Theo Reuters, dường như không có gì nghi ngờ về việc Ngoại trưởng Rex Tillerson hiện trở thành một nhân vật "lọt vào tầm ngắm" của Tổng thống Mỹ Donald Trump mặc dù ông Trump có thể vẫn bác bỏ điều này.
Hồi tháng trước, đã có đồn đoán về việc Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley sẽ sớm thay thế Tillerson. Tuần trước, hàng loạt tin tức đã phát đi tín hiệu về cái kết đối với sự nghiệp của Tillerson, người không phủ nhận việc đã từng gọi ông Trump là "kẻ dại khờ."
Trước những đồn đoán này, ông Trump lập tức hồi đáp trên mạng xã hội Twitter khi viết "Tin giả mạo," đồng thời khẳng định Tillerson sẽ không rời bỏ vị trí của mình mặc dù giữa hai người bất đồng về một số vấn đề. Ông Trump có thể chân thành, hoặc có thể ông ấy đang muốn "câu giờ" để né tránh khả năng tiến hành một cuộc điều trần gây tranh cãi về một ứng cử viên mới cho vị trí Ngoại trưởng Mỹ tại thời điểm không phù hợp cho chính quyền vốn đang chật vật đối phó với cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ có lợi cho ông Trump.
[Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Ngoại trưởng Tillerson]
Thế nhưng, dù Tillerson từ nhiệm sớm hay muộn, thì điều quan trọng là cần nhìn nhận những gì chờ đợi Bộ Ngoại giao Mỹ ở phía trước. Hiện không rõ liệu Giám đốc Cục tình báo Mỹ (CIA) Mike Pompeo có tiếp quản chiếc ghế của Tillerson hay không. Trong khi đó, hoạt động bổ nhiệm quan chức chính trị ở Washington lúc này chẳng khác nào hoạt động của một vị tổng thống yếu kém. Nhiều vị trí được chỉ định trước đây và đang chờ được bổ nhiệm không còn hào hứng với những công việc mà sau một thời gian nguy cơ mất chức là hiện hữu. Điều này gây khó cho Pompeo để có thể lấp đầy các chỗ trống trong Bộ Ngoại giao Mỹ. Trong khi đó, thời gian phục vụ trong CIA quá ngắn ngủi để Pompeo có thể thu phục những ê-kíp trung thành với mình (để đi theo sang làm việc tại Bộ Ngoại giao) và phần lớn nhân viên tại trụ sở CIA ở Langley coi công việc ở Bộ Ngoại giao là một hình thức "giáng chức." Ngoài ra, cũng có vấn đề văn hóa ở đây. Quan điểm cứng rắn của Pompeo tại CIA đã khiến ông có cách hành xử mang tính áp đặt với nhiều quan chức CIA, khiến họ đặt câu hỏi liệu vị giám đốc này có thể vượt qua được những khác biệt về văn hóa để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn hay không. Vì vậy, hoàn toàn dễ dàng để hiểu được lập trường cứng rắn của Pompeo sẽ tác động xấu như thế nào đến hoạt động của Bộ Ngoại giao vốn có văn hóa thảo luận theo kiểu không rõ ràng như "điều gì xảy ra nếu" và "có thể là vậy." Bên cạnh đó, Pompeo lọt vào "mắt xanh' của Trump một phần vì quan điểm cứng rắn của ông về vấn đề Iran.
Trong nội bộ Bộ Ngoại giao, thỏa thuận hạt nhân Iran được xem là là một trong những thành công quan trọng của thể chế này. Pompeo là một người bảo thủ và Bộ Ngoại giao lại luôn là cơ quan của những tiếng nói "tự do" nhất. Mặc dù Tillerson yếu kém về năng lực song lại có cùng cách suy nghĩ với bộ này khi thúc đẩy đối thoại với Triều Tiên và ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran. Trong khi đó, Pompeo phản đối cả hai.
Tuy nhiên, cho dù Tillerson có được thay thế bởi Pompeo hay bởi bất kỳ nhân vật nào khác, thì những vấn đề cơ bản của quá trình chuyển giao quyền lực vẫn giống nhau. Bộ Ngoại giao là một thể chế ngoại lai, một nửa là nhân viên bản địa, một nửa là nhân viên nước ngoài. Sự tương tác độc đáo này giữa giới công chức (không phải là nhà ngoại giao, gồm nhân viên hỗ trợ làm việc ở thủ đô Washington) và giới ngoại vụ (chủ yếu chịu tránh nhiệm về chính sách ở Washington và là nhân viên đại sứ quán cũng như lãnh sự ở nước ngoài) gây phức tạp cho quá trình chuyển giao vị trí ngoại trưởng. Làm hòa hợp hai lực lượng này, vốn có những lợi ích khác biệt, có thể là một công việc khó khăn. Không giống quân đội, nơi mà các mệnh lệnh và thủ tục nội bộ được ghi đầy đủ trong quy định, Bộ Ngoại giao là một cơ quan có cấu trúc lỏng lẻo hơn. Câu hỏi là liệu Bộ Ngoại giao có phải là một cơ quan công quyền theo thứ bậc từ trên xuống dưới hay không. Thất bại của ông Tillerson chủ yếu là do không đánh giá đúng vấn đề này. Cách thức truyền thống để tham gia bộ này là bộ trưởng phải lấp đầy các vị trí chủ chốt bằng những nhân vật được lựa chọn có nền tảng chính trị để họ tạo cấp bậc trong cơ quan này. Tuy nhiên, ông Tillerson đã để trống quá nhiều vị trí trong thời gian quá lâu, để rồi lúc khó khăn thì không có một đồng minh nào trong bộ chìa tay hỗ trợ ông.
Ngoài việc kiện toàn bộ máy tổ chức của bộ, nhiệm vụ đối với các tân bộ trưởng là đặt ra mục tiêu rộng lớn hơn đối với bộ này. Bộ Ngoại giao Mỹ là cơ quan không có mục tiêu chính ban đầu. Dưới chính quyền này, bộ tập trung vào vấn đề kiểm soát vũ khí, còn dưới chính quyền khác thị bộ này lại dồn nỗ lực vào công cuộc tái thiết Iraq và Afghanistan. Gần đây, bộ này tập trung vào vấn đề "quyền lực mềm." Trong khi đó, Tillerson lại chưa từng vạch ra một mục tiêu lớn lao nào vượt ra khỏi những suy nghĩ hời hợt về cải cách cấu trúc cơ quan này.
Sau các cuộc trao đổi với giới cựu quan chức ngành ngoại giao, tác giả cho rằng người kế nhiệm Tillerson sẽ phải đối mặt với một bầu không khí ở bộ mà khiến người ta hồi tưởng về một nơi cứu hộ thú cưng: nơi có những nhân vật yếu kém, lo sợ sự xuất hiện của người mới, có những người đã rời đi song vẫn có tên trên sổ sách làm việc để nhận lương hưu và đa số còn lại trong trạng thái chờ đợi xem điều gì xảy ra tiếp theo. Tuy nhiên, đáng chú ý là một số nhân vật cảm thấy họ có thêm sức mạnh và cho rằng có đủ sức để "hạ bệ" bất kỳ bộ trưởng yếu kém nào, và họ sẽ vẫn làm như vậy đối với bộ trưởng mới.
Suy cho cùng, những bất cập này không thực sự liên quan đến việc ai sẽ là bộ trưởng mới mà là ai là tổng thống. Những người bất bình nhằm vào Tillerson đang sử dụng ông như một vai đóng thế cho ông Trump. Nhà Trắng vẫn là cơ quan chủ chốt thúc đẩy chính sách đối ngoại, nhưng Nhà Trắng lại không hề có thiện cảm nào với giới quan chức ngoại giao của mình. Ông Trump nhất trí cắt giảm mạnh ngân sách cho Bộ Ngoại giao, và nhiều người tin rằng nhiều vị trí chưa được bổ nhiệm ở bộ này là nỗ lực của ông Trump nhằm kìm kẹp bộ. Bản thân ông Trump tuyên bố rằng chính sách đối ngoại không nhằm phục vụ bất kỳ ai mà phục vụ các mong muốn của ông.
Một ý kiến bình luận rằng Bộ Ngoại giao là một thể chế mà Tổng thống Trump không coi trọng, không đánh giá cao hoặc không hiểu về cơ quan này. Nếu như Tillerson có những quan điểm khác biệt với ông Trump về Triều Tiên và Iran thì Pompeo lại là người theo trường phái diều hâu và trung thành với ông Trump. Nếu ông Trump thực sự muốn hủy hoại Bộ Ngoại giao thì khó có thể hình dung một nhân vật nào khác lại có thể thực hiện mong muốn này của ông Trump tốt hơn Pompeo./.