Những ông chồng hiện đại ngày càng đảm việc nhà

Không riêng các bà vợ vui khi có được người chồng “đảm” mà ngay cả những bậc cha mẹ cũng tự hào về sự chu đáo của con trai mình.

Hiện nay, ở Việt Nam, nam giới đang có xu hướng “đảm” hơn trong công việc gia đình. Xu hướng này của họ được rất nhiều phụ nữ vui vẻ đón nhận đã làm cho không khí của các gia đình ấm áp và hạnh phúc hơn.


Làm việc nhà xấu hổ hay tự hào?

Anh Nhân ở Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội làm trưởng phòng kinh doanh trong một công ty cổ phần sửa chữa ô tô. Dù bận rộn với công việc nhưng anh vẫn sắp xếp thời gian dành cho gia đình. Vợ chồng anh có hai con, bé Thu lên sáu và bé Bốn chưa tròn hai tuổi.

Bạn bè đến nhà chơi lúc thì thấy anh dạy con lớn học bài, khi lại thấy anh thay vợ hầm cháo cho cậu con nhỏ. Ai khen, anh chỉ cười còn ai chê “đàn bà” anh cũng im lặng.

Anh Nhân kể rằng, trước kia, như nhiều người đàn ông khác, anh mặc nhiên coi việc nhà là của phụ nữ. Đến khi sinh con đầu lòng, vợ anh trở nên bận rộn hơn. Từ thức đêm cho con ăn đến việc lớn nhỏ trong nhà cũng một tay chị lo liệu. Thông thường phụ nữ sau khi sinh thường mập, còn vợ anh cứ ngày một hao gầy. Tình thương yêu vợ đã khiến anh thay đổi cách nghĩ của mình.

“Vợ cũng làm công việc xã hội chứ riêng gì mình, phụ nữ sức khỏe còn không được bằng nam giới, sao lại bắt họ làm hết mọi việc trong lúc ta chỉ ngồi chơi,” anh Nhân tâm sự.

Cùng suy nghĩ với anh Nhân, anh Tuyến ở Hạ Đình, Hà Nội cũng tỏ ra hãnh diện và hạnh phúc khi được giúp vợ việc nhà.

Trở về nhà sau mỗi ngày làm việc, chị tất bật lo mâm cơm, chén nước, còn anh thong thả tắm rửa cho con cái rồi vui chơi cùng chúng. Những khi vợ mệt, anh chẳng ngại ngần giặt đồ cho cả gia đình. Nhiều hôm hàng xóm thấy anh vừa làm vừa huýt sáo.

“Nhiều người nói, đàn ông làm việc nhà sẽ mất sĩ diện trước bạn bè, tôi thì không nghĩ như vậy. Lên xe buýt sẵn sàng nhường chỗ cho người khác ngồi mà về nhà không nhường được phút thảnh thơi cho vợ thì mới là không có sĩ diện,” anh Tuyến chia sẻ quan điểm của mình.

Tuy nhiên, cũng nhiều ông chồng nói rằng, họ sẵn sàng chia sẻ việc nhà với vợ nhưng không nhất thiết cứ phải là giặt giũ, nấu nướng vì họ không khéo trong những công việc nội trợ. Đổi lại, họ có thể kèm con học hoặc đưa đón chúng đến trường để vợ không phải chịu hàng giờ hít khói xe trước cảnh tắc đường hàng ngày.

Tiếng cười trong những gia đình biết chia sẻ


Hầu hết các bà vợ đều tỏ ra hạnh phúc đón nhận sự chia sẻ của chồng. Chị Giang ở Kim Ngưu, Hà Nội là một ví dụ.

Là giáo viên của một trường trung cấp, ngoài giờ dạy, chị còn tranh thủ biên soạn thêm sách chuyên ngành nên lúc nào cũng bận rộn. Con chị, đứa lớn lên chín còn đứa nhỏ mới được năm tuổi. Ngày hai đứa còn nhỏ có bà nội ở quê lên đỡ đần, đến khi chúng đi lớp được thì bà phải về để chăm ông thành ra việc lớn nhỏ trong nhà một mình chị đảm đương.

Thấy con hay ốm vặt, vợ vất vả sớm ngày, anh Thành, chồng chị đã thôi đá bóng mỗi chiều để về nhà giúp vợ.

Là người phụ nữ hay lam hay làm, hết mình với chồng con nên chưa bao giờ chị Giang cằn nhằn việc anh đá bóng. Tuy vậy, những buổi chiều anh về sớm giúp chị chăm con khiến niềm hạnh phúc của chị như được chắp cánh bay lên.

“Được chồng giúp mấy việc lặt vặt, tôi có chút thời gian để thở cũng đỡ mệt nhưng quan trọng hơn là tôi cảm thấy anh ấy tôn trọng và thương mình thật sự. Cảm động lắm!” chị Giang hãnh diện về chồng.

Không chỉ các bà vợ vui khi có được ông chồng “đảm” mà ngay cả những bậc cha mẹ cũng tự hào về con trai mình.

Bà Vân ở Xuân Thủy, Hà Nội “khoe” con trai bà là người có trách nhiệm với gia đình và thương vợ: “Tôi già yếu không còn giúp được cho con cháu, vợ chồng nó tự bảo nhau làm lấy. Lúc chồng mệt thì con vợ làm, vợ mệt chồng thay cho. Ông nhà tôi ngày xưa mà được vậy thì tốt biết mấy.”

Nhìn từ góc độ nghiên cứu, các chuyên gia tâm lý cho rằng, hiện nay ở Việt Nam, số đàn ông sẵn sàng chia sẻ việc nhà với vợ đã tăng lên. Một trong những nguyên nhân của xu hướng này xuất phát từ vấn đề bình đẳng giới. Phụ nữ ngày nay dành nhiều thời gian cho công việc ngoài xã hội hơn nên những ông chồng có sự điều tiết để bổ sung vào chỗ thiếu ở nhà cho vợ.

Hơn nữa, cuộc sống hiện đại cũng tác động thay đổi ít nhiều trong nhận thức của nam giới. Họ nhìn thấy niềm vui trong sự chăm lo cho bạn đời và con cái nên công việc chia sẻ của họ thường mang tính tự nguyện.

Nghiên cứu viên tâm lý Minh Đức, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng đồng tình: “Một người đàn ông vào bếp nấu ăn ngoài mục đích giúp việc cho vợ còn là một cách để họ giải tỏa căng thẳng sau những lo toan công việc ngoài xã hội. Đây cũng là một nguyên nhân khiến nhiều ông chồng sẵn sàng ‘xả thân’ cho vợ.”/.

Thúy Mơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục