Ngày 28/11, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng khi các cuộc xung đột vũ trang trên toàn cầu đang đi đến hồi kết cũng là lúc ngân sách dành cho Bộ Ngoại giao nước này nên được cắt giảm.
Trước đó, kế hoạch cắt giảm 1/3 ngân sách cho Bộ Ngoại giao mà Ngoại trưởng Tillerson đề xuất đã bị Quốc hội nước này bác bỏ.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ cho rằng một phần kế hoạch cắt giảm của ông phản ánh hy vọng các xung đột được giải quyết cũng là lúc Mỹ sẽ chuyển hướng hỗ trợ cho những khu vực chịu ảnh hưởng, đặc biệt giảm phần lớn hoạt động hỗ trợ ngoại giao.
Ông Tillerson cũng khẳng định ông đang nỗ lực điều chỉnh khoản chi ngân sách mà ông cho rằng đang ở mức cao kỷ lục, kết hợp với các biện pháp tổ chức lại các quy trình ngoại giao và xây dựng các Ngoại giao đoàn hoạt động hiệu quả hơn.
Trong những năm qua, Mỹ đã can dự vào nhiều khu vực xảy ra xung đột trên toàn cầu. Các lực lượng Mỹ tham gia chiến đấu tại Afghanistan từ năm 2001 và ở Iraq từ năm 2003 trong khi hàng nghìn binh lính cũng được triển khai tới Syria và một số khu vực ở Bắc và Tây Phi để tham gia cuộc chiến chống khủng bố.
Cùng với hỗ trợ quân sự, các đoàn ngoại giao Mỹ cũng xuất hiện ngày càng nhiều trong các hoạt động giám sát thỏa thuận ngừng bắn, duy trì liên minh, thúc đẩy các cuộc hòa đàm và giúp đỡ các địa phương tái thiết chính quyền sau chiến tranh.
Theo Ngoại trưởng Tillerson, chính những hoạt động này đã khiến chi ngân sách dành cho ngành ngoại giao của Mỹ lên mức kỷ lục 55 tỷ USD, không hợp lý.
Khi tình hình thế giới đã ổn định hơn thì mức ngân sách cho ngoại giao của Mỹ ở khoảng 30 tỷ USD là phù hợp./.