Theo tờ Tin tức Thế giới ngày 10/10, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đối mặt với khủng hoảng luận tội đã ảnh hưởng tiêu cực tới chính sách ngoại giao của Mỹ.
Trong một động thái mới nhất, ngày 7/10, ông Trump bất ngờ tuyên bố rút quân khỏi miền Bắc Syria, đồng nghĩa với việc để mặc cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Syria, thảm sát dân binh người Kurd vốn hợp tác với Mỹ, dẫn tới phản đối từ các nghị sỹ có tiếng nói trọng lượng trong Quốc hội.
Có quan chức an ninh quốc gia Mỹ phân tích việc ông Trump dễ dàng nghe theo lời của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đã rơi vào cái bẫy do tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Syria và Nga đặt sẵn.
Năm ngoái, ông Trump từng tuyên bố rút quân khỏi Syria, khiến Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis từ chức, buộc phải dừng lại. Do vậy, lần này tuyên bố rút quân khỏi Syria của ông Trump có trở thành hiện thực hay không vẫn cần phải quan sát.
Báo trên cho biết thêm cuộc điều tra công tố viên đặc biệt Robert Muller vừa mới kết thúc với kết luận không tìm thấy bằng chứng Moskva thông đồng với chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Khi câu chuyện nêu trên còn chưa nguội, ông Trump lại dính vào bê bối điện đàm cùng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, với nghi vấn yêu cầu phía Ukraine điều tra hành vi tham nhũng của cha con đối thủ chính trị Joe Biden để đối lấy khoản viện trợ quân sự trị giá 391 triệu USD.
Sự kiện này như quả bóng tuyết càng lăn càng lớn, không chỉ người tố cáo thứ nhất mà cả người tố cáo thứ hai tận tai nghe thấy cuộc điện đàm cũng tình nguyện ra làm chứng trước Quốc hội.
Với những chứng cứ ngày một rõ ràng hơn, hiện nay đã có hơn một nửa số người Mỹ được hỏi và ngày càng nhiều nghị sỹ đảng Cộng hòa ủng hộ điều tra luận tội ông Trump. Nhưng ngoài nguy cơ chính trị trong nước, ông Trump còn phải đối mặt với bốn thất bại lớn về ngoại giao.
[Triều Tiên sẵn sàng để Mỹ quyết định các cuộc đàm phán hạt nhân]
Thứ nhất là thất bại trong đàm phát hạt nhân với Triều Tiên. Ngày 5/10 vừa qua, Mỹ và Triều Tiên đã có cuộc gặp đầu tiên tại Thụy Điển, sau tám tháng kể từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên ở Hà Nội.
Sau cuộc gặp, phía Triều Tiên tuyên bố đàm phán đổ vỡ, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ lại phủ nhận việc này, nói rằng họ đã có “một cuộc thảo luận tốt đẹp” với phía Triều Tiên, trong hai tuần nữa, hai bên sẽ có cuộc hội đàm cấp làm việc.
Sau đó, Bộ Ngoại giao Triều Tiên lên tiếng phủ nhận hoàn toàn nội dung phía Mỹ đưa ra, chỉ trích phía Mỹ không được làm dư luận hiểu nhầm, lạm dụng cơ hội đàm phán vì mục đích chính trị. Lời lẽ của Triều Tiên cứng rắn, thậm chí còn đặt thời hạn chót, yêu cầu Mỹ phải thay đổi thái độ “hoàn toàn, không thể đảo ngược” trước cuối năm nay nếu không phải chịu trách nhiệm về hậu quả đàm phán Mỹ-Triều.
Triều Tiên đảo ngược vị thế từ chủ thành khách, lấy nhỏ hiếp lớn, không chịu đàm phán cấp làm việc, muốn ép Mỹ phải tổ chức hội nghị thượng đỉnh để ông Trump phải trực tiếp ra mặt quyết định. Bình Nhưỡng biết rõ ông Trump rất muốn lập thành tích chính trị trước bầu cử, rất có thể nhượng bộ Triều Tiên. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ra sự bất hòa giữa ông Trump và cố vấn “diều hâu” John Bolton, khiến ông Bolton bị buộc phải từ chức vào tháng 9/2019.
Ngay cả khi rời khỏi nhiệm sở, ông Bolton vẫn phủ nhận các thành quả trong chiến lược đàm phán với Bình Nhưỡng của ông Trump và tiếp tục nhắc lại mô hình từ bỏ vũ khí hạt nhân “hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng của Libya" cho nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, ý tưởng này từng khiến ông Trump giận dữ khi ông Bolton lần đầu chia sẻ cho truyền thông vào năm 2018 vì ảnh hưởng xấu đến nỗ lực ngoại giao với Bình Nhưỡng.
Thứ hai là đàm phán thương mại Mỹ-Trung cấp cao vòng 13 tổ chức vào ngày 10/10 (theo giờ Mỹ). Gần đây, Trung Quốc tuy mua một lượng lớn nông sản Mỹ, nhưng theo tiết lộ của phía Trung Quốc, Bắc Kinh không muốn đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện, mà chỉ muốn đạt được thỏa thuận thương mại phạm vi hẹp với Washington.
Bloomberg trích lời một nguồn tin thân cận cho biết Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc - người dẫn đầu đoàn đàm phán Trung Quốc, đã nói với quan chức Mỹ rằng ông sẽ đem đến Washington một đề xuất không bao gồm các cam kết về cải tổ chính sách công nghiệp hay trợ cấp chính phủ.
Trong khi đó, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer phản đối việc đạt được một thỏa thuận hẹp tạm thời với Trung Quốc, cho rằng làm như vậy sẽ vĩnh viễn không đạt được mục tiêu buộc Trung Quốc phải nhượng bộ.
Như vậy, nếu thực tế diễn ra đúng như nguồn tin của Bloomberg, điều này có nghĩa một trong những yêu cầu chủ chốt của chính quyền Trump sẽ bị loại khỏi bàn đàm phán, cho thấy Bắc Kinh đang mạnh tay hơn trong bối cảnh ông Trump đối mặt với cuộc khủng hoảng luận tội, doanh nghiệp đổ lỗi cho cuộc chiến thương mại khiến kinh tế Mỹ chậm lại giữa lúc cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang tới gần.
Thứ ba là nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia - đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở khu vực Trung Đông, bị tấn công. Saudi Arabia và Mỹ nhận định Iran là thủ phạm, lớn tiếng tuyên bố trả đũa. Tuy nhiên, ông Trump không muốn bị cuốn vào một cuộc chiến tranh mới trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020, cho nên đã không đánh đòn trả đũa.
Tuần trước, phía Saudi Arabia cũng nói họ không muốn sử dụng biện pháp quân sự mà hy vọng giải quyết vấn đề bằng biện pháp chính trị. Quân đội Mỹ tuy tăng quy mô bố trí tên lửa đánh chặn Patriot tại Saudi Arabia, nhưng lại chỉ đưa thêm vài trăm binh sỹ tới đây, xem ra chỉ là hành động tượng trưng cho việc hỗ trợ đồng minh phòng thủ. Không thể tiến hành chiến tranh thì chỉ còn cách hòa đàm.
Gần đây, dư luận lan truyền thông tin rằng Saudi Arabia bí mật đàm phán với Iran. Trên thực tế, chỉ Saudi Arabia và Iran đàm phán với nhau là chưa đủ. Ông Trump muốn Liên hợp quốc tổ chức một cuộc họp trực tiếp gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani để đạt được thỏa thuận mới. Tuy nhiên, do lập trường hai bên quá khác biệt, cuộc gặp này rất khó có thể thực hiện được.
Thứ ba là việc ông Trump muốn kết thúc chiến tranh ở Afganistan. Mỹ và Taliban đã bí mật đàm phán trong tám tháng, gần đạt được thỏa thuận. Nhưng khi việc lớn sắp thành, ông Trump lại muốn triệu tập hội nghị thượng đỉnh hòa bình giữa đại diện Taliban và chính phủ Afganistan ở Trại David. Khi còn tại nhiệm, ông Bolton đã ra sức can ngăn, cho rằng không thể tin tưởng Taliban. Thực tế sau đó ra sao? Ngày 9/9 (theo giờ Mỹ), ông Trump phải tuyên bố các cuộc đàm phán hòa bình giữa Mỹ và phiến quân Taliban trong cuộc chiến tại Afghanistan đã "chết yểu."
[Tổng thống Mỹ lý giải về quyết định rút quân khỏi Đông Bắc Syria]
Thứ tư là ngày 7/10 vừa qua, ông Trump tuyên bố rút quân khỏi Syria. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng bất ngờ.
Quan chức an ninh Mỹ giấu tên cho rằng hành động này sẽ khiến rủi ro an ninh trong mấy chục năm tới tăng lên, nguyên nhân nằm ở việc tổng thống Mỹ không có dũng khí. Rút quân khỏi Syria không chỉ mất sự tin tưởng của người Kurd, mà có thể giúp IS sống lại. Chính sách Trung Đông và tài nguyên, sinh mệnh Mỹ đầu tư bấy lâu cho cuộc chiến chống khủng bố có thể bị tiêu tan.
Nhiều nghị sỹ Quốc hội với tiếng nói có trọng lượng vốn ủng hộ ông Trump như Mitch McConnell, Lindsey Graham… đều lên tiếng phản đối việc rút quân, kêu gọi ông Trump thu hồi quyết định. Tuy nhiên, ông Trump đã bảo vệ quyết định của mình, cho rằng đó là quyết định đưa ra dựa trên trí tuệ vĩ đại, không ai có thể so sánh được.
Những gì nêu trên cho thấy sự ngạo mạn và ngang ngược của ông Trump đã đạt tới cực điểm. Vấn đề ở chỗ các thất bại về ngoại giao lớn như vậy không chỉ khiến lợi ích quốc gia của Mỹ bị tổn hại, mà làm sao có thể đưa “nước Mỹ vĩ đại trở lại”./.