Những khuyến nghị quan trọng cho APEC trong năm 2022

Các nền kinh tế APEC cần gắn kết và nhất quán để hướng tới một chương trình nghị sự bền vững và toàn diện nhằm đảm bảo tương lai hứa hẹn cho các thành viên.
Những khuyến nghị quan trọng cho APEC trong năm 2022 ảnh 1

Theo báo cáo mới từ Đơn vị Hỗ trợ Chính sách (PSU) của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), nền kinh tế khu vực sẽ sụt giảm đáng kể trong thời gian tới với tốc độ tăng trưởng GDP chững lại và chỉ đạt mức 2,5% vào năm 2022, đạt 2,6% vào năm 2023 sau mức tăng mạnh mẽ của năm 2021 là 5,9%.

Các dự báo về GDP là một trong những thông điệp chính trong báo cáo PSU, có tiêu đề “Phân tích các xu hướng khu vực APEC,” được cập nhật tháng 8/2022 - về những thách thức và bất ổn mà APEC đối mặt.

Trong thông cáo báo chí ngày 5/8, nhà nghiên cứu cấp cao của PSU Rhea C Hernando cho rằng “những điều tiết kinh tế dự kiến trong APEC phù hợp với dự báo thấp hơn cho nền kinh tế toàn cầu. Đầu tuần này, chúng ta đã thấy Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) điều chỉnh giảm dự báo GDP toàn cầu cho năm 2022 từ 3,6% xuống 3,2%.”

[Thái Lan tin tưởng sẽ tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC]

Theo tin từ Bangkok Post, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (ABAC) đang chuẩn bị đề xuất khuyến nghị 5 điểm về kế hoạch phục hồi kinh tế khu vực tới 21 nhà lãnh đạo của APEC tại Hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào tháng 11/2022 tại Bangkok, Thái Lan.

Các khuyến nghị, bao gồm đề xuất liên quan Khu vực thương mại tự do ở châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) vốn đang bị trì hoãn, là kết quả của một loạt các cuộc họp của ABAC trong thời gian qua.

Chủ tịch ABAC Kriengkrai Thiennukul cho rằng các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần phải cùng nhau đối phó với các vấn đề kinh tế do đại dịch COVID-19, cũng như các tác động của xung đột địa chính trị, lạm phát gia tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và biến đổi khí hậu.

Ông Kriengkrai Thiennukul nhấn mạnh: “Chúng ta cần các biện pháp cấp bách hơn để thúc đẩy nền kinh tế và 21 nhà lãnh đạo APEC sẽ thảo luận về chúng tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới.”

Thúc đẩy FTAAP sẽ là 1 phần trong kế hoạch hội nhập kinh tế khu vực và ABAC cho rằng FTAAP cần đáp ứng với môi trường kinh doanh toàn cầu mới.

Bên cạnh đó, FTAAP sẽ giúp thúc đẩy các lĩnh vực thương mại và dịch vụ trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu đang có nhiều thay đổi nhanh chóng.

Ông Kriengkrai cho biết ABAC mong muốn các thành viên APEC tăng cường hội nhập kinh tế khu vực bằng cách hỗ trợ hệ thống thương mại dựa trên quy tắc toàn cầu và đẩy nhanh việc hiện thực hóa FTAAP.

Khuyến nghị thứ hai được đưa ra là phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cho an ninh mạng, khía cạnh mà ông Kriengkrai kêu gọi “các thành viên APEC nên chung tay đầu tư.”

Khuyến nghị thứ ba là nỗ lực nhằm giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) ứng phó tốt hơn trong hoạt động kinh doanh.

Theo ABAC, MSME là một động lực của nền kinh tế toàn cầu, do vậy họ cần được tiếp cận nguồn vốn, đào tạo liên tục và tích hợp vào chuỗi cung ứng.

Khuyến nghị thứ tư là về kế hoạch xây dựng hệ thống lương thực bền vững và có khả năng phục hồi, nhất là trong bối cảnh các nhà sản xuất và người tiêu dùng trong khu vực đang đối mặt với những thách thức lớn do giá lương thực toàn cầu tăng cao và gián đoạn chuỗi cung ứng nông sản.

Ông Poj Aramwattananont, một thành viên của ABAC Thái Lan, cho biết mục tiêu này có thể đạt được bằng cách áp dụng mô hình kinh tế Xanh-Tuần hoàn-Sinh học (BCG).

Khuyến nghị cuối cùng được nhấn mạnh là việc thực hiện các biện pháp kinh tế vĩ mô và tài chính để tăng tốc độ phục hồi và nâng cấp cơ sở hạ tầng tăng năng suất và tăng trưởng.

Trong trung và dài hạn, báo cáo của PSU cho rằng các nền kinh tế APEC cần gắn kết và nhất quán để hướng tới một chương trình nghị sự bền vững và toàn diện nhằm đảm bảo tương lai hứa hẹn cho các thành viên.

Báo cáo có đoạn: “Điều này có nghĩa là tăng cường sự kết nối của khu vực; bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu; giải quyết khoảng cách về phát triển kỹ thuật số với các quy tắc cập nhật cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng và kỹ năng; đảm bảo sự tham gia kinh tế và đại diện chính trị đầy đủ và bình đẳng của phụ nữ bằng cách thực hiện các chính sách củng cố đa phương nhằm cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận việc làm, tín dụng và các vị trí lãnh đạo của phụ nữ.”

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng: “APEC đã thực hiện các bước đầu bằng cách đưa ra nhiều sáng kiến củng cố khả năng phục hồi của khu vực trước các đại dịch, khủng hoảng và bất ổn, nhận thức rằng các thành viên riêng lẻ có các điều kiện kinh tế và ưu tiên phát triển khác nhau.”

Theo báo cáo, chìa khóa cho những mục tiêu này chính là hợp tác để chuyển các cam kết thành hành động và biến hành động thành lợi ích hữu hình cho người dân trong khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục