Những suất cơm ấm tình người nơi tâm dịch COVID-19 ở Bắc Ninh

Gần 20 ngày nay, phụ nữ phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, thay nhau nấu những suất cơm tình nguyện gửi cho các y, bác sỹ, lực lượng đứng chốt tại các chốt kiểm dịch.
Những suất cơm ấm tình người nơi tâm dịch COVID-19 ở Bắc Ninh ảnh 1Phụ nữ phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh trao các suất cơm tình nguyện cho các tình nguyện viên chốt tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại địa bàn phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Bắc Ninh là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Để chung tay đẩy lùi dịch bệnh, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động thiện nguyện, gửi gắm tình cảm, sự sẻ chia, qua đó tiếp sức cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Mang hơi ấm gia đình đến mọi người

Gần 20 ngày nay, phụ nữ phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh thay nhau nấu những suất cơm tình nguyện gửi cho các y, bác sỹ, lực lượng đứng chốt tại các chốt kiểm dịch.

Giữa cái nắng oi ả của trưa Hè, các chị vẫn miệt mài người nhặt rau, người nấu cơm, chia các suất cơm gửi đến những cán bộ tại các chốt, lực lượng tuyến đầu chống dịch trên địa bàn. Đây không chỉ là suất cơm giúp mọi người vượt qua cơn đói mà còn là suất cơm tình nghĩa, mang hơi ấm gia đình đến cho mọi người.

Chị Vũ Thị Tiến, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Vũ Ninh, cho biết từ khi trong phường có người mắc COVID-19, ngay khi Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Bắc Ninh phát động, các hội viên ở phường hăng hái tham gia góp công, góp của ủng hộ phong trào.

Lực lượng nòng cốt tham gia nấu cơm hàng ngày là các cán bộ nữ đang công tác tại phường. Mặc dù mỗi người có công việc riêng nhưng mọi người đều sắp xếp hợp lý, hài hòa công việc cơ quan, gia đình và tình nguyện.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hòa, hội viên Hội Phụ nữ phường Vũ Ninh, chia sẻ để có những bữa ăn ngon miệng, đủ chất dinh dưỡng cho khoảng 70 người, hằng ngày, các chị trong tổ hậu cần sẽ bàn bạc, thống nhất thực đơn và chế biến. Ngay từ sáng sớm, các chị đã đi chợ, mua đồ về cơ quan vừa tranh thủ làm việc và thay nhau nấu ăn. Mỗi ngày, các chị đều cố gắng làm việc bằng hai, bằng ba trước đây để góp sức chống dịch.

Với thành phố Bắc Ninh, đây là thời điểm khó khăn, có tính chất quyết định trong công tác phòng, chống dịch, bởi vậy những người trong chốt kiểm soát dịch bệnh, lực lượng y, bác sĩ luôn phải căng mình làm việc.

Họ làm việc không kể giờ giấc, ngày đêm, thường xuyên phải xa gia đình nên các chị trong phường cố gắng chế biến những món ăn ngon, đảm bảo dinh dưỡng, giúp mọi người yên tâm làm nhiệm vụ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các chị lại trở về nhà tiếp tục chăm lo cho gia đình nhỏ bé của mình.

Gần 11 giờ, giữa trời nắng gần 40 độ C, miệt mài đứng gác tại chốt kiểm soát dịch, bác Nguyễn Văn Thức, Tổ bảo vệ dân phố phường Vũ Ninh, cho biết mặc dù chuẩn bị bước sang tuổi 70, bác vẫn xung phong làm nhiệm vụ chốt tại điểm phong tỏa. Đối với bác, mỗi người một việc, còn sức khỏe, bác còn tiếp tục cống hiến. Đặc biệt, sau những mệt nhọc đó, mỗi ngày, bác đều nhận được những suất cơm của phụ nữ phường Vũ Ninh, mang đậm nghĩa tình, giúp mọi người xua tan mệt mỏi.

Huyện Gia Bình là địa bàn có Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Những y, bác sĩ ở đây luôn làm việc hết mình, với cường độ cao, vất vả khi cả ngày làm việc căng thẳng, đối mặt với những nguy cơ lây bệnh.

Sẻ chia với những khó khăn, vất vả đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã phát động phong trào phụ nữ chung tay phòng, chống dịch, đặc biệt là nấu những bữa ăn ngon, gửi gắm tình cảm đến với những lực lượng tuyến đầu.

[Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh xung kích trên tuyến đầu chống dịch]

Chị Nguyễn Thị Vân, bếp trưởng bếp cơm mùa dịch tại thị trấn Gia Bình, cho biết bếp cơm được thành lập ngày 11/5/2021 với 10 thành viên là hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn, trên cơ sở sử dụng tiền đóng góp của các chị em trong nhóm.

Nhận thấy đây là hoạt động ý nghĩa, cần sự lan tỏa trong cộng đồng, bếp cơm mùa dịch nhận được nhiều sự ủng hộ của những nhà hảo tâm, nhất là sự chỉ đạo, hỗ trợ của các hội viên phụ nữ trong huyện.

Đến nay, mỗi ngày bếp phục vụ trên 200 suất ăn sáng và một số bữa ăn phụ, thực đơn được thay đổi thường xuyên gồm xôi, các loại bún, phở… giúp lực lượng tuyến đầu lấy sức chống dịch.

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Gia Bình Nguyễn Thị Hoa, bếp cơm mùa dịch là mô hình tiêu biểu của phụ nữ huyện trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Những suất cơm ấm tình người nơi tâm dịch COVID-19 ở Bắc Ninh ảnh 2Những suất sơm của phụ nữ phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Bên cạnh đó, các chị còn tham gia hỗ trợ hàng trăm gia đình có hoàn cảnh khó khăn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Để việc duy trì bếp ăn hiệu quả, Hội Phụ nữ huyện thường xuyên đến kiểm tra, giám sát chặt chẽ quy trình bảo đảm an toàn thực phẩm.

Trung tá Nguyễn Huy Diện, Chính trị viên phó kiêm Chủ nhiệm chính trị, phụ trách Khu cách ly tập trung huyện Gia Bình cho biết, ngay sau khi có quyết định thành lập, khu cách ly đã đón 290 công dân là các trường hợp F1.

Thời gian qua, khu cách ly luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ của các nhà hảo tâm, thường xuyên tặng quà, nhu yếu phẩm và những suất ăn hàng ngày của bếp cơm mùa dịch. Qua đó, những cán bộ, nhân viên tại Khu cách ly cảm nhận sự quan tâm của các cấp lãnh đạo các cấp, đặc biệt Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, góp phần tạo động lực cho các lực lượng ở đây hoàn thành nhiệm vụ.

Hỗ trợ người dân trong vùng phong tỏa

Huyện Quế Võ là địa phương chịu ảnh hưởng khá nặng nề của dịch COVID-19. Đến nay, huyện ghi nhận 93 ca mắc COVID-19 với hàng chục ổ dịch, phong tỏa, cách ly y tế với 25 thôn, xóm (gần 20.000 hộ và trên 72.000 nhân khẩu); trong đó có hàng chục nghìn công nhân lao động. Vì vậy, cùng với các cấp chính quyền, Hội Phụ nữ tại đây đã góp phần không nhỏ cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Chị Lê Thị Phượng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quế Võ cho biết Hội đã chủ động nắm bắt tình hình, chỉ đạo các cơ sở hội phân công cán bộ hỗ trợ công tác rà soát, khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho người dân.

Để đảm bảo lương thực trong các vùng phong tỏa, Hội Phụ nữ các xã đã thành lập 85 tổ phụ nữ hậu cần (trong và ngoài khu vực cách ly) hỗ trợ mua nhu yếu phẩm đồ dùng hàng ngày, kết nối tiêu thụ nông sản... cho các gia đình trong vùng phong tỏa, các trường hợp phải cách ly tại nhà.

Một trong những hoạt động hiệu quả là hỗ trợ nhau tiêu thụ nông sản trong các khu phong tỏa.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mộ Đạo, chị Trần Thị Thơm chia sẻ tại Mộ Đạo có Hợp tác xã Mộ đạo-Seamaul. Do địa bàn bị phong tỏa không thể tiêu thụ được nông sản, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã báo cáo lên huyện.

Từ ngày 21/5 (ngày thôn bị phong tỏa) đến 2/6, qua các kênh tiêu thụ của Hội, mỗi ngày giúp hợp tác xã tiêu thụ 2 tạ dưa chuột, dưa lê, qua đó giúp người dân vơi bớt khó khăn, yên tâm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Chị Nguyễn Thị Phượng, thành viên Hợp tác xã Mộ đạo-Seamaul cho biết Hợp tác xã gồm 12 thành viên. Vụ dưa năm nay, Hợp tác xã trồng 8 sào dưa chuột, dưa lê. Khi đến thời điểm thu hoạch, thôn bị phong tỏa, chị lo lắng không thể tiêu thụ.

Thời gian qua, sự hỗ trợ của các cấp Hội Phụ nữ đã giúp hợp tác xã tiêu thụ nông sản, góp phần để các thành viên yên tâm thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch.

Cùng với hỗ trợ tiêu thụ nông sản, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mộ Đạo thường xuyên phối hợp với các tổ chức đoàn thanh niên làm tốt nhiệm vụ của Tổ hậu cần giúp người dân đi chợ, mua đồ dùng và cứu trợ những người trong vùng phong tỏa.

Những suất cơm ấm tình người nơi tâm dịch COVID-19 ở Bắc Ninh ảnh 3Một đoàn từ thiện đến mua dưa hấu giúp nông dân ở tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Chị Trần Thị Thơm cho biết hơn 10 thành viên gồm phụ nữ, thanh niên, tham gia tổng hợp nhu cầu mua sắm của người dân trong thôn, từ đó có kế hoạch đi chợ, phân phát những nhu yếu phẩm cho nhân dân...

Theo bà Trần Thị Vân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh, cùng với những hội viên đang hằng ngày tham gia tuyến đầu chống dịch, phụ nữ trong tỉnh đã có nhiều hoạt động ý nghĩa như tham gia các bếp nấu ăn phục vụ khu cách ly, bệnh viện dã chiến, chốt kiểm dịch; đi chợ giúp các gia đình trong diện cách ly; thăm, tặng quà các chốt kiểm dịch; hỗ trợ các gia đình hội viên phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tính từ đầu tháng 5/2021 đến nay, phụ nữ toàn tỉnh đã quyên góp ủng hộ tiền và hiện vật trị giá gần 6 tỷ đồng để tổ chức các hoạt động trong đó tiền mặt là gần 3 tỷ đồng; 400 ngàn khẩu trang y tế, 11.000 khẩu trang vải, 6.000 chai rửa tay sát khuẩn, trên 400 bộ bảo hộ lao động cùng nhiều các nhu yếu phẩm thiết yếu như: 7,5 tấn gạo, 30 ngàn quả trứng, trên 700 thùng sữa, trên 70 tấn rau củ quả…

Dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, cả hệ thống chính quyền, các tổ chức đoàn thể, xã hội trong tỉnh đang chung tay, góp sức đẩy lùi dịch bệnh. Mỗi việc làm bình dị của phụ nữ Bắc Ninh như điểm thêm bông những hoa tươi thắm trong rừng hoa nghìn việc tốt, tạo động lực giúp tỉnh sớm chiến thắng dịch bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục