Những khó khăn trong nỗ lực đa dạng hóa thị trường của Australia

Sự sụt giảm trong thương mại của Australia với Ấn Độ đã ảnh hưởng đến hy vọng của Chính phủ Australia nhằm tăng cường quan hệ với quốc gia Nam Á để giảm sự phụ thuộc kinh tế quá mức vào Trung Quốc.
Những khó khăn trong nỗ lực đa dạng hóa thị trường của Australia ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Trang The Strategist của Viện Chính sách Chiến lược Australia cho biết trong khi thị phần xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc tăng lên mức đáng kinh ngạc là 46%, thị phần xuất khẩu của nước này sang Ấn Độ lại giảm xuống dưới ngưỡng 2% trong tháng 6/2020, là mức thấp nhất kể từ năm 2003.

Bài viết nhận định sự sụt giảm trong thương mại của Australia với Ấn Độ đã ảnh hưởng đến hy vọng của Chính phủ Australia nhằm tăng cường quan hệ với quốc gia Nam Á để giảm sự phụ thuộc kinh tế quá mức vào Trung Quốc.

Những con số biết nói

Bài báo viết hai năm trước, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đã đề ra một chiến lược ấn tượng nhằm tăng cường quan hệ kinh tế với Ấn Độ, với các mục tiêu đầy tham vọng là tăng xuất khẩu hàng hóa hàng năm sang Ấn Độ từ mức 15 tỷ AUD của năm 2017 lên 45 tỷ AUD vào năm 2035, đưa nước này trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Australia.

Vào thời điểm đó, mục tiêu này có vẻ hợp lý khi thị trường Ấn Độ đang trong thời kỳ phát triển nhanh chóng, và đã vượt qua Mỹ để trở thành thị trường quan trọng thứ tư của Australia, sau Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Báo cáo đánh giá việc xây dựng chiến lược trên cũng chỉ ra cơ sở địa chính trị cho mối quan hệ kinh tế giữa hai nước, với lập luận rằng một khi Ấn Độ trở thành một trong ba điểm đến xuất khẩu hàng đầu của Australia và hai nước tăng đầu tư hai chiều, điều này sẽ giúp giảm bớt mức độ rủi ro toàn cầu đối với Australia, trong bối cảnh ưu thế chiến lược của Mỹ đang suy giảm và tham vọng ngày càng rõ nét của Trung Quốc muốn trở thành cường quốc thống trị trong khu vực.

Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê Australia (ASB), trong 12 tháng tính đến tháng 6/2020, Ấn Độ đã tụt xuống ví trí thứ 7 trong số các thị trường xuất khẩu của Australia, bị Mỹ, Anh và vùng lãnh thổ Đài Loan vượt qua trong khi bị Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc bỏ xa hơn.

[Ai giữ lợi thế trong mối quan hệ thương mại Australia-Trung Quốc?]

Xuất khẩu hàng hóa của Australia sang Ấn Độ chỉ đạt 11 tỷ AUD trong năm ngoái, thấp hơn 26% so với mức của năm 2017 khi chiến lược trên được đưa ra.

Trang The Strategist lý giải, trong khi đại dịch đã làm suy yếu nhiều thị trường xuất khẩu, lý do chính khiến doanh số bán hàng sang Ấn Độ sụt giảm là do chiến lược kinh tế “Ấn Độ tự cường” theo chủ nghĩa dân tộc của Chính phủ Ấn Độ, bao gồm mục tiêu chấm dứt nhập khẩu than đá vào năm 2023-2024, trong khi than đá chiếm khoảng 70% xuất khẩu của Australia sang Ấn Độ.

Về nhập khẩu, thị phần nhập khẩu của Ấn Độ đối với hàng hóa của Australia, cũng giảm xuống còn 1,6%, so với mức cao nhất cũng chỉ 1,8% vào hai năm trước.

Ngoài mục tiêu xuất khẩu, chiến lược của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia cũng nêu rõ các ưu tiên về đầu tư, bao gồm đưa Ấn Độ trở thành điểm đến lớn thứ ba trong khu vực châu Á cho đầu tư ra nước ngoài của Australia vào năm 2035.

Trong lĩnh vực này, theo The Strategist, dữ liệu cũng khá thất vọng. Năm ngoái, các công ty Australia đầu tư 114 triệu AUD vào Ấn Độ, chiếm 0,2% tổng vốn đầu tư trực tiếp của Australia ra nước ngoài.

Trong khu vực châu Á, Ấn Độ đứng sau Singapore, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Malaysia, Indonesia và Việt Nam về đầu tư trực tiếp từ Australia.

Trong khi đó, cũng theo The Strategiest, mặc dù danh mục đầu tư vào thị trường trái phiếu và cổ phiếu Ấn Độ cao hơn, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng số đầu tư. Trong khi đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp mới có ý nghĩa quan trọng cho mối quan hệ kinh tế hai nước, vốn đầu tư trực tiếp của Ấn Độ vào Australia hiện không cao hơn mức của năm 2012.

Ngoài ra, các số liệu mới nhất về xuất khẩu dịch vụ của Australia, được cập nhật chậm một năm, cũng cho thấy Ấn Độ đứng thứ ba sau Trung Quốc và Mỹ, với kim ngạch xuất khẩu 6,6 tỷ AUD.

Về thị trường giáo dục đại học, trang The Strategist nhận định, khi đại dịch lắng xuống và việc đi lại giữa các nước được phục hồi, Ấn Độ sẽ có vai trò quan trọng cho việc sự phục hồi của khu vực đại học của Australia, đặc biệt nếu Trung Quốc thực hiện lời đe dọa ngăn cản sinh viên Trung Quốc sang học ở Australia.

Những cơ hội phía trước

Tuy nhiên, theo The Strategist, tham vọng xây dựng các mối quan hệ kinh tế làm cơ sở cho việc liên kết địa chính trị giữa Australia và Ấn Độ là đã trở nên thực tế trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc kinh tế đang gia tăng.

Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sau cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến vào tháng Sáu, Thủ tướng Scott Morrison nhận xét: “Dòng chảy thương mại và đầu tư giữa hai nước chưa đạt mức như mong muốn, nhưng chúng đang phát triển và có thể phát triển nhanh hơn rất nhiều.”

Tuy nhiên, theo các số liệu thương mại mới nhất, dòng chảy thương mại và đầu tư giữa Australia và Ấn Độ đang thu hẹp lại, và không đạt tăng trưởng như Thủ tướng Australia tuyên bố. Trong khi đó, hiện cũng rất khó xác định điều gì có thể làm thay đổi chiều hướng này.

Thực tế là nền kinh tế của Ấn Độ đã chững lại trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy nền kinh tế nước này chỉ tăng trưởng 2,9% trong năm ngoái, cao hơn so với thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng 6% đến 8% mà Ấn Độ thường đạt được.

Thủ tướng Modi khẳng định chiến lược kinh tế tự cường của ông không phải để cô lập Ấn Độ với thế giới mà nhằm tăng cường khả năng của nền kinh tế trong nước.

Ông Modi nói, chính sách kinh tế của ông phù hợp với đầu tư nước ngoài nhiều hơn và Ấn Độ đang kêu gọi các doanh nghiệp toàn cầu di chuyển các chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc.

Tuy nhiên, chiến lược tự lực cánh sinh, được áp dụng như một cách thức để đối phó với tình trạng suy thoái, lại được các doanh nghiệp Ấn Độ coi là giấy phép để tìm kiếm sự đối xử và bảo vệ ưu đãi.

Đối với trường hợp than đá, tham vọng là phát triển Tập đoàn Than Ấn Độ thuộc sở hữu nhà nước trở thành nhà cung cấp chi phối thị trường trong nước và chấm dứt việc nhập khẩu.

Cả hai nhà lãnh đạo Morrison và Modi đã thông báo rằng hai bên sẽ khởi động lại các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do song phương đã bị gác lại vào năm 2015.

Nhưng tự do hóa thị trường nông sản, vốn luôn là ưu tiên hàng đầu của các nhà đàm phán Australia, khó có thể đạt được tiến bộ ở Ấn Độ, nơi nền nông nghiệp còn kém hiệu quả nhưng là một nguồn tạo công ăn việc làm lớn. Trong khi đó, thuế quan của Australia hiện đã ở mức rất thấp nên nước này không có nhiều dư địa để đổi lại những nhượng bộ từ phía Ấn Độ.

Ngoài ra, trang The Strategist cũng nhận xét Ấn Độ từ lâu chỉ tham gia dè dặt vào tự do hóa thương mại thế giới và đầu năm nay đã rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào phút chót.

Trong thời gian tới, nhiều khả năng thế giới sẽ trải qua giai đoạn đầu tư kinh doanh kém và thương mại tăng trưởng chậm, với nhiều quốc gia sẽ hành động như Ấn Độ trong việc tập trung hỗ trợ kinh doanh và việc làm trong nước bằng cách tăng cường bảo hộ chống lại cạnh tranh toàn cầu.

Trong một môi trường như vậy, theo bài viết của trang The Strategist, có rất ít cơ hội để các nhà xuất khẩu Australia xâm nhập vào thị trường mới nào đủ quy mô để giảm sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục