Những rắc rối trong dạy và học trực tuyến tại Hàn Quốc

Vấn đề nổi cộm nhất là giáo viên thiếu thực hành hoặc thiếu hiểu biết về kỹ thuật khiến hình ảnh và âm thanh bài giảng không khớp với nhau.
Những rắc rối trong dạy và học trực tuyến tại Hàn Quốc ảnh 1Giáo viên giảng dạy trực tuyến cho học sinh tại Hàn Quốc. (Nguồn: Getty Images)

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, nhiều giáo viên và học sinh ở Hàn Quốc đã gặp phải không ít vấn đề kỹ thuật và bảo mật khi tiến hành dạy và học trực tuyến để phòng tránh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 theo quyết định của chính phủ nước này.

Vấn đề nổi cộm nhất là giáo viên thiếu thực hành hoặc thiếu hiểu biết về kỹ thuật khiến hình ảnh và âm thanh bài giảng không khớp với nhau.

Lý do có thể là vì webcam hoặc micro không được kết nối đúng cách với máy tính cá nhân hoặc hình ảnh hay âm thanh bài giảng không được chuyển đến thiết bị của các học sinh do lỗi phần mềm không mong muốn.

Thêm vào đó, việc Bộ Giáo dục Hàn Quốc thường xuyên thay đổi hướng dẫn cũng gây không ít khó khăn cho giáo viên và học sinh.

Ban đầu, bộ cho các trường và giáo viên tự quyết định ứng dụng giảng dạy từ xa, song một ngày trước khi khai giảng, bộ lại có công văn yêu cầu giáo viên không được sử dụng ứng dụng Zoom do có lỗ hổng bảo mật.

[Tổng thống Hàn Quốc chưa muốn thay đổi thời điểm khai giảng năm học]

Vì vậy, một số giáo viên đã phải gấp rút thay thế ứng dụng này bằng Naver Band hoặc Microsoft Teams. Tuy nhiên, nhiều giáo viên cho biết họ vẫn muốn sử dụng Zoom vì chất lượng hình ảnh tốt và giao diện thân thiện với người dùng.

Ngoài ra cũng đã xảy ra trường hợp khi một bên thứ ba ở nước ngoài thâm nhập lớp học "trái phép" gây ảnh hưởng đến bài giảng.

Tại một trường trung học ở Jeonbuk, sau khi một bên thứ ba xâm nhập vào một lớp học trực tuyến, lớp học đã phải dừng lại.

Điều này là do lớp học này sử dụng YouTube Live, ứng dụng có khả năng chặn người dùng bên ngoài khá yếu dẫn đến việc dễ dàng xảy ra tình trạng này.

Bên cạnh đó, cũng có sự khác biệt trong việc sử dụng máy tính cá nhân, máy tính xách tay hay điện thoại thông minh khi truy cập các lớp học trực tuyến và các trang web học tập.

Nếu học sinh sử dụng máy tính cá nhân hoặc máy tính xách tay, trang chủ thường phải tải xuống lâu hơn và hình ảnh thường xuyên bị gián đoạn, song nếu các em dùng điện thoại thông minh thì không gặp tình trạng này.

Mặt khác, theo một số chuyên gia, cũng cần phải cải thiện chất lượng hình ảnh bài giảng được các giáo viên ghi lại.

Bộ Giáo dục Hàn Quốc kêu gọi các giáo viên quay video với độ phân giải ở mức SD (720x480) để dễ dàng truy cập trên mạng Internet. Tuy nhiên, hình ảnh với độ phân giải quá thấp khiến việc đọc chữ viết trên bảng đen trở nên khá khó khăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục