Những thách thức đối với Tổng thống Nga Putin trong năm 2021

Theo Andrei Kolesnikov, nhà phân tích làm việc tại Trung tâm Carnegie Moscow, Điện Kremlin đang phải đối mặt với ngày càng nhiều vấn đề và đang cố gắng chuẩn bị cho mọi kịch bản có thể xảy ra.
Những thách thức đối với Tổng thống Nga Putin trong năm 2021 ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Moskva. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng eurasiareview đưa tin năm 2021 đánh dấu 30 năm ngày Liên Xô tan rã. Đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, việc Liên Xô tan rã là "thảm kịch địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ XX."

Các nhà phân tích và ngoại giao phương Tây cho rằng đây là sự kiện đang khiến Điện Kremlin bận tâm khi nước Nga đã rút ra được bài học rằng cần phải giảm mạnh việc sử dụng quyền lực nhà nước để duy trì quyền kiểm soát.

Những thách thức

Các nhà phân tích và ngoại giao phương Tây cho rằng vụ nhà hoạt động đối lập người Nga Alexei Navalny bị đầu độc năm 2020 là một sự leo thang mạnh mẽ trong chiến dịch của Điện Kremlin nhằm dập tắt những tiếng nói bất đồng chính kiến.

Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington tổ chức hồi tháng 12/2020, nhà thăm dò ý kiến người Nga Denis Volkov cho biết Điện Kremlin đang hướng tới mục tiêu "loại bỏ những người chỉ trích, khiến họ thụ động, hoặc thậm chí là vô hiệu hóa họ."

Năm ngoái, ông Putin đã sửa đổi Hiến pháp của Nga, mở đường để ông tiếp tục nắm quyền đến năm 2036. 79% người Nga đã bỏ phiếu ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp, mặc dù có những cáo buộc về tình trạng "bất thường," bao gồm cả việc hăm dọa cử tri và một người bỏ nhiều phiếu.

[Tổng thống Nga ký ban hành luật liên quan đến tương lai cựu tổng thống]

Tuy nhiên, việc sửa đổi Hiến pháp dường như vẫn không thể khiến Điện Kremlin yên tâm hay tự tin hơn về tương lai. Vụ Navalny cho thấy Điện Kremlin vẫn canh cánh nỗ lo về những thách thức trong tương lai đối với quyền lực của mình.

Theo Andrei Kolesnikov, nhà phân tích làm việc tại Trung tâm Carnegie Moscow, Điện Kremlin đang phải đối mặt với ngày càng nhiều vấn đề và đang cố gắng chuẩn bị cho mọi kịch bản có thể xảy ra.

Bất ổn ở nước láng giềng Belarus - vốn đã bị rung chuyển kể từ tháng 8/2020 bởi các cuộc biểu tình hàng loạt chống lại sự cai trị của Tổng thống Alexander Lukashenko - cũng như những xáo trộn ở Kyrgyzstan đang khiến Điện Kremlin phải cảnh giác cao độ.

Nhà phân tích Kolesnikov nói: “Mục tiêu duy nhất của ông Putin và giới tinh hoa của ông là duy trì quyền lực."

Các nhà phân tích cho rằng nhiều điều luật gần đây cho thấy quyết tâm rõ ràng của Điện Kremlin trong việc tiếp tục tăng cường nỗ lực chống lại các đối thủ trong nước của ông Putin trong bối cảnh năm 2021 là một năm chính trị trọng đại của Nga, khi các cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến vào tháng 9/2021.

Họ cho rằng Điện Kremlin cảm nhận được nhiều "luồng gió" chính trị đang chuyển sang chống chính phủ, điều này giải thích cho thời điểm xảy ra vụ ám sát Navalny và các biện pháp củng cố quyền lực nhà nước.

Điện Kremlin đã phủ nhận việc họ đứng sau vụ đầu độc này, nhưng không phủ nhận việc Navalny đã bị các đặc vụ của Cơ quan Tình báo Nga (FSB) theo dõi trong nhiều năm.

Đạo luật mới

Tuần trước, ông Putin đã ký quyết định cập nhật cái gọi là "luật đặc vụ nước ngoài," được thông qua lần đầu tiên năm 2012 và ban đầu nhắm mục tiêu vào các phương tiện truyền thông nước ngoài cũng như các nhóm xã hội dân sự nhận bất kỳ khoản tiền nào từ bên ngoài nước Nga.

Sau đó, luật này đã được mở rộng để bao gồm cả các nhà báo và blogger cá nhân, yêu cầu họ, cũng giống như các hãng truyền thông nước ngoài và các nhóm dân quyền do nước ngoài tài trợ, phải báo cáo hoạt động và đệ trình các cuộc kiểm toán tài chính thường xuyên. Luật đã dẫn đến việc đóng cửa một số tổ chức phi chính phủ lớn ở Nga.

Bản sửa đổi do ông Putin ký còn mở rộng hơn nữa các thông số mà theo đó một người hoặc một tổ chức có thể được coi là “đặc vụ nước ngoài.”

Trước đây, họ phải nhận tài trợ của nước ngoài. Giờ đây, họ có thể bị dán nhãn là đặc vụ nước ngoài nếu các cơ quan nhà nước coi hoạt động của họ là “vì lợi ích của một thế lực nước ngoài.”

Tổ chức Ân xá Quốc tế rằng động thái mới này báo hiệu sự khởi đầu của "một cuộc săn phù thủy mới" ở Nga.

Nhà nghiên cứu Natalia Prilutskaya của Tổ chức Ân xá Quốc tế nhấn mạnh: “Nó cho thấy chính quyền Nga tin rằng các thành viên xã hội dân sự là 'các mật vụ phương Tây' âm mưu phá hoại và gây bất ổn cho chính phủ. Chính quyền Nga đã làm kiệt quệ xã hội dân sự về tài chính và buộc nhiều tổ chức phải đóng cửa. Giờ đây, họ đang tiếp tục 'ác quỷ hóa' các nhà hoạt động cá nhân.”

Các hạn chế mới cũng đã được áp dụng đối với các cuộc biểu tình công khai, đồng thời chính phủ đã tự đẩy mạnh quyền chặn các trang web nước ngoài và trong nước mà họ cho là đang kiểm duyệt nội dung truyền thông nhà nước của Nga.

Bất mãn gia tăng

Những hậu quả kinh tế của đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) đang làm gia tăng bất bình đẳng và nghèo đói, có khả năng "đổ thêm dầu" vào "ngọn lửa" bất mãn của công chúng.

Nhà thăm dò ý kiến Volkov cho rằng thực tế này xuất hiện trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của đa số dành cho ông Putin đến nay không còn là điều mà Điện Kremlin có thể coi là đương nhiên.

Các quan chức Nga dường như đã bị bất ngờ trước các cuộc biểu tình chống Điện Kremlin vào năm ngoái ở Khabarovsk, thuộc vùng Viễn Đông của Nga, nơi người dân địa phương phản ứng dữ dội trước vụ bắt giữ thống đốc nổi tiếng Sergei Furgal, một nhân vật "ngoại đạo chính trị," với những cáo buộc phạm tội.

Trong một cuộc thăm dò quốc gia được thực hiện hồi năm ngoái, Trung tâm Levada cho biết 47% số người được hỏi ý kiến cho biết họ có quan điểm tích cực về các cuộc biểu tình ở Khabarovsk. Tỷ lệ tín nhiệm của ông Putin cũng đang trên đà giảm sút./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục