Những ngành “hot,” học phí sẽ tăng kịch trần

Theo tin từ các trường đại học, mức học phí mới của những ngành như công nghệ, điện tử và khối kinh tế dự kiến sẽ tăng kịch trần.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mức học phí mới, các trường đã dự kiến về mức thu của trường mình. Theo đó, các ngành được ưa chuộng nhiều sẽ có mức học phí cao nhất. Khối kỹ thuật: Học phí tăng tùy ngành Ông Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, trường đang nghiên cứu để điều chỉnh mức học phí phù hợp cho năm học mới. “Chúng tôi có rất nhiều ngành, trong đó có những ngành thu hút đông sinh viên nhưng cũng có một số ngành các em còn dè dặt, vì thế mức học phí sẽ không cào bằng. Thậm chí, trong cùng một khoa, với các ngành khác nhau sẽ có mức học phí khác nhau”, ông Giảng cho biết. Cụ thể, các ngành “hot” sẽ có mức học phí cao (thu kịch trần 240.000 đồng/tháng) như Điện tử viễn thông, Tự động hóa... Các ngành dự kiến sẽ thu mức học phí thấp hơn như Dệt may, Luyện kim… Tuy nhiên, do hết năm thứ nhất, trường mới phân ngành nên trong năm học đầu, tất cả các sinh viên đều đóng mức học phí như nhau, dự kiến ở mức 240.000 đồng/tháng. Mặc dù khung học phí mới đã tăng lên 60.000 đồng/tháng so với mức cũ (từ 180.000 đồng/tháng lên 240.000 đồng/tháng), nhưng theo ông Giảng, con số này cũng không giải quyết được vấn đề cải thiện chất lượng giảng dạy. “Số tiền này, chúng tôi sẽ tập trung vào đầu tư phòng thí nghiệm, thực hành cho sinh viên. Các khoa đều cần có phòng thí nghiệm, trong khi một phòng thí nghiệm ở mức bình thường, đầu tư đã hết 1 tỷ đồng. Chúng tôi vừa xây dựng phòng thí nghiệm Hóa hữu cơ hết 5 tỷ đồng. Với chi phí cao như thế thì mức học phí này vẫn là rất khiêm tốn”, ông Giảng nói. Giống như Đại học Bách khoa, ông Hoàng Ngọc Trí, Hiệu trưởng Đại học Cộng đồng Hà Nội cho biết sẽ điều chỉnh học phí theo từng ngành. Theo đó, các ngành công nghệ sẽ có mức học phí cao hơn so với các ngành kinh tế. Đại học Giao thông Vận tải cũng đang cân nhắc mức học phí mới. Ông Trần Đắc Sử, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, do sinh viên của trường chủ yếu thuộc khu vực nông thôn nên trường phải tính toán rất kỹ trước khi đưa ra con số cụ thể.
Khối kinh tế: học phí tăng kịch trần
Trong khi các trường khối ngành kỹ thuật dự kiến sẽ có nhiều mức học phí tùy theo độ “hot” của ngành thì không ít trường kinh tế cho biết sẽ tăng kịch trần. Giám đốc Học viện Ngân hàng Tô Ngọc Hưng cho biết trường sẽ thu học phí ở mức cao nhất trong khung học phí được phép thu, là 240.000 đồng/tháng. “Mức tăng này cũng chỉ là tác động thêm về khoản thu cho trường, chứ không nhiều ý nghĩa so với những khoản tài chính mà trường phải bỏ ra”. Theo tính toán của ông Hưng, hàng năm trường phải bỏ ra một khoản lớn tiền bù đắp vào khoản miễn, giảm học phí cho các sinh viên thuộc diện chính sách. “Thu 240.000 đồng/sinh viên/tháng nhưng trên thực tế, cùng lắm, con số này chỉ được 150.000 đồng. Chưa kể tới chúng tôi phải dành 15% trao học bổng cho sinh viên”. Cũng theo ông Hưng, do các ngành không có sự khác biệt nhiều nên mức học phí sẽ như nhau. Năm học mới này, học phí của Đại học ngoại thương sẽ là 240.000 đồng/tháng với hệ đại học và 200.000 đồng/tháng với hệ cao đẳng. Phí đào tạo của hệ đào tạo ngoài ngân sách cũng tăng 1 triệu/năm (từ 9 triệu đồng/năm lên 10 triệu đồng/năm). “Ở khung học phí cũ, các trường đã thu ở mức kịch trần là 180.000 đồng/tháng. Khung học phí mới, chúng tôi cũng thu ở mức kịch trần vì thực ra, với mức này, trường vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong tài chính, nhất là với trường tự chủ tài chính như Ngoại thương”, bà Đào Thị Thu Giang, Trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính của trường cho biết./.
Nhiều khó khăn trong thực hiện

Khung học phí mới đã giúp các trường giải quyết một phần khó khăn tài chính. Nhưng theo ông Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa, do học phí mới có hiệu lực từ 1/9 trong khi các trường bắt đầu học từ tháng 8 nên tháng này lại phải tính riêng một mức học phí.

“Trong cùng một năm học nhưng phải tính tới hai mức học phí khác nhau nên chúng tôi gặp khó khăn khi phần mềm tài chính không tương thích”, ông Giảng nói.

Cũng gặp khó khăn trong vấn đề thu học phí mới, bà Đào Thị Thu Giang chia sẻ: “Bộ khuyến khích các trường học theo hệ tín chỉ nhưng học phí vẫn tính theo niên chế. Vì thế, chúng tôi đang rất phân vân. Nếu chia học phí theo kỳ thì không ổn vì có học sinh chỉ học hơn 3 năm đã ra trường. Nếu chia đều ra các môn theo lối cào bằng cũng không xong, vì mỗi môn học có thời lượng dạy và khối lượng kiến thức khác nhau”.
Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục