Nỗi lo của châu Âu nếu nước Anh tiến hành tổng tuyển cử sớm

Các nguồn tin từ EU cho thấy rõ ràng rằng từ góc độ châu Âu, một cuộc bầu cử vào ngày 15/10 có nguy cơ tạo ra sự hỗn loạn khi thời hạn 31/10 để Anh rời khỏi liên minh này đang đến gần.
Cờ Anh (phía dưới) và cờ EU (phía trên) tại London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cờ Anh (phía dưới) và cờ EU (phía trên) tại London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo tờ Telegraph của Anh, EU và các nước châu Âu đang lo ngại rằng một cuộc bầu cử vào ngày 15/10 ở Anh sẽ làm gia tăng nguy cơ xảy ra một Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hỗn loạn, điều mà tất cả các bên đều muốn ngăn chặn.

Các nguồn tin từ EU cho thấy rõ ràng rằng từ góc độ châu Âu, một cuộc bầu cử vào ngày 15/10 có nguy cơ tạo ra sự hỗn loạn khi thời hạn 31/10 để Anh rời khỏi liên minh này đang đến gần.

Các nhà lãnh đạo EU sẽ tham dự cuộc họp thượng đỉnh vào ngày 17/10, tức là chỉ hai ngày sau cuộc bầu cử ở Anh (nếu điều này diễn ra). Điều đó có nghĩa là ngay cả trường hợp Thủ tướng Anh Boris Johnson trở lại văn phòng với thế đa số, ông cũng chưa có thời gian để thành lập chính phủ.

Quốc hội Anh sẽ cần phải tái triệu tập và bầu Chủ tịch, trong khi ông Johnson cần nhanh chóng bãi bỏ bộ luật buộc Thủ tướng phải gia hạn Điều 50 - điều không thể thực hiện được vào ngày 17/10.

Do đó, khi được tái bầu làm Thủ tướng, ông Johnson sẽ có mặt ở Hội nghị thượng đỉnh của EU với một vị thế mơ hồ và tìm cách “đàm phán lại” thỏa thuận Brexit - một thỏa thuận mà những ngày gần đây đã trở nên rõ ràng rằng đây không phải là một kế hoạch chi tiết, thực chất chỉ là một yêu cầu dựng lên một biên giới thương mại ở Ireland.

[Động thái của EU chuẩn bị cho Brexit không thỏa thuận]

EU dự đoán ông Johnson tái đắc cử có thể sử dụng Hội đồng châu Âu để ép EU chấp nhận yêu cầu của ông bỏ điều khoản “chốt chặn” ở Ireland, đưa toàn bộ câu hỏi về vấn đề quản lý biên giới ở Ireland sang giai đoạn chuyển tiếp.

David Frost, người phụ trách đàm phán với EU của Thủ tướng Anh, trong tuần này đã tuyên bố với các nghị sỹ nổi loạn rằng Chính phủ cho rằng với việc không có thỏa thuận đang hiện ra trước EU, châu Âu nhiều khả năng sẽ chấp nhận những yêu cầu mà cho đến nay họ vẫn từ chối.

Các nhà ngoại giao EU đã chơi trò này một cách lão luyện, nhưng nhẹ nhàng cảnh báo rằng ông Johnson đang đánh giá quá cao "quân bài" của mình nếu ông nghĩ rằng EU sẽ bãi bỏ điều khoản “chốt chặn” vì bị áp lực như thế. EU thậm chí có thể lật ngược tình thế.

Một ý tưởng đang được thảo luận trong giới ngoại giao là có thể để các nhà lãnh đạo châu Âu tham gia một canh bạc lớn, từ chối một thỏa thuận mới, nhưng đưa lại thỏa thuận cũ cho ông Johnson, có thể là với một số cam kết và nhượng bộ mới, trên cơ sở chấp nhận thỏa thuận đó hoặc ra đi không thỏa thuận.

Một nguồn tin từ EU lưu ý rằng vấn đề quan trọng là chiến thuật "làm hoặc chết" có thể bị đảo ngược. Đây có thể là một canh bạc lớn vì ông Johnson có thể từ chối lời đề nghị và dẫn đến “không thỏa thuận,” nhưng khi đó cũng có nghĩa là không còn nghi ngờ gì, Brexit “không thỏa thuận” là sự lựa chọn rõ ràng của ông Johnson.

Một khả năng khác là nếu ông Johnson tái cử với thế đa số cho phép ông lên nắm quyền mà không cần thỏa thuận gì với đảng Liên minh Dân chủ (DUP), ông sẽ trở nên linh hoạt và hòa giải hơn đối với các loại “quy định” cho vấn đề biên giới ở Ireland.

Mặc dù vậy, các nguồn tin EU cho rằng nếu điều này dẫn đến một “thỏa thuận” mới mà ông Johnson có thể giành được sự thông qua của đa số các nghị sỹ thì vẫn còn quá ít thời gian để Quốc hội Anh đưa ra được các quy định cần thiết để Brexit diễn ra có trật tự.

Về phía EU, bất kỳ phần mới nào của thỏa thuận “ly hôn” cũng sẽ cần được Nghị viện châu Âu dịch, được xem xét và thông qua. Một khi Anh nhất trí với thỏa thuận này, thì thỏa thuận đó cũng cần được Quốc hội Anh thông qua. Đây là một bộ luật khổng lồ, có tác động đáng kể đến Anh trong nhiều năm tới, có nghĩa là rất nhiều khả năng các nghị sỹ sẽ xem xét thông qua một cách rất cẩn trọng nên đã có những lo ngại thực sự về cái gọi là quyền lực Henry VIII.

Không phải là hoàn toàn không thể thông qua thỏa thuận này tại Hạ viện, nhưng để thực hiện điều này một cách đúng đắn và có trật tự thì rõ ràng sẽ cần phải gia hạn Điều 50 thêm một lần nữa, mà điều đó sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử và do đó dẫn đến một sự không chắc chắn hơn.

Bầu cử sớm là một trong những kịch bản liên quan đến Brexit có thể diễn ra trong những tuần tới. Theo luật của Anh, cuộc bầu cử lần tới sẽ diễn ra vào năm 2022 và 2/3 số nghị sỹ phải nhất trí nếu Chính phủ muốn tiến hành một cuộc bầu cử trước thời hạn.

Thủ tướng Johnson ngày 4/9 đã đề xuất tiến hành bầu cử vào ngày 15/10, nhưng Hạ viện Anh trong cùng ngày đã bỏ phiếu bác bỏ, đồng thời thông qua một dự luật có thể buộc Thủ tướng phải trì hoãn tiến trình Brexit.

Công đảng đối lập tuyên bố sẽ không ủng hộ bầu cử sớm cho đến khi dự luật nhằm ngăn chặn Brexit không thỏa thuận vào cuối tháng 10 tới trở thành luật - một khả năng dự kiến sẽ xảy ra trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện vào ngày 9/9.

Chính phủ của Thủ tướng Johnson cho biết sẽ nỗ lực lần thứ hai vào tuần tới trong việc kêu gọi một cuộc bầu cử sớm nhằm phá vỡ thế bế tắc chính trị hiện nay liên quan tới Brexit.

Một kịch bản mà châu Âu muốn tránh sau cuộc bầu cử sớm là một Quốc hội Anh chia rẽ, không thống nhất - điều mà các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy rất có thể xảy ra. Quốc hội này một lần nữa sẽ gây ra sự bất ổn lớn cho hệ thống, khi các đảng tranh giành nhau thành lập chính phủ khi thời hạn kết thúc.

Tất cả những điều đó có nghĩa là, từ góc độ của EU, một cuộc bầu cử được thực hiện sau khi đã đạt được việc gia hạn Điều 50 trong tháng Mười tới sẽ làm gia tăng đáng kể cơ hội Brexit diễn ra một cách có trật tự, nếu điều đó xảy ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục