Cùng với 27 tỉnh, thành ven biển của cả nước, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ nhằm ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài và các hành vi khai thác bất hợp pháp khác, hướng đến mục tiêu gỡ "thẻ vàng" IUU của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam.
Kiểm tra hồ sơ tàu cá, nhật ký khai thác, hành trình chuyến biển tại văn phòng các cảng cá chính là cách để ngăn chặn khai thác bất hợp pháp IUU. Đây là công việc bắt buộc đối với mỗi chủ tàu cá ở tỉnh Ninh Thuận phải thực hiện trước và sau mỗi chuyến biển. Sổ nhật ký khai thác được ghi chép cẩn thận, chính xác từng loài cá với sản lượng được khai thác ở vùng biển cụ thể được ngư dân khai báo rõ ràng.
Ngư dân Nguyễn Văn Phong (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam), chủ tàu cá NT 90409 TS hành nghề câu khơi, cho biết bình quân mỗi tháng tàu đi biển hai chuyến khai thác tại khu vực đảo Đá Lát, thuộc quần đảo Trường Sa.
“Chúng tôi thực hiện nghiêm túc việc ghi, nộp sổ khai thác hải sản sản đầy đủ cho ngành chức năng kiểm tra; tuyệt đối không vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài, không ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình," ông Phong nói.
Mỗi chuyến biển, ngư dân không chỉ kỳ vọng khai thác được nhiều loại cá, tôm mà còn phải luôn đảm bảo an toàn.
Ông Trần Văn Thái (xã Tri Hải, huyện Ninh Hải) chủ tàu cá NT 01224 TS, cho hay: “Những năm qua, tàu cá gia đình chỉ khai thác ở vùng biển của Việt Nam không đi qua vùng biển nước ngoài. Ngoài ra, khi khai thác vùng biển Trường Sa, chúng tôi đi theo tổ đội khoảng 10 tàu, nếu xảy ra sự cố máy móc hay gặp vấn đề gì thì các tàu kịp thời hỗ trợ nhau."
Ông Trần Thái Anh Tuấn, Trưởng cảng Ninh Chữ, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải), cho biết theo quy trình kiểm tra trước khi tàu thuyền cập cảng một giờ, chủ phương tiện, thuyền trưởng thông báo lực lượng trực tại cảng nắm rõ thời gian, sau khi tàu thuyền vào cập cảng, chủ phương tiện trình nhật ký và sổ tàu thuyền để đơn vị kiểm tra và phối hợp với Chi cục Thủy sản xác nhận thông tin tàu thuyền cập cảng cùng sản lượng hàng hóa. Qua kiểm tra, đa số các chủ phương tiện, bà con ngư dân đều thực hiện tốt các quy định phòng, chống khai thác IUU.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có 2.308 tàu cá từ 6 mét trở lên, trong đó có 862 tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên đủ điều kiện tham gia khai thác xa bờ.
Đến nay, 100% số tàu hoạt động vùng khơi của tỉnh đều đã được cấp giấy phép khai thác hải sản; tỷ lệ tàu cá đã được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đạt 99,6%; tỷ lệ tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 99,7%; trong đó 100% tàu cá từ 24 mét trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình.
Đến thời điểm hiện tại, Ninh Thuận là địa phương không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và cũng chưa có lô hàng thủy sản nào bị yêu cầu chứng nhận về nguồn gốc nguyên liệu.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng thông tin Ủy ban Nhân dân tỉnh mới ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn với 5 nhóm nhiệm vụ và 3 nhóm giải pháp thực hiện nhằm đảm bảo hoạt động khai thác thủy sản tuân thủ đúng quy định của pháp luật, góp phần vào công tác khắc phục “thẻ vàng” đối với thủy sản của EC.
Cụ thể, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các xã, phường, thị trấn ven biển đổi mới, linh động các hoạt động tuyên truyền vận động nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật cho chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân, chủ cơ sở dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản; đồng thời, nắm chắc địa bàn, tuyên truyền đến từng hộ gia đình tại địa phương, ngăn chặn từ trong suy nghĩ đối với các chủ tàu có ý định đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; lập danh sách, nắm rõ vị trí, địa điểm neo đậu của từng tàu chưa lắp giám sát hành trình tàu cá để theo dõi.
Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản tiếp tục hướng dẫn chủ tàu cá thực hiện các thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác kịp thời, đúng quy định, cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở Dữ liệu Nghề cá Quốc gia (VNFishbase).
Đơn vị chức năng tổ chức trực hệ thống giám sát tàu cá 24/24, kiểm soát chặt chẽ tàu cá tham gia khai thác thủy sản trên biển, kịp thời phát hiện tàu cá không duy trì hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển, tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển để kịp thời cảnh báo và thông báo đến cơ quan các cấp xử lý.
Cùng với đó, các đơn vị thực thi nhiệm vụ chống khai thác IUU tiếp tục tăng cường tổ chức giám sát sản lượng thủy sản khai thác được của các tàu cá trong và ngoài tỉnh bốc dỡ thủy sản tại các cảng cá chỉ định của tỉnh; đảm bảo kiểm soát 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên cập cảng chỉ định để bốc dỡ sản phẩm thủy sản; thực hiện ghi nộp, kiểm tra nhật ký khai thác, nhật ký thu mua-chuyển tải theo đúng quy định.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tăng cường các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU, kiên quyết không cho tàu cá rời cảng khi chưa đảm bảo các điều kiện theo quy định.
Lực lượng thực thi pháp luật tổ chức điều tra, xử lý các trường hợp tàu cá gửi thiết bị giám sát hành trình (VMS); tàu cá tiếp tay, vận chuyển thiết bị VMS của tàu cá khác; điều tra, truy tố, xử lý hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các cấp cơ sở có trách nhiệm hơn nữa, sâu sát hơn nữa, tập trung triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp để chống khai thác IUU đảm bảo được nguyên tắc “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm”; đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình thực hiện hành vi vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định làm ảnh hưởng đến hình ảnh của địa phương và lợi ích quốc gia./.
Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Rà soát, xác định rõ tình trạng tàu cá mất kết nối
Các tỉnh, thành phố xác minh thông tin để xử lý nghiêm minh, triệt để theo quy định của pháp luật các tàu cá vi phạm quy định về VMS, đặc biệt đối với tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên.