Ninh Thuận đẩy nhanh thi công các dự án thuộc lĩnh vực đột phá

UBND tỉnh Ninh Thuận đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án lớn trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghiệp, xây dựng-phát triển đô thị, du lịch.
Ninh Thuận đẩy nhanh thi công các dự án thuộc lĩnh vực đột phá ảnh 1Dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn san lấp mặt bằng tháng 7/2022. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Để đẩy nhanh thi công các dự án đầu tư thuộc các thành phần kinh tế, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư triển khai dự án, nhất là các lĩnh vực đột phá, trụ cột về năng lượng tái tạo, du lịch chất lượng cao, kinh doanh bất động sản, nông nghiệp công nghệ cao...

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận cho biết, tính đến cuối năm 2022, tỉnh đã điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư cho 34 dự án với tổng vốn tăng thêm trên 25.238 tỷ đồng; quyết định chủ trương đầu tư và chấp thuận địa điểm cho 15 dự án, với tổng vốn 13.690 tỷ đồng; trong đó, quyết định chủ trương đầu tư kèm nhà đầu tư cho 4 dự án, với tổng vốn 1.967 tỷ đồng; quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư (để làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư) cho 4 dự án, với nguồn vốn trên 5.000 tỷ đồng; chấp thuận chủ trương về địa điểm cho 7 dự án, với tổng vốn 6.680 tỷ đồng.

Trong số những dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2022 có những dự án quy mô lớn, tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh trong những năm tới như dự án khu đô thị mới bờ sông Dinh, với vốn đầu tư trên 1.710 tỷ đồng; dự án trại sản xuất tôm giống Hạo Phương Đại Ninh, với tổng vốn đầu tư 238 tỷ đồng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong năm 2022, tại Ninh Thuận đã đầu tư thực hiện 1 dự án điện gió (điện gió Công Hải) với công suất 25MW và 2 nhà máy điện Mặt Trời (nhà máy điện Mặt Trời Phước Thái 2-80MW, nhà máy điện Mặt Trời Phước Thái 3-40MW) với công suất 120MW sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, 2 dự án thủy điện với công suất 94MW cũng sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2022 này.

Về lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, trong năm 2022, tỉnh Ninh Thuận cũng thực hiện hoàn thành Cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1 có trọng tải đến 100.000 DWT.

Đối với khu đô thị, một số dự án xây dựng thuộc Khu đô thị K1, K2, các nhà đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ, đến nay đã hoàn thành dự án nhà ở xã hội với 848 căn hộ; đồng thời đang thực hiện thủ tục đầu tư 5 khu đô thị với tổng vốn 11.322 tỷ đồng.

Riêng với lĩnh vực du lịch, trong năm 2022, Ninh Thuận cũng triển khai một số dự án du lịch có quy mô lớn như dự án Sunbay Park Hotel & Resort gồm 3 tòa tháp 143 tầng tổng vốn đầu tư 4.779 tỷ đồng; dự án khu du lịch Bình Tiên, với tổng vốn đầu tư 2.579 tỷ đồng đã hoàn thành xây dựng sân golf 18 lỗ, 48 căn biệt thự, hạ tầng trong khu gồm dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Bãi Hõm, với vốn đầu tư 200 tỷ đồng... hiện nhà đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Ninh Thuận đẩy nhanh thi công các dự án thuộc lĩnh vực đột phá ảnh 2Khu vực xây dựng sân Golf thuộc dự án khu du lịch Bình Tiên tại huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, đối với các dự án thành phần kinh tế, một số dự án tuy có triển khai nhưng quá chậm tiến độ, nhất là dự án năng lượng, đô thị, du lịch.

Riêng với năng lượng tái tạo, do vấn đề Quy hoạch điện VIII và chính sách giá điện chậm ban hành dẫn đến tình trạng nhiều dự án gặp phải những khó khăn, làm ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh.

Bên cạnh đó, nhiều dự án về phát triển đô thị như khu đô thị mới Đầm Cà Ná, quy mô 64,46ha, tổng vốn 4.490 tỷ đồng; khu đô thị mới bờ Sông Dinh quy mô 37,79ha, tổng vốn 1.421 tỷ đồng; khu đô thị mới Bắc Sông Ông, quy mô 19,39ha, tổng vốn 1.600 tỷ đồng; khu đô thị Mỹ Phước, quy mô 10,25ha, tổng vốn 700 tỷ đồng; khu đô thị mới Khánh Hải quy mô 24,48ha, tổng vốn 3.111 tỷ đồng... cũng đang gặp phải vướng mắc về giải phóng mặt bằng.

[Ninh Hải - điểm đến du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng hấp dẫn]

Ngoài ra, nhiều dự án về du lịch như dự án khu du lịch khách sạn và giải trí phức hợp Khánh Hải; dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Đỏ; khu Resort nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn quốc tế 5 sao; dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Aminia-Ninh Chữ; dự án khu du lịch Mũi Dinh Ecopark… đều là những dự án du lịch lớn, quan trọng, kỳ vọng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh nhưng lại đang vướng phải vấn đề điều chỉnh quy hoạch chi tiết, giá nhân công, giá một số vật liệu xây dựng tăng mạnh... dẫn đến tiến độ triển khai chậm trễ.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam, nguyên nhân dẫn đến một số dự án triển khai còn chậm chủ yếu là do thời gian hoàn thành thủ tục liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm.

Việc phối hợp của các ngành, các địa phương có trường hợp chưa chặt chẽ và thường xuyên trong việc theo dõi, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất.

Một số trường hợp nhà đầu tư thiếu quyết tâm, năng lực thực hiện dự án hạn chế, thi công dở dang, kéo dài, làm chậm tiến độ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả trong quá trình xử lý, giải quyết công việc liên quan đến các dự án trên địa bàn.

Việc giải quyết các vấn đề liên quan đến các dự án phải trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng, chặt chẽ, thấu tình, đạt lý.

Thời gian tới, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ; chỉ đạo rà soát các dự án vi phạm tiến độ sử dụng đất, tiến độ đầu tư chậm để hoàn thiện thủ tục pháp lý xử lý dự án theo quy định pháp luật, không để các dự án vi phạm tiến độ kéo dài.

Mặt khác tăng cường kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh, lập lại kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư.

Trong năm 2022, việc huy động vốn đầu tư của các thành phần kinh tế của Ninh Thuận giảm mạnh.

Dự kiến tổng vốn huy động cả năm chỉ đạt 25.750 tỷ đồng, giảm 19,6% so với cùng kỳ, tương đương 7.350 tỷ đồng; trong đó, năng lượng tái tạo là thế mạnh của tỉnh nhưng lại gặp khó khăn, không có dự án mới triển khai, tổng vốn huy động giảm mạnh hơn 13.000 tỷ đồng (năm 2022 chỉ triển khai 3 dự án chuyển tiếp của năm 2021 với giá trị thực hiện 157 tỷ đồng, trong khi đó 9 tháng của năm 2021 thực hiện 13 dự án với giá trị thực hiện 13.743 tỷ đồng).

Ngoài ra, các dự án khác như khu đô thị mới; du lịch... có tiến độ triển khai chậm, làm ảnh hưởng lớn đến nguồn vốn huy động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục