Những vấn đề xung quanh việc Triều Tiên vượt “lằn ranh đỏ”

Theo giới chuyên gia, nhiều khả năng, Bình Nhưỡng sẽ tiến hành thêm những hành động gây hấn trong tương lai. Và điều đó có thể xảy ra vào tháng 4/2022.
Những vấn đề xung quanh việc Triều Tiên vượt “lằn ranh đỏ” ảnh 1Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasongpho-17 được phóng thử từ Sân bay quốc tế Bình Nhưỡng (Triều Tiên), ngày 24/3/2022. (Ảnh: KCNA/TTXVN)

Theo trang mạng hani.co.kr/washingtonpost.com, Triều Tiên đã vượt qua “lằn ranh đỏ” do Mỹ và Hàn Quốc vạch ra khi ngày 24/3 tiến hành thử một loại tên lửa mà nước này tuyên bố là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Bên cạnh những nghi vấn về việc liệu Bình Nhưỡng có phóng đại tuyên bố của họ hay không, giới chuyên gia cho rằng có 3 lý do thúc đẩy nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra quyết định thử nghiệm này, trong đó phần nhiều là do Mỹ đang “bỏ bê” các cuộc đối thoại với Bình Nhưỡng.

Và nhiều khả năng Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục sử dụng chiêu bài quen thuộc này với những những hành động gây hấn hơn nữa trong tương lai cho đến khi Washington chuyển hướng mối quan tâm đối với bán đảo Triều Tiên.

Tờ Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên - cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ký lệnh tiến hành thử một loại ICBM mới nhất, mang biệt hiệu Hwasong-17.

Báo này dẫn lời ông Kim khẳng định rằng “sự xuất hiện của một loại vũ khí chiến lược mới của Triều Tiên sẽ làm cả thế giới một lần nữa nhận thức rõ về sức mạnh của các lực lượng vũ trang chiến lược của chúng ta.”

[Phát hiện dấu hiệu Triều Tiên chuẩn bị thử tên lửa đạn đạo]

Ông Kim nhấn mạnh: “Các lực lượng quốc phòng của chúng ta sẽ sở hữu những năng lực kỹ thuật và quân sự phi thường không thể bị đè bẹp bởi bất kỳ mối đe dọa quân sự nào, đồng thời sẵn sàng đương đầu với đế quốc Mỹ trong cuộc đối đầu lâu dài.”

Vậy là không thể chờ đợi lâu hơn để có được mối quan tâm và chú ý của chính quyền ông Joe Biden, Bình Nhưỡng đã quyết định sẵn sàng cho một cuộc “đối đầu lâu dài.”

Động cơ thúc đẩy Triều Tiên vượt “lằn ranh đỏ”

Trước đó, giới chuyên gia Mỹ và Hàn Quốc nhận định rằng Triều Tiên có thể sẽ thử nghiệm một tên lửa tầm xa nhưng dưới vỏ bọc là thử nghiệm vệ tinh do thám nhân dịp lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông nội Kim Jong-un là Nhật Thành vào ngày 15/4, hay còn được gọi là “Ngày Mặt Trời.”

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Kim đã quyết định hành động nhanh hơn và thậm chí ở cấp độ nghiêm trọng hơn so với dự đoán. Ngoài ra, vụ thử hôm 24/3 diễn ra hơn 4 năm sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố hoàn thiện kho vũ khí hạt nhân của mình kèm theo vụ phóng thử tên lửa Hwasong-15 ngày 29/11/2017.

Như vậy, quyết định triển khai vụ phóng hôm 24/3 mang ý nghĩa chiến lược này đã được thực hiện sau một thời gian dài Triều Tiên không thực hiện bất kỳ vụ thử nghiêm trọng nào, và việc Triều Tiên không thèm ngụy tạo đây là một phương tiện phóng một vệ tinh do thám cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đưa ra một quyết định chiến lược là không chờ đợi thêm để chính quyền ông Joe Biden đưa ra “những biện pháp tương ứng.”

Trước hết, cần lưu ý rằng tại một phiên họp của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương khóa VIII Đảng Lao động Triều Tiên hôm 19/1/2022, Chủ tịch Kim Jong-un đã phát tín hiệu rằng ông sẽ từ bỏ lệnh tạm ngừng thử vũ khí hạt nhân và ICBM mà Triều Tiên tự áp đặt hồi năm 2017.

Tại cuộc họp này, Chủ tịch Kim cũng nói rằng "chính sách thù địch" của Mỹ và mối đe dọa quân sự của Washington đã đến mức không thể bỏ qua, đồng thời chỉ thị các quan chức đánh giá lại tất cả các biện pháp xây dựng lòng tin với Mỹ và nhanh chóng tìm cách nối lại tất cả các hoạt động thử nghiệm đã bị tạm ngừng.

Thế nhưng, Tổng thống Biden đã không đề cập một lần nào đến Triều Tiên trong Thông điệp liên bang đầu tiên hôm 1/3. Ông Biden đã dành các nguồn lực ngoại giao của Mỹ cho việc xử lý vấn đề Afghanistan, hành động quân sự của Nga ở Ukraine và những nỗ lực để khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran.

Tổng thống Biden đã không thực hiện bất kỳ hành động nào đối với Triều Tiên ngoài việc đưa ra những lời lẽ ngoại giao hùng hồn về cánh cửa đối thoại đang rộng mở với Triều Tiên. Điều đó cho thấy ông Biden không coi Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu.

Bình Nhưỡng dường như kết luận rằng ít nhất là trong thời điểm hiện tại, Triều Tiên không thể mong đợi Mỹ sẽ chủ động xúc tiến các cuộc đàm phán, chứ chưa nói đến việc giảm bớt các lệnh trừng phạt.

Bình luận trên tờ “Hankyoreh” của Hàn Quốc hôm 25/3, một chuyên gia kỳ cựu về vấn đề tái thống nhất, chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia, cho biết: “Quyết định của ông Kim khi tiến hành cuộc thử nghiệm hôm 24/3 phần lớn là do chính quyền ông Biden đã 'bỏ bê' Triều Tiên.

Mỹ có xu hướng giải quyết tình hình một cách thụ động thay vì chủ động dồn mọi nguồn lực ngoại giao để giải quyết bất đồng giữa hai bên.”

Thứ hai, điều thúc đẩy Triều Tiên tiến hành vụ thử hôm 24/3 là khả năng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ không thể đưa ra một phản ứng hiệu quả đối với hoạt động thử nghiệm trong lúc Mỹ đang có quan hệ đối địch với cả Trung Quốc và Nga trong cuộc cạnh tranh địa chiến lược và Washington lại đang đối đầu với Moskva do chiến dịch quân sự mà Nga phát động ở Ukraine.

Mối quan hệ căng thẳng giữa 3 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an sẽ khiến cơ quan này không thể nhanh chóng đưa ra được một nghị quyết nào để bổ sung đòn trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng.

Một cựu quan chức cấp cao của chính quyền Hàn Quốc giải thích: “Đối đầu giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga khiến Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về cơ bản không thể hoạt động hiệu quả và đây là tình huống mà ông Kim Jong-un đã không bỏ qua.”

Bà Sue Mi Terry - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lịch sử và chính sách công Hàn Quốc thuộc Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson của Mỹ - nhấn thêm rằng Moskva và Bắc Kinh sẽ không để Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt thêm trừng phạt đối với Bình Nhưỡng khi cả Nga và Trung Quốc đều đang “găng” với Washington về cuộc khủng hoảng Ukraine.

Nhân tố thứ ba thúc đẩy ông Kim Jong-un ra quyết định là nhà lãnh đạo này muốn khôi phục mối quan hệ ba bên với Nga và Trung Quốc. Ông Kim coi “tam giác chiến lược” giữa Mỹ-Trung-Nga trong đó bao gồm cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, đối đầu Mỹ-Nga và hợp tác Nga-Trung là cơ hội chiến lược để khôi phục hợp tác ba bên với Nga và Trung Quốc để có thể đạt được nhiều lợi thế hơn trong các hoạt động đối ngoại.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, mối quan hệ “tay ba” với Moskva và Bắc Kinh đã giúp hỗ trợ an ninh quốc gia và giúp vực dậy hoạt động kinh tế của Bình Nhưỡng. Ông Kim ra quyết định thực hiện cuộc thử nghiệm hôm 24/3 trong lúc ông Biden đang công du châu Âu nhằm thắt chặt vòng siết trừng phạt đối với Nga.

Nếu ông Biden buộc phải chuyển hướng dù chỉ một phần nguồn lực ngoại giao từ hai mặt trận đối đầu với Nga và Trung Quốc sang vấn đề Triều Tiên, vụ phóng thử đó sẽ mang lại tác dụng “đỡ đòn” phần nào cho Moskva và Bắc Kinh.

Bình Nhưỡng chỉ vượt qua “lằn ranh” một lần?

Theo giới chuyên gia, nhiều khả năng, Bình Nhưỡng sẽ tiến hành thêm những hành động gây hấn trong tương lai. Và điều đó có thể xảy ra vào tháng 4/2022.

Đây không chỉ là tháng kỷ niệm “Ngày Mặt trời” mà còn là tháng sẽ diễn ra những cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn và giai đoạn tiến tới quá trình chuyển giao quyền lực tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng sẽ để ngỏ các lựa chọn vì nước này đã không để ICBM bay vào không phận của Nhật Bản.

Nhận định trên tờ “Wall Street Journal,” ông Christopher Green - Cố vấn cấp cao về bán đảo Triều Tiên tại tổ chức phi chính phủ International Crisis Group - cho rằng mặc dù tên lửa hôm 24/3 “bay cao hơn và xa hơn” so với các tên lửa được thử nghiệm trước đó, song “chắc chắn không phải là loại tên lửa làm thay đổi cuộc chơi” vì tên lửa này đã không bay vào không phận Nhật Bản. “Đây là thực tế mà Triều Tiên hiểu rõ hơn ai hết” - ông Green nhấn mạnh.

Thực hư về tuyên bố ICBM Hwasong-17 của Triều Tiên

Các cơ quan tình báo Mỹ và Hàn Quốc đang phân tích để xác minh tuyên bố của Triều Tiên rằng nước này đã phóng thử nghiệm ICBM Hwasong-17 đồng thời cân nhắc một số khả năng.

Theo tờ “Washington Post”, một nhóm các nhà phân tích độc lập đã tiến hành phân tích chi tiết, sử dụng hình ảnh vệ tinh, dự báo thời tiết và dữ liệu hình ảnh mà truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa ra và đã đặt câu hỏi về những tuyên bố của Bình Nhưỡng.

Người đầu tiên phát hiện ra những sai lệnh giữa tuyên bố của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và những phân tích thực tế là ông Colin Zwirko - nhà phân tích cấp cao làm việc cho trang tin tức NK News chuyên theo dõi Triều Tiên và có trụ sở tại Seoul.

Ông cho biết: “Trong tình huống tốt nhất, những hoạt động thử nghiệm gần đây của Triều Tiên có mục đích đánh lạc hướng và trong tình huống tồi tệ nhất thì có thể là những hoạt động giả tạo cho một vụ thử nghiệm thành công tên lửa ICBM Hwasong-17.”

Một quan chức Hàn Quốc giấu tên tiết lộ với tờ “Washington Post” rằng sau khi đánh giá chi tiết của vụ thử gần đây nhất của Triều Tiên, giới chức Hàn Quốc tin rằng loại tên lửa mà Bình Nhưỡng phóng thử có thể không phải là Hwasong-17.

Một quan chức Mỹ giấu tên am hiểu vấn đề cho biết tên lửa mà Bình Nhưỡng thử nghiệm gần đây dường như là một phiên bản sửa đổi của tên lửa Hwasong-15 - một mô hình cũ hơn song nhẹ hơn Hwasong-17 và cũng là ICBM cuối cùng mà Triều Tiên thử nghiệm hồi năm 2017.

Mô hình sửa đổi này có thể bay cao hơn và xa hơn so với phiên bản Hwasong-15. Mặc dù vậy, quan chức Mỹ này thừa nhận rằng vụ thử nghiệm cho thấy Bình Nhưỡng đã đạt được bước tiến to lớn trong cải thiện năng lực ICBM./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục