Những vấn đề then chốt tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 47

Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 47, diễn ra từ ngày 17-20/1 tại Davos sẽ đề cập tới vấn đề toàn cầu ở một góc độ vừa mang tính chính trị, xã hội và kinh tế.
Những vấn đề then chốt tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 47 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: cnbc.com)

Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 47, hay còn gọi là Diễn đàn Davos, sẽ diễn ra từ ngày 17-20/1 tại Davos, thị trấn nhỏ nằm ở miền Đông Thụy Sĩ.

Diễn đàn Davos lần này dự kiến sẽ đề cập tới vấn đề toàn cầu ở một góc độ vừa mang tính chính trị, xã hội và kinh tế.

Diễn đàn sẽ tập trung đặc biệt vào 5 vấn đề chính: Hợp tác quốc tế, sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, tạo một bản sắc chung, vấn đề cải cách của chủ nghĩa tư bản và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Diễn đàn dự kiến sẽ đón khoảng 3.000 người tham dự đến từ khoảng 70 quốc gia. Đặc biệt, những gương mặt như Tổng thư ký mới của Liên hợp quốc Antonio Guterres, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Anh Theresa May sẽ hiện diện tại sự kiện này.

Các đại biểu sẽ tham gia thảo luận tại hơn 300 phiên họp trong khuôn khổ của diễn đàn.

Người sáng lập và là Chủ tịch điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ông Klaus Schwas, nhà kinh tế học người gốc Đức đã có một bài viết trước thềm Diễn đàn Davos lần thứ 47 với tiêu đề "Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4", nội dung như sau:

Trong suốt một năm qua, chúng ta đã chứng kiến những phản ứng xã hội và chính trị thể hiện sự chối bỏ toàn cầu hóa tại các nền kinh tế phát triển.

Thời kỳ thoái trào công nghiệp, tình hình suy thoái tại các thị trường lao động khác nhau và sự thiếu vắng những triển vọng chính là những yếu tố dẫn đến những kết quả bỏ phiếu đầy tranh cãi.

Nhiều nhà quan sát coi đây là sự chối từ đối với chủ nghĩa tự do, với tự do thương mại và chối từ sự tác động lẫn nhau giữa các quốc gia trong những thập kỷ gần đây.

Tuy nhiên, các sự kiện cho thấy hơn cả toàn cầu hóa, chính sự phát triển của công nghệ mới là yếu tố tác động thực sự đến thị trường việc làm.

Trong thế giới ngày nay, việc sản xuất, sự dịch chuyển, truyền thông, năng lượng và nhiều hệ thống khác đang phát triển với tốc độ chưa từng có, phá vỡ tất cả mọi thứ ngáng trở trên đường đi của chúng, từ các hình thức lao động và quan hệ xã hội cho đến sự ổn định về địa chính trị.

Được dẫn dắt bởi sự hội tụ giữa công nghệ kỹ thuật số, sinh học và vật lý, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 làm đảo lộn các thị trường lao động. Trong bối cảnh này, những tuyên bố chống lại toàn cầu hóa của những người theo chủ nghĩa dân túy bắt nguồn từ sự "chẩn đoán" nhầm lẫn và như thế vấn đề "điều trị" cũng đi đến thất bại.

Theo các nhà kinh tế học Michael Hicks và Srikant Devaraj, 86% số việc làm bị mất đi trong lĩnh vực sản xuất chế biến, chế tạo tại Mỹ từ năm 1997 đến năm 2007 liên quan đến hiệu suất lao động và chỉ có 14% liên quan đến các vấn đề thương mại.

Tại Anh, tỷ lệ sản xuất trong nền kinh tế đã giảm, nhưng song song với đó, ngành công nghiệp mang lại giá trị gia tăng cao và các dịch vụ xuyên biên giới đã phát triển mạnh.

Hầu hết các phân tích cho thấy trong những năm tới, công nghệ sẽ tác động ngày càng nhiều đến các thị trường lao động bởi những tiến bộ nhanh chóng trong lĩnh vực robot, cảm biến và mô hình hóa bằng máy sẽ cho phép thay thế người lao động.

Mỗi viện nghiên cứu đưa ra ước tính riêng về số lượng việc làm bị đe dọa bởi công nghệ mới.

Tuy nhiên, các chuyên gia thường đề cập đến kết quả nghiên cứu của Oxford Martin School, được công bố năm 2013, theo đó, 47% số việc làm tại Mỹ sẽ bị đe dọa.

Năm 2015, một nghiên cứu của McKinsey cho thấy 45% công việc được thực hiện bởi người lao động hiện nay có thể được thực hiện bằng tự động hóa.

Trong một cuộc khảo sát được Diễn đàn Kinh tế Thế giới tiến hành đối với nhận thức về những nguy cơ trên toàn thế giới, (khảo sát này cũng là nền tảng cho bản báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về những nguy cơ trên toàn cầu trong năm 2017), những người được hỏi đã trả lời rằng trí thông minh nhân tạo và robot có thể là những công nghệ mới nổi nguy hiểm nhất trong thập kỷ tới.

Công nghệ luôn tạo ra và phá hủy việc làm, nhưng động cơ tạo việc làm công nghệ dường như bị chặn lại.

Theo Oxford Martin School, tại Mỹ, chỉ có 0,5% lực lượng lao động đang làm việc trong các lĩnh vực được tạo ra kể từ năm 2000, so với 8% nhân lực làm việc trong các lĩnh vực được tạo ra trong những năm 1980.

Những thay đổi về mặt công nghệ có ảnh hưởng đến phân phối thu nhập, di chuyển từ nhân công sang nguồn vốn.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), phần giá trị tương đương 80% thu nhập quốc dân bị mất đi do công ăn việc làm trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 2007 có liên quan tới các công nghệ mới.

Ở cấp độ toàn cầu, nhiều người đang bị bỏ quên ở bên lề tiến trình phát triển: Hơn 4 tỷ người không được tiếp cận với Internet và hơn 1,2 tỷ người vẫn sống trong cảnh không có điện.

Chúng ta đang ở trong một thời kỳ thay đổi công nghệ sâu sắc và không ổn định, bên cạnh nhiều mối đe dọa khác đến sự gắn kết xã hội và uy tín của các nhà hoạch định chính sách.

Xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 làm trầm trọng hơn những rủi ro ở cấp độ toàn cầu khiến các vấn đề quản trị không chỉ rất rộng lớn mà còn đặc biệt cấp bách.

Điều quan trọng là các nhà lập pháp và các bên liên quan khác - chính phủ, xã hội dân sự, trường đại học và truyền thông - cần hợp tác để tạo ra các hình thức quản trị địa phương, quản lý quốc gia và quản trị toàn cầu linh hoạt hơn và nhanh chóng thích ứng với mọi thay đổi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục