Những “nguyên tắc vàng” giúp hợp tác Mỹ-Trung đạt hiệu quả

Mặc dù đã bị suy giảm nhiều, song hợp tác và phối hợp vẫn có thể đóng một vai trò nào đó trong quan hệ Mỹ-Trung, nhưng chỉ khi các nhà hoạch định chính sách theo đuổi điều này với một tư duy đúng đắn.
Những “nguyên tắc vàng” giúp hợp tác Mỹ-Trung đạt hiệu quả ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Modern War Institute)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, một trong những câu hỏi hóc búa nhất trong thời kỳ “băng giá” hiện nay của mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh là liệu có nên theo đuổi hợp tác trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị “khắc nghiệt” hay không và bằng cách nào.

Mặc dù rất quan trọng, song thực tiễn hợp tác hiếm khi được phân tích chặt chẽ để từ đó đưa ra được chiến lược hiệu quả.

Nếu suy xét kỹ lưỡng sẽ nhận thấy những lý do khiến Mỹ theo đuổi việc hợp tác với Trung Quốc sẽ không mang lại kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, việc áp dụng một vài các nguyên tắc có thể giúp điều hòa tốt hơn các yếu tố cạnh tranh và hợp tác trong mối quan hệ Mỹ-Trung, đồng thời làm cho các nỗ lực trong tương lai nhằm phối hợp với Bắc Kinh trở nên hiệu quả và bền vững hơn, ngay cả khi chương trình nghị sự tổng thể hẹp hơn nhiều cả về quy mô lẫn tham vọng.

Về mặt lý thuyết, hợp tác trong quan hệ Mỹ-Trung nhằm phục vụ hai mục đích. Thứ nhất, cùng nhau hợp tác trong các lĩnh vực mà hai cường quốc có lợi ích chung về mặt danh nghĩa.

Những lĩnh vực này bao gồm y tế toàn cầu, không phổ biến hạt nhân, chống khủng bố, chống biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế quốc tế. Thứ hai, mang lại sự ổn định cho quan hệ Mỹ-Trung, và điều này thậm chí có thể làm giảm các căng thẳng trong những lĩnh vực mà hai cường quốc bất đồng.

Tư duy ở đây là làm việc cùng nhau vì mục tiêu chung sẽ giúp tạo ra một bối cảnh mang tính xây dựng hơn để giải quyết các tranh chấp.

Tuy nhiên, hiện cả hai lý do để Mỹ và Trung Quốc cùng hợp tác đều gặp phải những trở ngại lớn. Gần như mọi lĩnh vực hợp tác trên danh nghĩa đều cần phải vượt qua những trở ngại lớn trước khi hai bên có thể làm việc cùng nhau một cách có ý nghĩa. Nói cách khác, hai bên đang gặp khó khăn trong việc hợp tác ngay cả trong các vấn đề “mang tính hợp tác.”

Nhiều vấn đề liên quan tới đại dịch COVID-19 đã làm rối tung sự phối hợp y tế toàn cầu. Việc cùng nhau giải quyết các vấn đề hạt nhân cũng trở nên phức tạp hơn do Trung Quốc ủng hộ Triều Tiên và kho vũ khí ngày càng mở rộng của nước này.

[Nhà Trắng cân nhắc tổ chức cuộc trao đổi giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ-Trung]

Việc chính phủ Trung Quốc vẫn ủng hộ điện than là một trở ngại trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Và việc Bắc Kinh không chấp nhận các tiêu chuẩn đã được thiết lập về hoạt động cho vay cũng như tác động xã hội và môi trường của các dự án cơ sở hạ tầng thuộc Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) đã gây ra nhiều vấn đề cho sự phát triển kinh tế quốc tế.

Hơn nữa, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đang đặt ra câu hỏi: việc hợp tác với Trung Quốc có mang lại thêm giá trị nào không so với việc sử dụng cùng công sức ấy để xây dựng mối quan hệ hợp tác với các đồng minh và đối tác của Mỹ, hay chỉ đơn giản là cải thiện khả năng hành động của Mỹ? Họ đang hỏi, cụ thể lợi ích ở đây là gì, ngoài quan điểm mờ nhạt cho rằng hợp tác là tốt đẹp?

Kết quả là, những tác động đều đều trước đây mà các lĩnh vực hợp tác mang lại, vốn luôn ở mức khiêm tốn, nay hầu như không còn nữa. Thói quen hợp tác đang dần biến thành thói quen cạnh tranh.

Điều này càng được thúc đẩy bởi quan điểm của các nhà hoạch định chính sách Mỹ rằng Trung Quốc đã tìm cách nâng cao ảnh hưởng của mình trong các cuộc tranh chấp bằng cách đe dọa sẽ rút lại sự ủng hộ đối với các hoạt động hợp tác.

Dưới đây là một số nguyên tắc sẽ giúp định hình tư duy của Mỹ về việc liệu có nên hợp tác với Trung Quốc trong tương lai hay không và làm điều đó như thế nào.

Thứ nhất, cả hai bên nên hạ thấp kỳ vọng trong bối cảnh quan hệ song phương đang ở thời điểm tồi tệ nhất trong gần nửa thế kỷ qua. Cả hai bên cần thừa nhận rằng không gian cho việc hợp tác thực sự là tương đối hẹp, cho tới khi có những cải thiện đáng kể trong bầu không khí giữa hai nước.

Nghịch lý là, kỳ vọng ít hơn có thể cho phép cả hai bên tiếp cận các vấn đề với một cách thực tế hơn và do đó đem lại kết quả tốt hơn, so với khi một trong hai bên cố gắng quay trở lại kỷ nguyên “cam kết” trước đó.

Từ ngữ trong các tuyên bố chính thức của Mỹ - vốn thể hiện sự lưỡng lự trong việc sử dụng thuật ngữ “hợp tác” - cho thấy rằng sự thay đổi này đang diễn ra. Những tuyên bố này bao gồm: việc đề cập đến "các can dự thực tiễn, hướng tới thành quả" tuyên bố của Ngoại trưởng Antony Blinken rằng mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ là "hợp tác khi có thể" và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price nói đến "các lĩnh vực liên kết chiến thuật khá hẹp."

Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách không nên cho rằng bất kỳ vấn đề nào cũng đều nằm trong phạm trù cạnh tranh hoặc hợp tác; hầu hết mọi vấn đề sẽ có cả hai yếu tố này.

Thứ hai, các nỗ lực hợp tác trong tương lai nên tập trung vào các hành động cụ thể hơn là mang tính biểu tượng. Chủ nghĩa tượng trưng có thể là một công cụ hữu ích trong ngoại giao, nhưng trong vài năm tới, mục tiêu sẽ là tạo ra những lợi ích hữu hình. Tạo ra những nhận thức tích cực hoặc ám chỉ những gì có thể đạt được trong tương lai sẽ là không đủ.

Thứ ba, cần theo đuổi các hành động chung thông qua các tiến trình đa phương bất kể khi nào có thể. Làm việc thông qua các kênh như vậy sẽ có lợi ích chiến lược là chứng minh cho các bên thứ ba thấy rằng Mỹ không phải là quốc gia tìm kiếm sự đối đầu toàn diện. Đồng thời, làm như vậy sẽ giúp xua tan lo ngại về một viễn cảnh mà trong đó hai siêu cường chia cắt thế giới giữa họ, những lo ngại này luôn âm ỉ chứ chưa bao giờ biến mất.

Việc ưu tiên các sáng kiến đa phương cũng sẽ buộc Trung Quốc đối mặt với khả năng phải trả giá về mặt ngoại giao với nhiều quốc gia chứ không chỉ riêng Mỹ, nếu nước này tính tới việc rút lui khỏi một thỏa thuận. Điều này cũng sẽ khiến Washington và Bắc Kinh không phải trả giá đắt về mặt chính trị ở trong nước nếu tìm cách hợp tác cùng nhau ngay từ đầu.

Cuối cùng, các sáng kiến an ninh nhằm giảm thiểu rủi ro và cải thiện khả năng xử lý khủng hoảng được coi là một ngoại lệ khi chúng vẫn đáng để theo đuổi theo cách song phương. Tuy nhiên, chương trình nghị sự này cũng phải đối mặt với những thách thức trong quá trình triển khai sâu rộng trên thực tế, đáng chú ý nhất là sự thiếu quan tâm rõ ràng ở Bắc Kinh.

Mặc dù đã bị suy giảm nhiều, song hợp tác và phối hợp vẫn có thể đóng một vai trò nào đó trong quan hệ Mỹ-Trung, nhưng chỉ khi các nhà hoạch định chính sách theo đuổi điều này với một tư duy đúng đắn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục