Ninh Bình: Người dân lo vì hoạt động khai thác đá gây mất an toàn

Trong khi chính quyền và doanh nghiệp loay hoay tìm phương án vận hành, khai thác mỏ an toàn nhất thì hằng ngày người dân thôn Đức Long, tỉnh Ninh Bình vẫn phải đối mặt hiểm nguy khi đi ngang mỏ đá.
Ninh Bình: Người dân lo vì hoạt động khai thác đá gây mất an toàn ảnh 1Học sinh phải đi học qua con đường độc đạo cạnh mỏ đá đối mặt với hiểm nguy. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Lâu nay, hoạt động khai thác đá, vận chuyển vật liệu xây dựng tại xã Đức Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân.

Ngoài ra, người dân thôn Cao Thắng, xã Đức Long, còn nỗi lo bị tai nạn khi hằng ngày phải ra vào thôn trên con đường độc đạo qua một mỏ đá với nguy cơ đá có thể rơi bất cứ lúc nào.

Có mặt tại thôn Cao Thắng đúng thời điểm học sinh đi học về mới thấy được mối nguy hiểm thường trực tại con đường này. Con đường dẫn vào thôn men theo một mỏ đá của Công ty An Thành Long, phía dưới là đường đi, phía trên là những tảng đá lởm chởm, nhiều tảng đá nứt toác, trơ ra sau những lần nổ mìn phá đá.

Ruộng lúa ngay sát đường đi lởm chởm đá từ nhỏ đến to, có những tảng đá to bằng chiếc xe cải tiến. Dù biết là rất nguy hiểm nhưng hàng ngày, các gia đình có con em đi học hay bản thân họ phải đi qua đây cũng không còn biết đi lối nào khác, bởi đây là con đường duy nhất kết nối thôn Cao Thắng với bên ngoài.

Chưa kể đến, mỗi khi có nổ mìn phá đá, mặt đất gần đó rung lên bần bật, nhiều tảng đá rơi xuống rầm rầm, không ít lần đá củ đậu bay xa hàng chục mét.

[Quảng Ninh: Một công nhân bị vùi lấp khi nổ mìn khai thác đá]

Bức xúc vì hoạt động của mỏ đá nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Ly, thôn Cao Thắng cho biết: "Mỗi lần họ khai thác, nổ mìn, đá rơi vương vãi ra đường khiến chúng tôi khi đi qua rất sợ hãi. Mỗi lần họ nổ mìn, đang ngồi trong nhà nhiều lúc thấy có khi rung giật mình, có nhà còn bị nứt.

Toàn bộ học sinh ở trong thôn đều phải đi học qua con đường này, nếu đi bằng xe đạp thì rất nguy hiểm, bụi bẩn, khó đi nên ở thôn có thuê xe đưa đón học sinh.

Ninh Bình: Người dân lo vì hoạt động khai thác đá gây mất an toàn ảnh 2Một hộ dân sống gần với mỏ đá hàng ngày rung chuyển bởi tiếng nổ mìn phá đá. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Gia đình chị có hai cháu đang học trường mầm non và tiểu học, mỗi tháng phải đóng 300.000 đồng mỗi cháu để thuê xe cùng các học sinh khác trong thôn. Bản thân chị mỗi ngày phải đi qua con đường này vài lượt cũng hết sức lo lắng về việc đá có thể rơi từ trên núi xuống bất cứ lúc nào."

Cùng chung tâm trạng với chị Ly, ông Nguyễn Văn Khiển, nhà ở gần chân núi nhất cũng cho biết: "Nhiều khi họ nổ mìn phá đá, đá bay vượt cả qua hai nhà chúng tôi ở đây. Bà con rất lo lắng, quan trọng nhất là học sinh, là lứa tuổi dễ bị tổn thương nhất khi tai nạn xảy ra.

Trường hợp đá tự rơi xuống thì không biết các cháu có tránh được không. Nhiều lần chúng tôi vào trực tiếp phản ánh với Công ty An Thành Long nên giờ cũng hạn chế được một chút, còn tới đây không biết thế nào."

Từ trong thôn, vượt qua đoạn đường men theo mỏ đá của Công ty An Thành Long, người dân sẽ đi trên con đường nối ra trục đường 477.

Tuy nhiên, trên con đường này luôn tiềm ẩn tai nạn giao thông do các phương tiện chở vật liệu xây dựng của mỏ đá Quang Minh và Hùng Vương lưu thông. Con đường này được trải bê tông cách đây không lâu nhưng cũng đã xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi, bụi mù mịt vào ngày nắng, ngày mưa thì bùn đất rất bẩn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Quách Văn Tuyển, Bí thư Đảng ủy xã Đức Long cho biết thôn Cao Thắng có trên 200 hộ với gần 1.200 dân, trong khi đó thôn chỉ có một con đường độc đạo kết nối với bên ngoài.

Xã cũng đã nhận được ý kiến của người dân phản ánh về việc Công ty An Thành Long nổ mìn khai thác đá tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Hằng năm, Đảng ủy đều chỉ đạo Ủy ban Nhân dân xã tổ chức từ một đến hai cuộc họp với các doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn, để nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định trong ký kết về lượng mìn nổ, tải trọng xe...

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền người dân, đặc biệt là 3 trường học trên địa bàn tuyên truyền học sinh đi đúng đường, không dàn ngang...

Ông Tuyển cũng cho biết, hiện trên địa bàn có 4 mỏ đá đang được khai thác, trong đó mỏ đá của Công ty An Thành Long gần với khu dân cư nhất.

Về việc Công ty An Thành Long nổ mìn khai thác đá ảnh hưởng đến ruộng sản xuất của người dân, theo ông Tuyển, công ty này đã có thỏa thuận đền bù thỏa đáng cho người dân.

Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân xã cũng tính đến việc xin chủ trương làm một con đường riêng cho các mỏ đá hoạt động, không đi vào đường của nhân dân. Tuy nhiên, việc này cần có thời gian lâu dài và sự chung tay vào cuộc tích cực từ phía các doanh nghiệp khai thác đá, bởi nguồn kinh phí tương đối lớn.

Trong khi chính quyền và các doanh nghiệp đang loay hoay tìm phương án vận hành, khai thác mỏ an toàn nhất thì hàng ngày, hàng giờ người dân thôn Đức Long vẫn phải đối mặt với hiểm nguy mỗi khi đi ngang qua mỏ đá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục