Thứ Hai vừa qua (7/8), các nhà khoa học cho biết một nghiên cứu hiếm hoi về chủ đề tôn giáo đã chỉ ra rằng những người vô thần dễ bị nghi ngờ làm việc xấu hơn so với người Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Hindu giáo hay Phật giáo.
Điều này cho thấy trong một thế giới ngày càng mang tính thế tục, nhiều người vẫn giữ quan niệm rằng con người sẽ làm điều xấu trừ phi họ sợ bị thần linh trừng phạt.
Kết quả của nghiên cứu “cho thấy trên toàn thế giới, niềm tin tôn giáo được trực giác nhìn nhận như một yếu tố bảo vệ cần thiết, trước những cám dỗ của những hành vi hết sức thiếu đạo đức,” nhóm nghiên cứu quốc tế viết trên chuyên san Nature Human Behaviour.
Nghiên cứu cũng tiết lộ rằng “những người vô thần bị nhiều người nhìn nhận là có khả năng đồi bại về mặt đạo đức và dễ trở nên nguy hiểm hơn.”
Nghiên cứu đánh giá thái độ của hơn 3.000 người thuộc 13 quốc gia trên 5 châu lục.
Các nước này bao gồm những quốc gia “rất thế tục” như Trung Quốc hay Hà Lan, tới những quốc gia với nhiều người đi theo các tôn giáo, chẳng hạn như Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Mỹ hay Ấn Độ.
Các quốc gia này có dân số hoặc đa phần theo đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Hindu, đạo Hồi hoặc không theo tôn giáo nào.
Những người tham gia được nghe mô tả về một kẻ xấu tưởng tượng, rằng người này từng hành hạ động vật khi còn nhỏ, sau đó lớn lên trở thành một giáo viên, giết hại và làm biến dạng thân thể của 5 người vô gia cư.
Một nửa số người được hỏi về khả năng kẻ phạm tội này theo một tôn giáo nào đó và nửa còn lại được hỏi về khả năng kẻ phạm tội này là người vô thần.
Nhóm nghiên cứu đã tìm ra rằng khả năng để những người được hỏi giả định rằng kẻ giết người hàng loạt này là người vô thần cao gấp đôi so với lựa chọn còn lại.
“Điều đáng chú ý là ngay cả những người vô thần cũng có trực giác thiên vị theo hướng chống chủ nghĩa vô thần,” đồng tác giả nghiên cứu Will Gervais, một giáo sư tâm lý học thuộc Đại học Kentucky cho AFP biết.
“Tôi cho rằng điều này bắt nguồn từ sự phổ biến của những thông lệ đi theo tôn giáo đã ăn sâu bám rễ. Ngay cả ở những nơi mà hiện nay có vẻ tương đối thế tục, người ta dường như vẫn tuân theo trực giác níu giữ niềm tin rằng tôn giáo là một sự bảo vệ về đạo đức.”
Chỉ ở 2 quốc gia thế tục là Phần Lan và New Zealand, thí nghiệm mới không đưa ra được bằng chứng kết luận về định kiến ủng hộ tôn giáo, nhóm nghiên cứu cho biết.
Sự thiếu lòng tin vào người vô thần là “rất mạnh ở các nước có nhiều người theo các tôn giáo như ở Mỹ, UAE và Ấn Độ,” Gervais cho biết và tình cảm này xuất hiện ở mức thấp hơn ở các quốc gia thế tục hơn./.