No ấm bản làng người Hà Nhì nơi cực Tây Tổ quốc

Nhiều năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, bà con Hà Nhì ở Sín Thầu,  Mường Nhé, tỉnh Điện Biên dần đổi thay, no ấm hơn.
Xã vùng cao, biên giới Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, là mảnh đất cực Tây Tổ quốc. Hơn 40 năm trước, người Hà Nhì đã đặt chân đến mảnh đất này, ngược xuôi những con suối để tìm đất khai khẩn, định cư.

[Ngược đường lên huyện biên cương Mường Nhé]

Từ hai bản đầu tiên được “khai hạ” là Tả Ko Khừ và A Pa Chải, đến nay xã Sín Thầu đã có 6 bản với trên 240 hộ, hơn 1.200 nhân khẩu. Nhiều năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, bà con dân tộc Hà Nhì ở Sín Thầu dần đổi thay, no ấm hơn.

Đổi thay trên những bản làng

Bản Tá Miếu là hình ảnh hơn 30 nếp nhà của đồng bào Hà Nhì quần tụ bên nhau đầm ấm. Con đường nhựa nối liền trung tâm xã Sín Thầu, thẳng hướng lối mở A Pa Chải qua Tá Miếu như minh chứng: đường giao thông ở mảnh đất cực Tây đã chạm đến từng ngõ bản.

Tuy diện tích nương khai hoang trồng lúa hiện nay của cả bản Tá Miếu chỉ khoảng gần 30ha, nhưng người dân Tá Miếu đã biết tận dụng thế mạnh trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế vững vàng hơn. Nơi đây người dân thi nhau làm vườn, trồng rau xanh, vây hàng rào gỗ, lưới thép B40 vững chắc để chăn nuôi gia súc như lợn, trâu, bò, dê và gia cầm theo hướng bầy, đàn để bán, tăng thu nhập kinh tế gia đình.

Theo các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng A Pa Chải: Bản Tá Miếu được thành lập năm 2002, khi đó 24 hộ đã tách bản A Pa Chải theo vận động của chính quyền rồi ngược ngàn, tìm về vùng thảo nguyên để khai khẩn, lập bản, giờ đây Tá Miếu đã có 31 hộ, 162 nhân khẩu .

Bức tranh kinh tế ở Tá Miếu hôm nay so với 10 năm về trước là một “kỳ tích:” Hơn 1/3 số hộ đã có máy xay xát, gần 100% số hộ mua sắm tivi. Điều đặc biệt, không chờ đến khi có điện lưới quốc gia về bản, người Hà Nhì ở Tá Miếu đã “thu phục” dòng chảy suối Mo Pí, đặt máy phát điện chạy nhờ sức nước để tạo nên nguồn điện năng phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Người Hà Nhì ở Tá Miếu đã thật sự làm chủ đất đai, thiên nhiên trong công cuộc vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Bản Pờ Nhù Khồ cũng thuộc diện “sinh sau đẻ muộn” như bản Tá Miếu, nhưng đến nay hơn 40 hộ dân của bản đã có cuộc sống ổn định, từng bước vươn lên. Trưởng bản Pờ Nhù Khồ Khoàng Á Phèn cho biết: "Cuộc sống của bà con dân bản tôi đã khá hơn rồi, không còn lo đói nữa đâu. Nhiều nhà đã có tivi, xe máy, nuôi được nhiều trâu bò, khai hoang được nhiều ruộng trồng lúa nước, có ao thả cá nữa nên kinh tế gia đình mỗi hộ cũng khấm khá hơn. Đời sống nhân dân đổi thay, trình độ dân trí nâng lên thì những hủ tục tồn tại trong nhiều năm trước của người dân Hà Nhì đã dần bị loại bỏ, như hủ tục về ma chay cưới xin, không nhờ thầy cúng, thầy mo “chữa bệnh” hay “làm lý” khi ốm đau; không du canh, du cư, không theo đạo lạ nữa."

Nhà trưởng bản Khoàng Á Phèn nằm trên con dốc giữa bản, cuộc sống ấm no đã hiện diện trong khuôn viên gia đình ông: Căn nhà gỗ rộng, khang trang, có nhà bếp, khu vệ sinh riêng biệt, trong nhà có tivi, loa đài, nhiều tờ giấy khen của các con, cháu theo học các cấp treo kín trên bức vách gỗ; ảnh Bác Hồ được treo trang trọng trong nhà, chỗ tiếp khách. Ngoài nhà, xe máy dựng trước hiên, loa phóng thanh treo cao đầu hồi; cờ Tổ quốc tung bay trong nắng sớm.

Ông Pờ Dần Sinh, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu cho biết từ khi có đường ôtô lên đến tận ngã ba biên giới đã xóa đi cái cảnh người dân phải đi bộ, vận chuyển hàng hóa, nông sản bằng ngựa thồ. Cuộc sống của người dân Sín Thầu hôm nay không còn tự cung tự cấp nữa mà đã thay đổi hẳn, tỷ lệ hộ nghèo trung bình hằng năm của xã giảm gần 5%. Có được điều này cũng là nhờ những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, tạo điều kiện cho Sín Thầu dần xóa đói giảm nghèo, vươn lên no ấm hơn.

Có đường giao thông thuận lợi mà nhiều cá nhân có tinh thần vượt khó, dám nghĩ dám làm đã thực hiện được ước mơ làm giàu, trở thành những triệu phú vùng ngã ba biên giới như ông Chang Vãng Sinh, Sừng Sừng Khai, Su Tư Hừ (bản Tá Miếu), Sùng Phình Sinh (Tả Kô Khừ)… Đây là những gia đình nuôi từ 100 đến gần 200 con trâu, bò, có thu nhập kinh tế mỗi năm trên 100 triệu đồng nhờ bán gia súc. Họ đã và đang trở thành những tấm gương để tạo niềm tin, động lực cho bà con các bản trên địa bàn xã Sín Thầu noi theo; góp phần để bức tranh kinh tế của Sín Thầu tươi sáng hơn.

Tình quân dân nơi biên cương

Ngoài nhiệm vụ bảo vệ bình yên, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia của tuyến biên giới dài 36km trên 2 tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc (dài 18km với 7 mốc giới) và Việt Nam-Lào (dài 18km với 7 mốc và 1 mốc số 0 nơi ngã ba biên giới), Đồn biên phòng A Pa Chải còn có nhiệm vụ phối hợp với chính quyền xã Sín Thầu, giúp đồng bào người Hà Nhì địa phương phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Thượng tá Lê Văn Thinh, Chính trị viên Đồn Biên phòng A Pa Chải cho biết, xác định rõ trách nhiệm bảo vệ vững vàng an ninh, trật tự biên giới; tham gia giúp dân từng bước xóa đói giảm nghèo, trong những năm qua, Đồn luôn thực hiện tốt mối quan hệ mật thiết với dân nhân; luôn gần dân, sâu sát cơ sở và luôn “4 cùng” với người dân địa phương: cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc với đồng bào.

Trong 5 năm qua, Đồn Biên phòng A Pa Chải đã vận động bà con Sín Thầu khai hoang, phục hóa được trên 20ha lúa nước; vận động nhân dân trong xã làm được 4 điểm trường mầm non theo tiêu chí “3 cứng” kiên cố cho các cháu học sinh theo học; vận động được 33 cháu bỏ học tiếp tục đến trường. Bên cạnh đó, Đồn Biên phòng A Pa Chải đã giúp dân nạo vét được 17km kênh mương; triển khai làm được 9 nhà đại đoàn kết, trị giá gần 500 triệu đồng.

Riêng năm 2012, các chiến sỹ trong đơn vị đã vận động nhân dân trong xã Sín Thầu khai hoang được 1,2ha lúa nước; đào được gần 1ha ao thả cá; xóa nghèo bền vững cho 5 hộ dân…

Có được thành quả đó, đồng bào Hà Nhì nơi đây càng tin yêu bộ đội Biên phòng, tích cực “đồng hành” cùng các chiến sỹ Đồn Biên phòng A Pa Chải, gìn giữ an ninh trật tự trên địa bàn, bảo vệ an ninh, chủ quyền biên cương. Đến nay, ở Sín Thầu đã có gần 100 hộ ở các bản Tá Miếu, Pờ Nhù Khồ, Tả Kô Ky tham gia ký kết và thực hiện phong trào bảo vệ đường biên, cột mốc; gần 100% số hộ ở 6 bản tham gia phong trào tự quản an ninh trật tự trên địa bàn.

Từ năm 2008 đến nay, Đồn Biên phòng đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, nhân dân trong xã thực hiện tuần tra biên giới được hơn 160 lần với gần 500 lượt người tham gia. Đơn vị cũng đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên tuyền người dân không trồng cây thuốc phiện, gia đình không có người nghiện ma túy, không sử dụng vũ khí, săn bắn, đặt bẫy trái phép; đồng thời nâng cao tinh thần tự giác và tích cực đấu tranh phòng chống, tố giác tội phạm trên địa bàn xã...

Sự tham gia tích cực của nhân dân các bản trong việc bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới trên 2 tuyến biên giới đã góp phần giúp Đồn Biên phòng A Pa Chải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Trong 5 năm qua, đồng bào đã cung cấp cho Đồn Biên phòng A Pa Chải gần 400 tin, trong đó gần 220 tin có giá trị liên quan đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, trên 2 tuyến biên giới.

Theo Thượng tá Lê Văn Thinh: “Hiếm có vùng đất nào bình yên như vùng đất Sín Thầu này. Ban đêm, bà con nếu không sợ lạnh thì cũng chẳng cần phải chốt cửa, cài then, tài sản của gia đình để đâu thì sáng mai cứ nguyên vẹn ở đấy. Các bản không có tình trạng trộm cắp bởi ý thức bảo vệ tài sản công của người dân rất tốt. Mỗi người dân Hà Nhì nơi đây từ lâu đã nêu cao ý thức đánh dấu chủ quyền quốc gia trên mỗi tấc đất nơi biên cương cực Tây Tổ quốc”./.

Xuân Tiến (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục