Hơn một tháng nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận không có mưa bổ sung nước vào các hồ, đập dâng, nên nguy cơ thiếu nước tưới vụ Đông Xuân là rất lớn.
Do đó, tỉnh Ninh Thuận buộc phải giảm diện tích gieo cấy xuống còn 21.500ha; trong đó chỉ gieo cấy 13.500ha lúa, đồng thời chuyển sang trồng rau màu với diện tích 8.000ha nhằm tiết kiệm nước tưới phục vụ trà lúa Đông Xuân sớm và nước uống cho gia súc.
Theo Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi, đơn vị quản lý 20 hồ chứa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, mặc dù hiện nay tổng lượng nước tại 20 hồ chứa có hơn 77 triệu m3, nhưng thực tế chỉ có bốn hồ chứa có lượng nước từ 8 đến hơn 20 triệu m3. Còn lại 16 hồ chứa có lượng nước chỉ từ dưới 1 đến 3 triệu m3 nước. Do đó đã gây nhiều khó khăn cho sản xuất vụ Đông Xuân, nhất là các địa phương vùng hạn trước đây như huyện Thuận Nam, Ninh Hải và Thuận Bắc.
Ông Nguyễn Tin, Trưởng Phòng Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), cho biết theo khảo sát hiện nay, lượng nước ở hồ Đơn Dương xấp xỉ bằng dung tích thiết kế (164,16/165 triệu m3). Vì vậy trong số 13.500ha lúa cho gieo cấy vụ Đông Xuân thì ngành nông nghiệp chỉ cho các địa phương được hưởng lợi nguồn nước xả từ hồ Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) qua nhà máy thủy điện Đa Nhim để gieo cấy.
Trước tình hình thiếu nước tưới và hạn hán có thể lại xảy ra, việc chuyển đất trồng lúa sang cây trồng cạn là rất phù hợp và cần thiết. Nếu như các địa phương quyết tâm thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì diện tích cây trồng cạn có thể tăng từ 8.000 ha lên 12.000 ha, qua đó tiết kiệm lượng nước tưới phục vụ nước uống cho gia súc.
Tại vùng tâm hạn huyện Thuận Nam, do lượng nước tại hai hồ Tân Giang và Sông Biêu chỉ còn khoảng 13 triệu m3/37,17 triệu m3 dung tích thiết kế nên chính quyền địa phương đã tăng cường công tác quản lý, khuyến cáo các địa phương vùng đầu nguồn đã sản xuất, thu hoạch lúa vụ Hè Thu và vụ Mùa ngưng sản xuất vụ Đông Xuân, chuyển sang trồng cây màu, để tích nước phục vụ tưới cho trà lúa Đông Xuân sớm khoảng hơn một tháng tuổi ở các địa phương vùng hạ lưu mà hai ba vụ trước đó không sản xuất được, phải bỏ đất hoang./.