"Cò vé” hội chọi trâu

Nở rộ nạn “cò vé” ở Hội chọi trâu Đồ Sơn

Số lượng du khách về Hội chọi trâu Đồ Sơn năm nay đông hơn năm trước, người đông vé ít đã tạo cơ hội kiếm chác cho "cò vé".
Đến hẹn lại lên, vào mùng 9/8 Âm lịch hàng năm người dân ở khắp nơi lại nô nức đổ xô về Đồ Sơn (Hải Phòng) để xem lễ hội chọi trâu.

Khác với mọi năm, hội chọi trâu Đồ Sơn năm nay kỷ niệm 20 năm phục dựng lại lễ hội truyền thống này nên lượng du khách về dự đông hơn rất nhiều so với những năm trước. Một hệ quả tất yếu của việc có đông du khách là hàng loạt các dịch vụ ăn theo có ngày “gặt hái”, đặc biệt là những anh chị “cò vé”.

Vé "chợ đen" không có mà mua

Vài chục nghìn vé đã không còn mà bán sáng ngày 9/8 Âm lịch, khá nhiều du khách có tiền nhưng vẫn không thể mua được vé để vào sân. Rất nhiều người lặn lội từ Nghệ An, Hà Tĩnh ra từ sáng sớm phải chịu cảnh đứng ngoài sân xem trâu chọi qua màn hình tivi. Anh Phạm Văn Long (Diễn Châu-Nghệ An) chán nản vì phải đừng ngoài xem qua ti vi, anh phân trần: “Mình đã ra đây từ tối qua, chủ quan vì nghĩ rằng sáng nay ra sân có thể mua được vé, đến khi ra không có sức chen nên đành phải đứng ngoài”.

Rất đông người dân đã tập trung kín ở khu vực bán vé của ban tổ chức từ 4, 5 giờ sáng để mua vé. Cảnh chen lấn, dẫm đạp để mua vé diễn ra trong mấy tiếng đồng hồ. Chị Nguyễn Thị Châu ở Nam Định thở dồn dập sau khi chen lấn vài tiếng đề mua cặp vé “mình phải chen nhau hơn 2 tiếng mới mua được cặp vé này”.

Chị Châu còn may mắn hơn rất nhiều người khác khi không mua được vé của Ban tổ chức, chấp nhận mua vé của "chợ đen". Anh Trần Mạnh Cường (Hưng Yên) dù chịu mất thêm tiền cũng không có vé để mua, anh Cường nói: “Mải chen lấn nhưng cũng không mua được đến khi quay ra mua vé ở "chợ đen" thì cũng hết giờ thì ngồi ngoài xem qua tivi vậy”.

Theo ghi nhận của phóng viên Vietnam+ lượng vé bán qua “cò vé” là khá lớn. Giá vé ban tổ chức đưa ra là 75 nghìn đồng/vé nhưng khi qua “cò” giá vé đã tăng lên vài lần giao động trong khoảng từ 250-400 nghìn đồng/vé.
Anh Hùng ở Hải Dương vui mừng khi mua được một cặp vé qua “cò” với giá 700 nghìn đồng, vừa cười vừa nói “mình may chán khi còn có vé mà vào sân, chứ đi đến đây mà phải ngồi ngoài thì chán lắm”.

"Làm một ngày tiêu cả tháng..."

Cũng giống như bao nhiêu lễ hội khác, hội chọi trâu Đồ Sơn là nơi cơ hội cho rất nhiều người kiếm tiền. Chỉ riêng việc bán qua tay thịt trâu cũng giúp nhiều người kiếm được bạc triệu chỉ trong vài giờ đồng hồ. Giá thịt trâu từ những con trong vòng chung kết có giá giao động từ 400.000-1.500.000 đồng/cân. Giá thịt trâu cao hay thấp phụ thuộc thành tích của con trâu bị thịt, càng vào sâu càng cao.

Dịch vụ ăn theo trong lễ hội cũng có cơ hội “gặt hái”. Giá gửi xe ở những nơi Ban tổ chức bố trí cũng có giá 50 nghìn đồng/ôtô. Những hộ dân xung quanh tổ chức trông xe thì có giá gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với giá của Ban tổ chức.

Một số dịch vụ ăn uống trong lễ hội cũng có giá tăng đột biến, giá của các mặt hàng thường là gấp đôi hoặc gấp so với giá bình thường. Anh Ngô Gia Kiên ở Hà Nội nói đùa với phóng viên: “Một chai trà xanh có giá những 20 nghìn đồng, một cái quạt giấy cũng 10 nghìn đồng kiểu này những người buôn bán ở đây làm một ngày tiêu cả tháng”.

Ngập tràn rác thải

Lễ hội đông người đã tạo cơ hội cho các nhãn hiệu thi nhau quảng cáo, khuếch trương thương hiệu. Từ những hãng viễn thông, bánh kẹo cho đến những hãng nước mắm đều thi nhau phát tờ rơi, mở loa công suất to để quảng cáo thương hiệu của mình.

Từ ngoài đường cái cho đến tận vào sâu trong cổng sân vận động đâu đâu cũng thấy cảnh tượng mặt đường đầy những tờ rơi vứt lung tung dưới mặt đất. Cô Lê Thị Xuân ở Thanh Hoá nói: “Khủng khiếp cho rác ở đây, mà rác gì toàn những tờ rơi mất cả cảnh quan của lễ hội”.

Hội chọi trâu Đồ Sơn ngày càng được mở rộng và phát triển, tuy nhiên vẫn có nhiều người đến lễ hội mà khi về phải mang theo những điều lăn tăn./.

Ngọc Cương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục