Ninh Thuận: Tính toán, sử dụng tốt nhất hiệu quả nguồn nước

Theo Giám đốc Sở NN-PT&NT Ninh Thuận, hệ thống thủy lợi của tỉnh tập trung đầu tư đồng bộ và phát triển theo hướng đa mục tiêu phục vụ nông nghiệp, thủy sản, sản xuất muối, , công nghiệp, du lịch...
Ninh Thuận: Tính toán, sử dụng tốt nhất hiệu quả nguồn nước ảnh 1Những ruộng lúa, rẫy ngô xanh tốt tại xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận được tiếp nước từ hệ thống đập Nha Trinh. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Ninh Thuận là tỉnh thường xuyên chịu tác động của hạn hán, hoang mạc hóa do đó để giải quyết tình trạng này, về lâu dài, cần phải thực hiện đồng thời nhiều biện pháp; trong đó, chú trọng quản lý, đầu tư xây dựng hệ thống công trình thủy lợi nhằm tăng nguồn thu nước phục vụ sản xuất, dân sinh và môi trường.

Đây cũng chính là giải pháp quan trọng nhất đang được địa phương đẩy mạnh triển khai.

Hiện thực giấc mơ về nguồn nước

Ninh Thuận được biết đến như tiểu vùng sa mạc của cả nước, nắng to, gió lớn, đất khô cằn... khiến vùng đất này nghèo khó suốt thời gian dài. Để giải bài toán an ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, ngay từ khi tái lập tỉnh năm 1992, Ninh Thuận đã khẩn trương nghiên cứu giải pháp tìm kiếm, tiết kiệm và tích trữ nguồn nước. Đầu tư hạ tầng thủy lợi trở thành chủ trương ưu tiên xuyên suốt qua các giai đoạn phát triển của tỉnh.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết hệ thống thủy lợi của tỉnh được tập trung đầu tư đồng bộ và phát triển theo hướng đa mục tiêu phục vụ nông nghiệp, thủy sản, sản xuất muối, công nghiệp, du lịch và bảo vệ môi trường.

Năm 1992, toàn bộ nước sinh hoạt và sản xuất trong tỉnh chủ yếu dựa vào nguồn nước thủy điện Đa Nhim với dung tích khoảng 165 triệu m3, đến nay nhiều công trình tưới tiêu quy mô vừa và lớn được đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng với 22 hồ chứa, tổng dung tích hơn 414 triệu m3.

Một trong những công trình thủy lợi đóng vai trò đặc biệt quan trọng đó là hệ thống thủy lợi Tân Mỹ có tổng vốn đầu tư 5.951 tỷ đồng, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm chủ đầu tư hoàn thành cuối năm 2021 đã góp phần “giải khát” cho Ninh Thuận.

Đây là hệ thống thủy lợi hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Công trình gồm cụm hồ Sông Cái có dung tích 219 triệu m3 (dung tích lớn hơn 21 hồ chứa hiện có) đảm bảo nguồn nước tưới trực tiếp cho 7.480 đất canh tác nông nghiệp, trong đó vùng miền núi hơn 1.600ha, cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu khu vực phía Bắc Ninh Thuận.

[Ninh Thuận: Giống nho NH04-102 tạo thế cạnh tranh với hàng nhập khẩu] 

Đồng thời, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ tiếp nước hệ thống thủy nông Nha Trinh-Lâm Cấm, các hồ Cho Mo, Thành Sơn, Bà Râu, Sông Trâu, Ông Kinh. Đồng thời, tạo nguồn cho thủy điện tích năng Bác Ái và hai nhà máy thủy điện; tạo nguồn tiếp nước cho vùng Nam Cam Ranh (Khánh Hòa) và giúp giảm nhẹ lũ hạ du. Từ đó, góp phần đảm bảo tốt hơn nguồn nước sinh hoạt, sản xuất và cải thiện mực nước ngầm phục vụ dân sinh.

Theo ông Cương, những năm qua tỉnh tăng cường huy động nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng thủy lợi, hệ thống kênh đầu mối, kênh cấp II và hàng chục nghìn kilomet mương cấp III, kênh mương nội đồng đáp ứng các mục tiêu: tăng nhanh năng lực tưới góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cải tạo môi trường tự nhiên và xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm nhẹ thiên tai; giúp nhân dân trong vùng dự án có điều kiện khai thác hết diện tích đất có khả năng sản xuất nông nghiệp từ 2-3 vụ/năm, đảm bảo dung tích trữ nước đáp ứng nhu cầu kinh tế-xã hội.

Đến nay, những “dòng xanh” của các công trình thủy lợi đã làm hồi sinh nhiều vùng đất khô cằn sỏi đá. Nước đến đâu, màu xanh đến đó, nước về giúp người dân mạnh dạn khai hoang, phục hóa, mở rộng sản xuất. Nói về hiệu quả của thủy lợi, ông Nguyễn Trọng Thức (xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn) phấn khởi cho biết, gia đình canh tác 5 sào ngô, lúa, những năm trước hạn hán không đủ nước tưới phải luân canh trồng đậu xanh, có vụ bỏ hoang đất. Hiện nay, nhờ có nguồn nước dồi dào từ hệ thống kênh Tân Mỹ đưa về tận đồng ruộng, đảm bảo tưới tiêu giúp năng suất cây trồng tăng cao, thu nhập của người dân nhờ vậy cũng nâng lên đáng kể.

Cùng đó, Ninh Thuận còn tập trung đầu tư nhiều công trình thủy lợi nhỏ vùng khó khăn về nguồn nước, nhờ đó tỷ lệ diện tích gieo trồng được tưới chủ động tăng nhanh, từ 41,7% năm 2010 (15.500 ha) lên hơn 60% năm 2021 (72.500 ha).

Đặc biệt, nhờ có thủy lợi, hàng ngàn ha đất hoang hóa đang được cải tạo trở thành những vùng sản xuất tập trung sản phẩm đặc thù như nho, táo, hành, tỏi, măng tây, nha đam, dưa lưới, phục vụ chăn nuôi bò, dê, cừu, hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; góp phần nâng cao giá trị kinh tế sản xuất nông nghiệp.

Hướng đến phát triển bền vững

Thời gian qua, bằng việc lồng ghép các nguồn vốn, chương trình hỗ trợ, Ninh Thuận đầu tư xây dựng mới, nâng cấp nhiều công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng, chống hạn, mặn với nguồn vốn hàng trăm tỷ đồng.

Đến nay, toàn tỉnh có 102 công trình thủy lợi cấp nước; trong đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận quản lý, khai thác vận hành 53 công trình thủy lợi gồm: 21 hồ chứa với tổng dung tích thiết kế là 194,49 triệu m3 với 28 trạm bơm vừa và nhỏ cùng 4 hệ thống đập dâng và 1.008km chiều dài kênh mương, mỗi năm phục vụ tưới cho khoảng 73.000ha đất sản xuất nông nghiệp và cung cấp khoảng 22,2 triệu m3 nước cho sinh hoạt, dịch vụ và các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ninh Thuận: Tính toán, sử dụng tốt nhất hiệu quả nguồn nước ảnh 2Dự án Hồ chứa nước Sông Than (xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn) là công trình trọng điểm của tỉnh Ninh Thuận với quy mô dung tích chứa 85,04 triệu m3 nước với tổng mức đầu tư 1.040 tỷ đồng dự kiến hoàn thành trong năm 2022. (Ảnh: TTXVN phát)

Ông Nguyễn Công Xưng, Chủ tịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận cho biết hàng năm công ty bố trí nguồn vốn để duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi và phục vụ công tác điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong năm 2022, nguồn nước tại các công trình thủy lợi do công ty quản lý đảm bảo cấp đủ cho diện tích sản xuất theo kế hoạch với tổng diện tích khoảng 73.992ha.

Thời gian tới, cùng với tăng cường điều tiết nước từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ cho khu vực phía Bắc, dự án hồ chứa nước Sông Than hoàn thành, thêm công trình kết nối liên thông nước từ hồ Sông Than về hồ Lanh Ra, Tà Ranh, Bầu Zôn và công trình kết nối liên thông chuyển nước từ hồ Tân Giang đến hồ Sông Biêu… sẽ cơ bản giải quyết tình trạng thiếu nước khu vực phía Nam của tỉnh.

Cùng đó, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo một số hệ thống thủy lợi hiện có dự kiến sẽ tăng khả năng phục vụ cấp nước lên đến 70-75%, phấn đấu đến năm 2030 đảm bảo lượng nước cấp của công trình thủy lợi cho các ngành kinh tế toàn tỉnh là 1.427,77 triệu m3 nước.

Trong chuyến kiểm tra dự án công trình hồ chứa nước Sông Cái, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ vào ngày 16/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý, Ninh Thuận cần tập trung làm tốt khâu dự báo nhu cầu sử dụng nước, đầu tư đồng bộ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu tưới tiêu, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Đối với hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, Thủ tướng đề nghị Ninh Thuận nghiên cứu sử dụng hiệu quả hơn nữa lòng hồ, mặt hồ cũng như khả năng phát triển điện mặt trời trong khu vực hồ trên cơ sở tính toán khoảng cách từ hồ tới đường dây tải điện quốc gia; phát triển du lịch, nuôi trồng thủy sản theo hướng bảo đảm môi trường. Địa phương cần tính toán, lựa chọn cây trồng, vật nuôi theo hướng sử dụng tốt nhất, hiệu quả nhất nguồn nước.

Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, đến nay Ninh Thuận đã có hệ thống hồ, đập, kênh mương bao phủ, rộng khắp các vùng, miền, cung cấp nước theo hướng đa mục tiêu, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách bền vững, tạo điều kiện tái cơ cấu phát triển sản xuất, ứng phó với biến đổi khí hậu, lũ đột biến, triều cường, xâm nhập mặn.

Ninh Thuận sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư, nâng cấp công trình thủy lợi. Các đơn vị và địa phương đẩy mạnh quản lý an toàn các công trình; đầu tư thiết bị, công nghệ nâng cao năng lực dự báo nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, lũ, ngập lụt, chuyên dùng phục vụ quản lý; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chỉ đạo, điều hành, vận hành hệ thống công trình thủy lợi.

Hệ thống tưới được hoàn chỉnh theo hướng hiện đại cả về các cơ sở hạ tầng và tổ chức quản lý; đặc biệt ưu tiên chú trọng đầu tư vào các hệ thống tưới hiện có để vừa tiết kiệm được kinh phí, vừa mang lại hiệu quả cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục