Những thiệt hại đau đớn từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Thực tế một lần nữa chứng minh rằng trong một cuộc chiến thương mại kéo dài, các quốc gia như Trung Quốc gặp bất lợi trước những quốc gia bị thâm hụt thương mại, chẳng hạn như Mỹ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Fair Observer)

Theo Trang mạng eastasiaforum.org, thực tế một lần nữa chứng minh rằng trong một cuộc chiến thương mại kéo dài, các quốc gia như Trung Quốc gặp bất lợi trước những quốc gia bị thâm hụt thương mại, chẳng hạn như Mỹ. Tuy nhiên, việc chiến tranh với Trung Quốc không mang lại lợi ích cho Mỹ. Lựa chọn tốt nhất cho cả hai bên là đạt được thỏa thuận.

Cuộc chiến tranh thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động với Trung Quốc đã không đạt được những mục tiêu ban đầu. Thứ nhất, tổng thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ năm nay vẫn sẽ rất lớn. Nhập siêu hàng hóa nhạy cảm về chính trị với Trung Quốc trong nửa đầu năm 2019 đã lên tới 167 tỷ USD. Thứ hai, cuộc chiến thương mại đã thất bại trong việc cản trở sự cải tiến công nghệ của Trung Quốc.

Bất chấp việc chính phủ và truyền thông Trung Quốc từ bỏ khẩu hiệu "Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025," Trung Quốc vẫn tiếp tục thúc đẩy đầu tư và đổi mới trong các ngành công nghiệp chiến lược được liệt kê theo sáng kiến này. Các yếu tố địa-kinh tế cũng đang làm gia tăng những rủi ro mặt trái đối với triển vọng kinh tế vĩ mô của Mỹ, được thể hiện bởi các chỉ số kinh tế gần đây.

Tuy nhiên, những tổn thất mà Trung Quốc phải gánh chịu khá rõ. Thuế quan của Mỹ đã làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc khoảng 0,6%. Cuộc chiến thương mại cũng ảnh hưởng đến GDP thông qua các kênh gián tiếp. Nó đã thúc đẩy hàng chục công ty chuyển chuỗi cung ứng của họ từ Trung Quốc sang các nước ASEAN và ngăn cản đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ.

Đầu tư toàn cầu của Trung Quốc đang giảm, nhưng đầu tư vào Mỹ giảm mạnh nhất, từ 24 tỷ USD năm 2017 xuống còn 9 tỷ USD vào năm 2018 và 3,2 tỷ USD trong năm 2019. Trung Quốc đang chuyển trọng tâm chiến lược sang sáng kiến "Vành đai và Con đường," đặc biệt là ở Nga và các quốc gia Đông Nam Á. Tốc độ tăng trưởng của đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc cũng đã giảm từ mức 7,9% trong năm 2017 xuống còn 0,9% trong năm 2018.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn cần thu hút đầu tư của Mỹ để giành được công nghệ tiên tiến, năng lực, kinh doanh và chuyên môn quản lý để trở thành một cường quốc về chế tạo - một mục tiêu quốc gia mà ban lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc đã thúc đẩy. Tác động của cuộc chiến thương mại có thể làm giảm GDP của Trung Quốc ít nhất 1%.

Ngay cả khi không có chiến tranh thương mại, Trung Quốc cũng phải đối mặt với những thách thức đáng sợ ở trong nước. Thay đổi cấu trúc kinh tế đang tiến triển rất chậm. Tỷ lệ tiết kiệm gộp của Trung Quốc vẫn trên 45%. Tiết kiệm cao tiếp tục thúc đẩy đầu tư của Trung Quốc, duy trì ở mức 44,8% GDP. Đầu tư quy mô lớn kéo dài này đang làm gia tăng các khoản nợ.

Từ năm 2015-2018, các khoản nợ xấu (NPL) trong các ngân hàng thương mại của Trung Quốc đã tăng từ mức dưới 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (140 tỷ USD) lên 2,03 nghìn tỷ nhân dân tệ (284 tỷ USD). Nợ xấu của các tổ chức tài chính phi ngân hàng và các công ty công nghiệp cũng đã tích lũy trong những năm gần đây.

Các khoản phải thu của các công ty công nghiệp quy mô lớn của Trung Quốc - có thể dễ dàng biến thành nợ xấu - đạt 14,3 nghìn tỷ nhân dân tệ (2 nghìn tỷ USD) trong năm 2018, tăng 8,6% so với năm 2017.

Tệ hơn nữa, nhiều hộ gia đình giải quyết chi tiêu của họ bằng cách vay nợ. Nợ của hộ gia đình Trung Quốc đã bùng nổ trong vòng 5-6 năm qua, tính theo phần trăm GDP đã tăng 20% lên 53,2%, làm dấy lên lo ngại rằng gánh nặng của duy trì mức nợ có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế dài hạn.

Trong cuộc chiến thương mại và suy thoái kinh tế, Chính phủ Trung Quốc đã khởi xướng việc cắt giảm thuế và thực hiện các biện pháp tiền tệ để ngăn chặn sự sụt giảm sâu hơn. Các dịch vụ ăn uống giải trí và mua sắm ban đêm được khuyến khích ở các thành phố lớn để thúc đẩy tăng trưởng.

Chính quyền địa phương đã yêu cầu các cửa hàng, nhà hàng và các điểm thu hút khách du lịch đóng cửa muộn hơn.

Tổng cục Du lịch Trung Quốc ước tính tiêu thụ vào ban đêm sẽ đóng góp thêm 600 tỷ nhân dân tệ (84 tỷ USD - 0,6%) cho GDP Trung Quốc. Để ổn định tốc độ tăng trưởng trên 6% trong năm nay, Chính phủ có thể đầu tư thêm vào cơ sở hạ tầng. Trung Quốc cũng có thể dựa vào các công cụ tiền tệ như lãi suất và dự trữ bắt buộc.

Những sáng kiến này có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong ngắn hạn và trung hạn, nhưng lựa chọn bền vững nhất là biến Trung Quốc thành một xã hội tiêu dùng bình thường.

Một cuộc khảo sát gần đây của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đối với 18.600 người dân đến từ 31 tỉnh cho thấy những hạn chế về thu nhập và sở thích tiết kiệm ngăn cản mọi người sẵn sàng chi tiêu. Một sự thay đổi từ tiết kiệm sang tiêu dùng có thể được củng cố bằng cách cải thiện mạng lưới an sinh xã hội và tăng đáng kể phần đóng góp của hộ gia đình trong thu nhập quốc dân.

Để đối phó với sức ép của Trump, việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ đang được các quan chức cấp cao ở Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ. Tháng 8/2019, Chen Yuan - cựu Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Trung Quốc - đã nêu ra 3 cách để làm điều này: hỗ trợ và thúc đẩy đồng nhân dân tệ linh hoạt và theo định hướng thị trường hơn bằng các biện pháp kiểm soát; tăng cường sự mở rộng và thâm nhập quốc tế của đồng nhân dân tệ; và giảm sự phụ thuộc của đồng tiền này vào đồng USD.

Khai phá ngành dịch vụ tài chính của Trung Quốc và cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mua trái phiếu Trung Quốc là một cách giúp thực hiện chiến lược này. Tuy nhiên, Trung Quốc cần những cải cách nghiêm túc hơn để tạo ra một thị trường tài chính sâu rộng, minh bạch và ổn định ở trong nước. Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài trước mắt.

Cuộc chiến thương mại không mang lại lợi ích gì cho Mỹ và thậm chí gây nhiều đau đớn cho Trung Quốc hơn. Đây là thời điểm để cả Trung Quốc và Mỹ nghiêm túc xem xét một thỏa thuận "đình chiến" và một thỏa thuận thực sự - điều mà cả thế giới đang hy vọng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục