Cận Tết, những dòng người từ các tỉnh xa gần kéo về Hà Nội tranh thủ kiếm tiền dường như hối hả hơn. Trong đội quân đó, “binh chủng” bán báo dạo, cả nam lẫn nữ, trẻ cũng có mà đã luống tuổi cũng có, càng ngày càng đông thêm.
Tiếng loa điện rao báo ra rả, ầm ĩ khắp mọi con đường, ngõ ngách bất chấp việc thành phố từ lâu đã có lệnh cấm “tiếp thị” kiểu chối tai như thế trên các tuyến phố.
Hà Nội đã rét đậm. Nhưng chừng 5 giờ sáng ngày nào cũng có những đoàn người gò lưng đạp xe từ trung tâm thành phố ra các hướng ngoại thành. Ai nấy mũ nón thụp xuống, khẩu trang, khăn quấn cổ… Ai cũng như ai, ở phía trước xe là một chiếc loa điện liên tục phát ra một bài “điểm báo” ghi âm sẵn với nội dung cực kỳ giật gân. Nào là vụ giết người kinh hoàng, xác nạn nhân bị dìm xuống mương nước. Nào là một vụ đánh ghen chẳng giống ai, không giống nơi nào trên thế giới. Nào là một vụ tai nạn giao thông liên hoàn với những xe điên, những người say… Tất cả những “sự kiện” đó đều được được đăng tải tỉ mỉ trên những báo ngày, báo tuần, phụ trương, chuyên san của cơ quan tư pháp này hay đơn vị công an nọ. Chính trong những giỏ xe kia ngày nào cũng chở đầy những tờ báo “nóng bỏng”!
Tôi thường đi tập thể dục sớm dọc đường Cầu Giấy. Ngày nào cũng thấy những đoàn người đạp xe đi bán báo và phải nghe tiếng rao báo qua loa nhức cả tai. Nhưng tịnh không thấy ai mua báo vào lúc tờ mờ sương ở dọc tuyến đường này. Chẳng lẽ nghề bán báo dạo là nghề “chết đói” ư?
Một lần, tôi kêu dừng xe một cô bé tên Loan, quê ở Hưng Yên, mua một tờ báo để rồi hỏi han vài chuyện. Mới biết Loan và các bạn cô đang phóng xe đến Mỹ Đình, đến Cầu Diễn… Đó là “thị trường” tiêu thụ cho mỗi cô ngót 200 tờ báo mỗi ngày. Có một số người “đặt” sẵn, sáng sáng Loan và các bạn cô chỉ việc mang đến. Nhưng phần đông là người mua lẻ khi nghe rao báo “hấp dẫn”. Thật ra, nếu nói về đầu báo thì mỗi người như Loan cũng chỉ “phát hành” dăm bảy tờ. Đó là An ninh thế giới, Cảnh sát toàn cầu, Công an nhân dân, An ninh Thủ đô, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Đời sống và Pháp luật (cơ quan của Hội luật gia Việt Nam), Pháp luật Việt Nam (cơ quan của Bộ Tư pháp) và ấn phẩm chủ nhật Pháp luật và Thời đại của báo này…
Các cô chẳng cần đọc, chẳng cần biết trên mỗi trang báo người ta viết gì, chụp hình gì. Các cô cũng không phải bỏ ra một đồng vốn nào. Chỉ cần một chiếc xe đạp cà tàng (thời bây giờ ai muốn sắm xe đạp mà chả được). Trang thiết bị hành nghề tối thiểu là một bình ắc-quy và chiếc loa. Cần nhất là phải có sức khoẻ để guồng xe đi trong gió rét, mưa phùn. Và cũng phải có “hội nghề nghiệp”, chủ yếu là những người cùng làng, cùng huyện…
Cứ như Loan và mấy cô bạn Loan kể thì “hội” bán báo rao hiện nay ở Hà Nội chủ yếu là người Hưng Yên. Lực lượng lao động ngoại tỉnh ở Hà Nội lâu nay cũng đã hình thành nên những “hội” như vậy. Chẳng hạn, chăm sóc bệnh nhân ở một khoa nào đó của bệnh viện nào đó thì thường là người cùng thôn, cùng làng ở Vĩnh Phúc, ở Thái Nguyên... Thợ hồ là người một làng này, thợ mộc là người một làng nọ. Thậm chí, nghe nói đội quân cái bang ở Hà Nội chủ yếu cũng là người của một huyện thuộc một tỉnh ở phía Nam thủ đô.
Với những người bán báo dạo thì cứ sáng tinh mơ họ đến nhận báo mới và một băng ghi âm rao báo cực “hot” tại một “doanh nghiệp phát hành” ở gần Hồ Gươm. Rồi tất cả nhanh chóng tỏa đi mọi nẻo. Tiền báo thì sau một vài hôm, một tuần mới thanh toán cho chủ “doanh nghiệp.”
Loan và bạn của cô tên là Đào, cùng quê Hưng Yên và cũng chỉ học đến lớp 9, cũng như cậu Tuấn, anh Hùng… đều “bật mí” là mỗi ngày sau khi trừ tiền ăn uống, tiền thuê nhà trọ thì cũng kiếm được khoảng một trăm nghìn đồng. “Dịp nào có vụ án lớn thì chúng cháu bán mỏi tay chú ạ!” - Loan thành thật. Người ta xem tivi, nghe đài, đã “cập nhật” lắm loại “tin thông tấn vỉa hè” về một vụ giết, hiếp kinh hoàng nào đó thì rồi cũng muốn có một tờ báo đọc thêm cho tỏ tường… Các “nhân viên” của đội bán báo đều hiểu như vậy nên bao giờ cũng cố gắng không bỏ lỡ bất kỳ một dịp may hiếm có nào gắn liền với những “sự kiện” động trời.
Thực tế thì cứ bán được một số báo là có thể lãi ngay 1.000 đồng. Giá bìa 3.900 đồng (An ninh Thủ đô) mà bán 4.000 đồng như các quầy báo cũng đã có chút lãi, đằng này những người bán dạo thường lấy tròn 5.000 đồng. Tờ Đời sống và Pháp luật giá bìa 4.800 đồng, bán dạo 6.000 đồng, tờ Pháp luật và Thời đại (ra Chủ nhật) và Cảnh sát toàn cầu giá bìa 6.800 đồng, được bán với giá 8.000 đồng… Những chiếc giỏ xe đựng đầy… 200 tờ báo, nếu bán hết thì cũng lãi ngon xấp xỉ 200.000 đồng!
Tôi hỏi Đào và Tuấn, có những tờ báo Xuân (số Tết) giá lên tới hàng chục nghìn đồng, các em có “thầu” và liệu có bán được không thì hai cô cậu đều nói rằng “chỉ dám nhận” một vài tờ “có người đặt sẵn nhờ mua” chứ không bán rao được. Bởi đó là những số báo có nhiều bài vở “quan trọng”, đắt tiền, không thể “đọc vù” theo quảng cáo ầm ĩ nên người ta không mua kiểu vẫy tay “ê” một tiếng. Hơn nữa, Loan, Đào và bạn bè của hai cô cũng chỉ “chạy” cho đến 24, 25 Tháng Chạp là kéo nhau về quê ăn Tết dài dài, thành ra chẳng muốn ôm thêm món báo Xuân làm chi cho nặng. Cỡ cuối tháng Giêng, họ lại lên Hà Nội, lại nhà trọ, cơm niêu, lại rong ruổi xe đạp ngày ngày đi bán báo.
Các cô cũng nói rằng, sang năm, nếu nghề “phát hành báo chí” này khó thì có thể làm nghề khác, từ lau nhà đến trông trẻ, miễn là có thể bỏ sức lao động của mình ở chốn thị thành để mong dành dụm được một món tiền./.
Tiếng loa điện rao báo ra rả, ầm ĩ khắp mọi con đường, ngõ ngách bất chấp việc thành phố từ lâu đã có lệnh cấm “tiếp thị” kiểu chối tai như thế trên các tuyến phố.
Hà Nội đã rét đậm. Nhưng chừng 5 giờ sáng ngày nào cũng có những đoàn người gò lưng đạp xe từ trung tâm thành phố ra các hướng ngoại thành. Ai nấy mũ nón thụp xuống, khẩu trang, khăn quấn cổ… Ai cũng như ai, ở phía trước xe là một chiếc loa điện liên tục phát ra một bài “điểm báo” ghi âm sẵn với nội dung cực kỳ giật gân. Nào là vụ giết người kinh hoàng, xác nạn nhân bị dìm xuống mương nước. Nào là một vụ đánh ghen chẳng giống ai, không giống nơi nào trên thế giới. Nào là một vụ tai nạn giao thông liên hoàn với những xe điên, những người say… Tất cả những “sự kiện” đó đều được được đăng tải tỉ mỉ trên những báo ngày, báo tuần, phụ trương, chuyên san của cơ quan tư pháp này hay đơn vị công an nọ. Chính trong những giỏ xe kia ngày nào cũng chở đầy những tờ báo “nóng bỏng”!
Tôi thường đi tập thể dục sớm dọc đường Cầu Giấy. Ngày nào cũng thấy những đoàn người đạp xe đi bán báo và phải nghe tiếng rao báo qua loa nhức cả tai. Nhưng tịnh không thấy ai mua báo vào lúc tờ mờ sương ở dọc tuyến đường này. Chẳng lẽ nghề bán báo dạo là nghề “chết đói” ư?
Một lần, tôi kêu dừng xe một cô bé tên Loan, quê ở Hưng Yên, mua một tờ báo để rồi hỏi han vài chuyện. Mới biết Loan và các bạn cô đang phóng xe đến Mỹ Đình, đến Cầu Diễn… Đó là “thị trường” tiêu thụ cho mỗi cô ngót 200 tờ báo mỗi ngày. Có một số người “đặt” sẵn, sáng sáng Loan và các bạn cô chỉ việc mang đến. Nhưng phần đông là người mua lẻ khi nghe rao báo “hấp dẫn”. Thật ra, nếu nói về đầu báo thì mỗi người như Loan cũng chỉ “phát hành” dăm bảy tờ. Đó là An ninh thế giới, Cảnh sát toàn cầu, Công an nhân dân, An ninh Thủ đô, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Đời sống và Pháp luật (cơ quan của Hội luật gia Việt Nam), Pháp luật Việt Nam (cơ quan của Bộ Tư pháp) và ấn phẩm chủ nhật Pháp luật và Thời đại của báo này…
Các cô chẳng cần đọc, chẳng cần biết trên mỗi trang báo người ta viết gì, chụp hình gì. Các cô cũng không phải bỏ ra một đồng vốn nào. Chỉ cần một chiếc xe đạp cà tàng (thời bây giờ ai muốn sắm xe đạp mà chả được). Trang thiết bị hành nghề tối thiểu là một bình ắc-quy và chiếc loa. Cần nhất là phải có sức khoẻ để guồng xe đi trong gió rét, mưa phùn. Và cũng phải có “hội nghề nghiệp”, chủ yếu là những người cùng làng, cùng huyện…
Cứ như Loan và mấy cô bạn Loan kể thì “hội” bán báo rao hiện nay ở Hà Nội chủ yếu là người Hưng Yên. Lực lượng lao động ngoại tỉnh ở Hà Nội lâu nay cũng đã hình thành nên những “hội” như vậy. Chẳng hạn, chăm sóc bệnh nhân ở một khoa nào đó của bệnh viện nào đó thì thường là người cùng thôn, cùng làng ở Vĩnh Phúc, ở Thái Nguyên... Thợ hồ là người một làng này, thợ mộc là người một làng nọ. Thậm chí, nghe nói đội quân cái bang ở Hà Nội chủ yếu cũng là người của một huyện thuộc một tỉnh ở phía Nam thủ đô.
Với những người bán báo dạo thì cứ sáng tinh mơ họ đến nhận báo mới và một băng ghi âm rao báo cực “hot” tại một “doanh nghiệp phát hành” ở gần Hồ Gươm. Rồi tất cả nhanh chóng tỏa đi mọi nẻo. Tiền báo thì sau một vài hôm, một tuần mới thanh toán cho chủ “doanh nghiệp.”
Loan và bạn của cô tên là Đào, cùng quê Hưng Yên và cũng chỉ học đến lớp 9, cũng như cậu Tuấn, anh Hùng… đều “bật mí” là mỗi ngày sau khi trừ tiền ăn uống, tiền thuê nhà trọ thì cũng kiếm được khoảng một trăm nghìn đồng. “Dịp nào có vụ án lớn thì chúng cháu bán mỏi tay chú ạ!” - Loan thành thật. Người ta xem tivi, nghe đài, đã “cập nhật” lắm loại “tin thông tấn vỉa hè” về một vụ giết, hiếp kinh hoàng nào đó thì rồi cũng muốn có một tờ báo đọc thêm cho tỏ tường… Các “nhân viên” của đội bán báo đều hiểu như vậy nên bao giờ cũng cố gắng không bỏ lỡ bất kỳ một dịp may hiếm có nào gắn liền với những “sự kiện” động trời.
Thực tế thì cứ bán được một số báo là có thể lãi ngay 1.000 đồng. Giá bìa 3.900 đồng (An ninh Thủ đô) mà bán 4.000 đồng như các quầy báo cũng đã có chút lãi, đằng này những người bán dạo thường lấy tròn 5.000 đồng. Tờ Đời sống và Pháp luật giá bìa 4.800 đồng, bán dạo 6.000 đồng, tờ Pháp luật và Thời đại (ra Chủ nhật) và Cảnh sát toàn cầu giá bìa 6.800 đồng, được bán với giá 8.000 đồng… Những chiếc giỏ xe đựng đầy… 200 tờ báo, nếu bán hết thì cũng lãi ngon xấp xỉ 200.000 đồng!
Tôi hỏi Đào và Tuấn, có những tờ báo Xuân (số Tết) giá lên tới hàng chục nghìn đồng, các em có “thầu” và liệu có bán được không thì hai cô cậu đều nói rằng “chỉ dám nhận” một vài tờ “có người đặt sẵn nhờ mua” chứ không bán rao được. Bởi đó là những số báo có nhiều bài vở “quan trọng”, đắt tiền, không thể “đọc vù” theo quảng cáo ầm ĩ nên người ta không mua kiểu vẫy tay “ê” một tiếng. Hơn nữa, Loan, Đào và bạn bè của hai cô cũng chỉ “chạy” cho đến 24, 25 Tháng Chạp là kéo nhau về quê ăn Tết dài dài, thành ra chẳng muốn ôm thêm món báo Xuân làm chi cho nặng. Cỡ cuối tháng Giêng, họ lại lên Hà Nội, lại nhà trọ, cơm niêu, lại rong ruổi xe đạp ngày ngày đi bán báo.
Các cô cũng nói rằng, sang năm, nếu nghề “phát hành báo chí” này khó thì có thể làm nghề khác, từ lau nhà đến trông trẻ, miễn là có thể bỏ sức lao động của mình ở chốn thị thành để mong dành dụm được một món tiền./.
Yên Hòa (Vietnam+)