Để đến trường nộp hồ sơ cho kịp giờ chốt sổ, các thí sinh đã phải áp dụng đủ chiêu, từ chạy bộ, thuê xe ôm, thậm chí phải đi cả máy bay. Một thí sinh dự thi nhưng cả nhà phải túc trực canh điểm trên mạng Internet và cả tại trường.
Chạy marathon trước giờ khóa sổ
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giờ nhận hồ sơ dự tuyển của thí sinh sẽ kết thúc vào lúc 17 giờ ngày 20/8. Vì thế, rất nhiều thí sinh đã phải chạy đua hết tốc lực để kịp nộp trước giờ khoá sổ.
Tại trường Đại học Kinh tế quốc dân, theo thầy Nguyễn Thanh Bình, khi “sàn giao dịch” của trường đóng cửa được ít phút thì có một thí sinh hớt hải chạy vào, đầu vẫn đội nguyên mũ bảo hiểm, mắt đỏ hoe.
Thí sinh cho biết em tên là Hà Thuý An, ở Uông Bí, Quảng Ninh. An trực ở Học viện Tài chính, mẹ em trực ở Đại học Kinh tế quốc dân để canh điểm và theo dõi tình hình ở từng trường. Khi đã sát giờ kết thúc xét tuyển, An mới quyết định sẽ nộp hồ sơ dự tuyển vào Đại học Kinh tế Quốc dân và bắt xe ôm từ Học viện Tài chính về.
Tuy nhiên, đến Đê La Thành thì tắc đường. Nhìn đồng hồ đã là 5 giờ kém 10, em gọi điện cho mẹ và oà khóc nức nở vì “con không đến kịp được rồi!”
Không biết phải làm cách nào để thoát khỏi dòng người ùn ứ, An bỏ xe ôm chạy bộ đến tận Xã Đàn, bắt tiếp xe ôm đến Đại học Kinh tế quốc dân.
Mặc dù đã quá giờ nhưng thương cảm cho sự vất vả của An, các thầy cô trong trong hội đồng tuyển sinh của Đại học Kinh tế quốc dân đã linh động cho em được nộp hồ sơ.
Tại Học viện Bưu chính viễn thông, khi đã ở những phút cuối cùng, vẫn còn một số thí sinh hớt hải chạy đến làm thủ tục. Các cán bộ tuyển sinh vừa hướng dẫn các em viết đơn đăng ký xét tuyển, vừa trấn an thí sinh bình tĩnh và cẩn thận để không viết nhầm.
Để kịp giờ nộp hồ sơ, một phụ huynh ở Đắk Lắk thậm chí còn bắt máy bay ra Hà Nội để đăng ký dự tuyển vào Đại học Bách khoa cho cậu con trai. Chị cho biết, dù con được điểm khá cao, trung bình mỗi môn tới 8,68 điểm, nhưng hai mẹ con vẫn chưa nộp hồ sơ ngay và ngày ngày theo dõi thông tin cập nhật qua mạng internet. Đến tận ngày 20/8, khi thấy điểm của con chắc chắn ở vị trí an toàn và cũng là thời điểm cuối cùng nhận hồ sơ của các trường, chị mới đi máy bay ra để nộp.
Một người đi thi, cả nhà lên mạng
Tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân, hai mẹ con thí sinh Vũ Thị Phương Hạnh (Hải Phòng) khóc nức nở khi biết không thể đủ điểm đỗ vào trường. Hạnh cho biết, một tuần nay hai mẹ con em túc trực ở Hà Nội, ngày nào cũng lên trường Đại học Kinh tế quốc dân để canh điểm, theo dõi tình hình nộp, rút hồ sơ.
Trong khi đó ở nhà, ba chị gái của em cũng túc trực trên mạng internet, xem xét tình hình điểm của các trường.
“Suốt 20 ngày nay, cả nhà tôi chỉ có ăn và lên mạng canh điểm, rất mệt mỏi,” bác Hồng nói.
Với các thí sinh ở vùng khó, điều kiện internet hạn chế thì việc theo dõi thông tin còn mệt mỏi hơn. Bác Lê Văn Lương cho biết, bác ở Phù Ninh, Phú Thọ, địa bàn vùng núi nên không có internet để cập nhật thường xuyên.
Vì thế, các con bác làm việc dưới thành phố Việt Trì được bố giao nhiệm vụ canh điểm, hàng ngày gọi điện về nhà để trao đổi tình hình, bàn bạc chọn trường, rất bất tiện.
“Ba giờ sáng, hai bố con bắt xe xuống Hà Nội, đến Đại học Công nghiệp để rút hồ sơ sang Đại học Giao thông vận tải, nhưng giờ vẫn băn khoăn không biết nên đăng ký ngành nào,” bác Lương chia sẻ.
Nhưng ngay cả khi có mạng internet, việc tra cứu thông tin của nhiều trường cũng không đơn giản.
Tại Đại học Công đoàn, đến sáng 20/8, có rất nhiều thí sinh, phụ huynh tập trung trước cổng trường mà không biết nên rút hay nên nộp vì trường mới cập nhật thông tin thí sinh đăng ký đến ngày 18/8. Trong danh sách này, nhiều thí sinh còn không có tổng điểm. Phải đến đầu giờ chiều ngày 20/8, Đại học Công đoàn mới cập nhận danh sách đến 19/8.
Còn với Đại học Hà Nội, dù có danh sách nhưng theo thí sinh Nguyễn Tiến Mạnh, trường lại sắp xếp thí sinh theo tổng điểm thi, chưa cộng điểm ưu tiên. Vì thế, thứ tự trường công bố lại không phải là thứ tự đúng.
"Nếu theo danh sách chưa có điểm ưu tiên, em ở vị trí thứ 128 trên tổng số 150 chỉ tiêu, nghĩa là trong danh sách đỗ tạm thời. Tuy nhiên, sau khi cộng điểm ưu tiên của các bạn, em lại lên vị trí trên 200 nên trượt,” Mạnh nói.
Mạnh cho biết em rất yêu thích Đại học Hà Nội và canh điểm của trường từ những ngày đầu, nhưng rất mệt mỏi khi phải tự cộng dò một cách thủ công từng thi sinh để biết chính xác vị trí của mình ở đâu. “Cứ nhìn danh sách thì trượt mà tưởng là mình đỗ. Cuối cùng, em đã quyết định nộp hồ sơ dự tuyển vào Đại học Bách khoa, ngành Ngôn ngữ Anh,” Mạnh chia sẻ.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đạo tạo, điểm trúng tuyển nguyện vọng một sẽ được các trường công bố trước ngày 25/8./.