng cường kiểm soát các công ty công nghệ quy mô lớn, truyền thông phương Tây lan truyền dự báo rằng lĩnh vực công nghệ ở nước này sẽ không thể phát triển được nữa, đồng thời so sánh hành động của nhà chức trách Trung Quốc với thời kỳ Cách mạng Văn hóa.

Kiểu nhận định này đã bỏ qua một chi tiết quan trọng: Trung Quốc không phải là nước tiên phong trong việc giám sát các công ty công nghệ lớn. Trên thực tế, ngay từ đầu ở Trung Qquốc đã không có quy định nào.

Trung Quốc đã áp dụng khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này. Giờ đây, các công ty đã phát triển, họ phải tuân theo những quy tắc nhất định để đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế và hệ thống tài chính.

Nói cách khác, Bắc Kinh mới chỉ áp dụng những quy định nghiêm ngặt đối với các công ty công nghệ lớn ở nước này, trong khi các nước phương Tây từ lâu đã áp dụng các nguyên tắc kiểm duyệt tương tự.

Vì vậy, sự quan tâm của giới kinh doanh đối với thị trường Trung Quốc đã gia tăng sau khi Bắc Kinh bắt đầu áp dụng các quy định này. Kết quả là, môi trường kinh doanh được điều chỉnh theo các quy tắc trò chơi quen thuộc với các doanh nhân nước ngoài.

Như vậy, cảnh báo của các chính trị gia về Trung Quốc trái ngược với thực tế mà các doanh nhân đang chứng kiến. Theo Boston Consulting Group, thị trường quản lý tài sản của Trung Quốc đã tăng 10% lên 18,9 nghìn tỷ USD vào năm 2020.

Dự kiến, trong 10 năm tới, thị trường Trung Quốc sẽ tăng gấp 2,5 lần. Khi các thị trường quản lý tài sản truyền thống của phương Tây đang dần đạt đến mức bão hòa thì các ngân hàng đầu tư chỉ có một cơ hội duy nhất để mở rộng hơn nữa là tiếp cận Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục