Huyện Altötting thuộc bang Bayern là nơi đầu tiên ở Đức phát hành thẻ chứng nhận tiêm chủng vắcxin COVID-19.
Việc phát hành thẻ được thực hiện tự nguyện, độc lập, không theo quy định của Bộ Y tế và đây đang là chủ đề tranh luận không chỉ ở Đức mà cả ở Liên minh châu Âu (EU).
Thẻ chứng nhận tiêm chủng có mã QR viết bằng tiếng Đức và tiếng Anh, trong đó xác nhận tên, tuổi, địa chỉ người được tiêm chủng cũng như ngày tiêm chủng mũi 1 và mũi 2 cùng tên công ty sản xuất loại vắcxin được tiêm chủng.
Phát ngôn viên của chính quyền huyện Altötting cho biết một bác sỹ nhi 71 tuổi còn hành nghề đã được tiêm vắcxin mũi thứ hai và được nhận thẻ tiêm chủng có mã QR. Dữ liệu được bảo vệ và chỉ được lưu trên thẻ.
[COVID-19: Đức siết biên giới, cách ly bệnh viện ở Berlin vì biến thể]
Nếu quét mã QR, người được tiêm chủng có thể lưu dữ liệu trên điện thoại di động thông minh của mình.
Theo người phát ngôn, việc phát hành thẻ không được phối hợp với Bộ Y tế mà được thực hiện độc lập, trong khi chương trình này cũng đang nhận được sự quan tâm từ truyền thông và một số địa phương khác.
Tuy nhiên hiện chưa rõ liệu thẻ chứng nhận tiêm chủng có mang lại lợi ích gì cho người mang thẻ hay không trong bối cảnh việc dành ưu đãi cho những người đã được tiêm chủng đủ 2 mũi vẫn còn đang gây tranh cãi không chỉ ở Đức mà cả ở EU.
Dự kiến, 27 nước thành viên EU sẽ đưa ra một cách tiếp cận chung vào cuối tháng này, trong đó quy định dữ liệu nào được ghi lại và có cần thực hiện bằng số hóa hay không.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas từng gây tranh luận khi phát biểu ủng hộ việc nới lỏng các hạn chế đối với những người đã tiêm chủng.
Ông kêu gọi "trả lại các quyền cơ bản" cho những người đã tiêm vaccine, cho phép họ tới các nhà hàng hoặc rạp chiếu phim, bởi cho rằng chỉ những người đã được tiêm chủng thì không thể lây nhiễm cho nhau.
Tuy nhiên, phát biểu này đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối, cho rằng phát biểu của ông Maas có thể gây chia rẽ trong xã hội, trong khi chưa thể bác bỏ khả năng lây truyền virus ở những người đã được tiêm vắcxin./.