Những sai lầm trong chính sách đối ngoại của chính quyền Trump

Trong số rất nhiều sai lầm trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, việc quản lý kém mối quan hệ Trung-Mỹ sẽ được nhớ đến như hậu quả nghiêm trọng nhất.
Những sai lầm trong chính sách đối ngoại của chính quyền Trump ảnh 1Nhà Trắng ở thủ đô Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng project-syndicate.org đưa tin, trong số rất nhiều sai lầm trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, việc quản lý kém mối quan hệ Trung-Mỹ sẽ được nhớ đến như hậu quả nghiêm trọng nhất.

Trong bối cảnh các hoạt động thương mại và tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc cần phải được giải quyết ở cấp quốc tế, Mỹ lại đang làm hỏng việc.

Trump đã vắng mặt 2 hội nghị thượng đỉnh tại châu Á trong tháng 11 này. Do thái độ nặng nề và hờn dỗi ông mang tới Paris nhân kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến 1, có lẽ tốt nhất người tham dự nên là Phó Tổng thống Mike Pence.

Pence là người đã có thể truyền bá chân lý của chủ nghĩa đơn phương mà Mỹ theo đuổi tại hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Singapore, và một lần nữa tại hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Papua New Guinea.

Tuy nhiên, bất kể ai là người truyền tải thông điệp, rõ ràng Mỹ đang thua cuộc. Chính sách ngoại giao “Nước Mỹ trước tiên” của chính quyền Trump không những mang lại rất ít thành quả mà còn khiến Mỹ bị cô lập và ngày càng mất uy tín trên trường quốc tế.

Các sáng kiến quốc tế của các chính quyền tiền nhiệm đã bị thay thế bằng những khẩu hiệu rỗng tuếch, những hành động giả dối, và dĩ nhiên là cả “những sự kiện thay thế.” 

Trong bối cảnh Trump dự kiến gặp mặt Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra từ ngày 30/11-1/12 ở Argentina, Mỹ có cơ hội cuối cùng để thay đổi mọi thứ.

Khi các thế hệ tương lai tìm hiểu về "đống đổ nát" mà chính quyền Trump bỏ lại, họ có thể sẽ đặc biệt chú ý đến sự tan vỡ trong chính sách từ lâu đời của Mỹ đối với Trung Quốc.

Suốt nhiều thập kỷ, các đời tổng thống liên tiếp của Mỹ đều hiểu rằng việc dàn xếp cẩn thận mối quan hệ song phương với Trung Quốc là rất quan trọng đối với lợi ích của Mỹ.

Vậy mà, nếu xét đến "những trò lố" diễn ra trong Nhà Trắng, mọi người có thể dễ dàng đổ hết tội lỗi lên đầu Trump vì đã khiến quan hệ Trung-Mỹ tụt dốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phải chịu trách nhiệm cho tình trạng hiện tại. Mặc dù các nhà kinh tế học đã đúng khi chỉ ra rằng thâm hụt thương mại song phương không nên bị xem xét một cách riêng biệt, song thực tế cho thấy thặng dư của Trung Quốc với Mỹ - đã đạt kỷ lục trong tháng 9 vừa qua - là điều không thể chấp nhận được về mặt chính trị.

Đối với nhiều công nhân Mỹ, Trung Quốc đã trở thành biểu tượng của sự mất việc và mất đảm bảo an ninh kinh tế.

Mặc dù tự động hóa mới là nguyên nhân cho việc sụt giảm sử dụng lao động trong ngành chế tạo ở Mỹ hơn là do thương mại, song Trung Quốc vẫn nổi tiếng là một kẻ chuyên lợi dụng người khác.

Và sau nhiều năm ép buộc các công ty Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ quan trọng cho các công ty Trung Quốc, danh tiếng này rất khó để xóa mờ.

Những sai lầm trong chính sách đối ngoại của chính quyền Trump ảnh 2Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) duyệt đội danh dự trong lễ đón tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 9/11/2017. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hơn nữa, việc Trung Quốc củng cố quân sự đã trở thành mối lo lắng của cả hai đảng phái trong giới an ninh quốc gia Mỹ, dù cho chi tiêu quốc phòng của nước này mới chỉ chiếm một phần nhỏ so với chi tiêu của Mỹ.

Kể từ khi yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông bị Tòa Trọng tài ở La Haye bác bỏ năm 2016, Trung Quốc vẫn tiếp tục đe dọa quyền tiếp cận hàng hải ở vùng biển này của các nước nhỏ hơn trong khu vực.

Kết quả là, Hải quân Mỹ đã phải phát động các nhiệm vụ mới để chứng minh quyền tự do hàng hải ở vùng biển mà Trung Quốc tự ý phân ranh giới bằng “đường 9 đoạn.”

Các chính sách đối nội của Trung Quốc cũng gặp một số khó khăn như vấn đề người Ngô Duy Nhĩ. Chính phủ Trung Quốc có quyền quyết định cách giải quyết những thách thức chính trị của đất nước. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc nhận thấy mọi hành động của họ đều bị nghi ngờ, họ không nên đổ lỗi rằng đây là một âm mưu quốc tế.

Những hành động của chính Trung Quốc khiến đối thủ của họ trở nên táo bạo và bạn bè của họ trở nên ngán ngẩm.

Tuy nhiên, chẳng hành động nào của Trung Quốc có thể bào chữa cho sự thay đổi chóng mặt của Trump đối với quan hệ Trung-Mỹ.

[Mỹ để ngỏ khả năng kéo dài thỏa thuận "đình chiến" với Trung Quốc]

Chính sách Trung Quốc của chính quyền Mỹ là một sự liều lĩnh đầy vô nghĩa.

Trung Quốc có dân số hơn 1,3 tỷ người và là nhà đóng góp lớn cho nền kinh tế toàn cầu. Bất kể chính quyền Mỹ nói hay làm điều gì, quyền lực của Trung Quốc cũng sẽ không biến mất.

Đầu tháng 12, Trump thông báo rằng Trung Quốc “muốn thực hiện một thỏa thuận” để khép lại cuộc tranh chấp thương mại đang diễn ra. Đó là điều không có gì phải nghi ngờ.

Tuy nhiên, Trump luôn khoe khoang điều đó trước khi tổ chức hội đàm với các lãnh đạo nước ngoài. Đó không phải là điềm báo trước cho một giải pháp thành công mà chỉ báo hiệu rằng Trump sẽ mang sự bất lực và bất cẩn vốn có của mình tới cuộc đàm phán với Tập Cận Bình.

Đúng vậy, Trung Quốc cần phải thay đổi hoàn toàn con đường họ đang đi, đặc biệt là đối với các chính sách thương mại và tiếp cận thị trường.

Tuy nhiên, với việc chính quyền Trump đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn (KORUS), Trung Quốc có thể cần phải làm nổi bật những vấn đề bên ngoài nhằm hạ nhiệt tình hình, với cái giá là những hành động trọng yếu mà những nhu cầu trong quan hệ Mỹ-Trung mang lại.

Chẳng hạn, chính quyền Trump đã không tạo ra được một vụ kiện hiệu quả để chống lại Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), họ cũng không thể tận dụng sự ủng hộ của các đồng minh phương Tây - những nước có chung mối lo ngại về các hành vi của Trung Quốc.

Hơn nữa, chính quyền Mỹ cũng chứng minh rằng họ hoàn toàn không có khả năng xây dựng một chính sách mạch lạc.

Trong khi việc hoạch định chính sách tốt nằm ở việc đặt ra các ưu tiên, thì việc hoạch định chính sách của Trump lại là muốn tất cả mọi thứ và ngay bây giờ, nhưng cuối cùng lại chỉ đạt được rất ít.

Nếu việc cải thiện quan hệ thương mại song phương là điều quá khó khăn tại thời điểm này, có lẽ Trump nên theo đuổi việc hợp tác với Trung Quốc trong một số lĩnh vực khác. Và có lẽ, vấn đề Triều Tiên chính là một gợi ý./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục