Những quy định mới về việc đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2018

Luật Bảo hiểm xã hội đã có những điều chỉnh về đối tượng mở rộng thêm, mức đóng tăng lên, hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện... và các chính sách này sẽ có hiệu lực từ 1/1/2018.
Những quy định mới về việc đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2018 ảnh 1Giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Luật Bảo hiểm xã hội đã có những điều chỉnh về đối tượng, mức đóng, tỷ lệ hưởng… và nhiều chính sách sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2018.

[Bảo hiểm xã hội từ năm 2018: Đóng nhiều hơn để hưởng nhiều hơn]

Thêm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

Luật Bảo hiểm xã hội bổ sung têm hai nhóm đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc từ ngày 1/1/2018.

Nhóm thứ nhất là người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thay vì từ 3 tháng trở lên như trước đây.

Nhóm thứ hai là người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

Thay đổi về đóng bảo hiểm xã hội

Đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, từ ngày 01/01/2018, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm (hệ số) và các khoản phụ cấp chức vụ (hệ số), phụ cấp thâm niên vượt khung (%), phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) (%) trên cơ sở mức mức lương cơ sở do Nhà nước quy định từng thời kỳ.

Đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, từ ngày 1/1/2018, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Trong đó, mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo thang lương, bảng lương do doanh nghiệp tự xây dựng.

Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh của thang lương, bảng lương như: phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

Các khoản bổ sung khác là khoản tiền ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.

Đặc biệt, các khoản bổ sung khác không bao gồm: Tiền thưởng; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ.

Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Từ ngày 01/01/2018, ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Nhà nước sẽ hỗ trợ 30% tiền đóng bảo hiểm đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác.

Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc đối tượng được hỗ trợ chỉ phải nộp số tiền đóng bảo hiểm xã hội phần thuộc trách nhiệm đóng của mình cho cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc đại lý thu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục