Non Hương Động Tích-Đạo tràng Quán Thế Âm Bồ Tát

Đầu xuân hàng năm, khi hoa mơ nở trắng các thung lũng dưới chân núi cũng là lúc các Phật tử từ khắp nơi hành hương về chùa Hương.
Từ xa xưa, chùa Hương đã được coi là đạo tràng của Bồ Tát Quán Thế Âm ở Việt Nam. Hàng năm, cứ vào đầu xuân, khi hoa mơ nở trắng các thung lũng dưới chân núi cũng là lúc các Phật tử từ khắp nơi lại hành hương về chùa như một chốn tổ thờ Quán Thế Âm. Chùa Hương được biết đến rộng rãi với danh hiệu là đạo tràng của Bồ Tát Quán Thế Âm có lẽ được bắt nguồn từ truyện nôm “Truyện Phật bà chùa Hương.”
Thường thì ai đến chùa Hương cũng biết đến sự tích bà chúa Ba hay còn gọi là Công chúa Diệu Thiện, bà là con thứ ba của vua Diệu Trang; Công chúa là một hiện thân của đức Quán Thế Âm, đã từ chối tất cả cao sang quyền quý, vượt mọi trở ngại khó khăn trên đường tu hành, nêu cao gương đức độ và cuộc sống khổ hạnh cho tất cả quần sinh. Bà Diệu Thiện đã đắc đạo tại chùa Hương Tích. Nhưng trên thực tế, “Truyện Phật Bà chùa Hương” lại là một tác phẩm được diễn Nôm và chuyển sang thể thơ lục bát truyền thống của Việt Nam từ tác phẩm chữ Hán “Nam Hải Quán Âm truyện,” tương truyền tác giả là một vị Tăng nhân đời Nguyên của Trung Quốc. Trước khi tìm hiểu về nguyên bản của “Truyện Phật bà chùa Hương,” người viết xin giới thiệu một vài nét về sự truyền nhập của đạo tràng của Bồ Tát Quán Thế Âm cũng như tác phẩm “Truyện Phật bà chùa Hương” vào Việt Nam. Phật giáo bắt nguồn từ Ấn Độ, sau đó được truyền bá rộng rãi sang các nước lân cận, nhưng khi sang đến các nước khác, Phật giáo tiếp xúc với nền văn hóa sở tại và được “bản địa hóa”, trở nên phong phú hơn, phù hợp hơn với từng nền văn hóa khác nhau. Tín ngưỡng Quán Thế Âm sau khi được “bản địa hóa” kết quả là đạo tràng của Ngài cũng được chuyển đến các nước Đại thừa Phật giáo. Theo “Kinh Hoa Nghiêm phẩm nhập pháp giới,” Quán Âm Bồ Tát thường trụ tại núi Quang Minh (Potaloka), theo âm Hán dịch là “Bổ Đà Lạc Gia Sơn” hay “Phổ Đà Lạc Già,” chỉ rõ vị trí là ở phía nam; theo “Tân Thích” của Tổ Thực Xoa Nan Đà lại bổ sung là “trên biển.” Những học giả cận đại cho rằng đạo tràng của Ngài thuộc một vùng biển của phía nam của Ấn Độ hoặc Sri-Lanka.


Chuyện rằng: Phía Nam Ấn Độ có ngọn núi tên là “Bổ Đà Lạc Già,” có một vị Bồ Tát trụ ở đây, tên là Quán Tự Tại. Ngọn núi ấy nằm giữa biển và do các loại báu vật kết hợp tạo thành, vô cùng thanh tịnh; hoa quả, cây cối đầy cả núi. Cũng có suối nước chảy, những hồ nước trong lành và được phân bố khéo léo, hài hoà. Bồ Tát Quán Thế Âm ngồi kiết già ở đó và vô lượng Bồ Tát cung kính vây quanh lắng lòng nghe Bồ Tát Quán Thế Âm thuyết pháp Đại Từ Bi. Cũng từ vị trí địa lí như vậy mà “Quán tự tại Bồ Tát” lại có danh hiệu là “Quán Âm Nam Hải."  Tín ngưỡng “Quán Âm Nam Hải” còn có quan hệ mật thiết với ngành hàng hải cổ đại, trong thời kỳ ngành đóng thuyền có kỹ thuật tương đối phát triển, việc đi lại trên biển trở nên thường xuyên hơn, bất kể là những người trong thủy đoàn cũng như thương nhân, trong ngày dài phải chống chọi với sóng gió và nhiều nguy hiểm ở trên biển, họ bắt đầu bị khủng hoảng về tinh thần và cố tìm kiếm một thế lực thần thánh để nương tựa. Vậy nên họ tìm đến Quán Âm Bồ Tát như là một vị thánh “cứu khổ cứu nạn” ở trên biển. Nhưng “Nam Hải” lại là một khái niệm rất rộng lớn, theo quan niệm của các học giả cổ đại Trung Quốc, “Nam Hải” là vùng biển chạy dọc từ Chiết Giang tới duyên hải Quảng Đông, bao gồm cả vùng biển thuộc Đông Nam Á. Cũng trong thời kì này, các hoạt động về thương mại diễn ra rất thường xuyên trên vùng biển từ Chiết Giang đến tận Giao Chỉ (tên gọi cổ của Việt Nam), từ đó các giao lưu về kinh tế, chính trị, văn hóa, tôn giáo... trở nên phổ biến và thường xuyên hơn. Tín ngưỡng về “Quán Âm Nam Hải” cũng từ đó mà được lưu truyền rộng rãi trong nhân gian. Vậy nên, việc hình thành đạo tràng của Quán Âm Bồ Tát trên vùng biển này điều tất yếu và cần thiết trong quá trình bản địa hóa “Quán Âm Nam Hải.” Đạo tràng “Phổ Đà Sơn” tại huyện Định Hải, tỉnh Chiết Giang được hình thành trong cuối đời Đường, mà một trong những nguyên nhân chính là do địa thế vô cùng đặc biệt của núi Phổ Đà. Ốc đảo Phổ Đà nằm gần trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa phía nam của Trung Quốc cổ đại, cũng là trạm đầu tiên của con đường tơ lụa trên biển, chính vì vậy mà Phổ Đà Sơn không chỉ thu nhận “văn minh tơ lụa” mà còn hấp thu những tinh hoa của văn hóa Phật giáo Ấn Độ, mà đại biểu ở đây là tín ngưỡng “Quán Âm Nam Hải.” Tương truyền, Phổ Đà Sơn vốn tên là Mai Sầm. Xưa, Trung Quốc và các nước như Nhật Bản, Cao Ly (Triều Tiên)... qua lại với nhau, phần đông đều lấy ốc đảo này làm nơi neo thuyền, đợi đến lúc có gió rồi mới căng buồn đi tiếp. Đến nhà Hậu Lương đời Ngũ Hồ, năm Trinh Minh thứ hai (416), có một vị Tăng người Nhật Bản tên là Tuệ Ngạc đến Trung Hoa cầu pháp thỉnh được một tôn tượng Quán Thế Âm, vị Tăng này định mang về Nhật Bản cúng dàng. Nào ngờ thuyền của vị ấy khi đi qua phía đông của Phổ Đà Sơn là Tân La Tiêu lại bị sóng to gió lớn làm cho chuyến hồi hương bị trở ngại. Truyện kể lại rằng: Lúc ấy mặt biển bỗng nhiên mọc lên vô số “thiết liên hoa” (hoa sen bằng sắt) làm cho thuyền không tiến về phía trước được. Vì thế bắt buộc phải thỉnh thánh tượng lên một hòn đảo nhỏ, dựng một thảo am để cúng dàng. Bồ Tát Quán Thế Âm rất có duyên với hòn đảo này. Lâu ngày nhiều người bắt đầu biết và họ đến đây lễ bái ngày một đông. Và cuối cùng nơi này đổi thành tên là Phổ Đà Sơn. Thế nhưng, đạo tràng của Quán Thế Âm Bồ Tát xuất hiện lần đầu tiên tại Trung Quốc lại không phải ở Phổ Đà Sơn, mà lại là tại Bình Đỉnh Sơn thuộc Hương Sơn. Theo các ghi chép cổ, Bình Đỉnh Hương Sơn là một hạt của Nhữ Châu thời Tống, trong “Đại Minh Chính Đức Nhữ Châu Chí” có ghi chép: “Hương Sơn, vốn có tên là Hỏa Châu Sơn (Bình Đỉnh Sơn nay là sở thuộc của huyện Bảo Phong), có hai ngọn núi đối nhau, phía đông là Đại Long Sơn, phía tây là Tiểu Long Sơn, thế truyền là nơi thành đạo của Đại Bi Quán Âm Bồ Tát”. “Hương sơn” vốn được trích ra từ kinh điển Phật giáo, tương truyền, Phật Thích Ca Mâu Ni được sinh tại thành Ca Tì La Vệ, trong kinh Phật còn tên là Phụ Thành, gần Phụ Thành có một địa danh là Hương Sơn, chính vì vậy, cùng với sự truyền bá của Phật giáo, địa danh Hương Sơn cũng được truyền nhập vào Trung Quốc. Phật giáo truyền nhập vào Trung Quốc những năm đầu của thời Đông Hán, đến thời kì Hằng Đế, Linh Đế (147-189), các tăng nhân từ Tây thành đến Trung Quốc ngày càng nhiều, họ thường đến thành Lạc Dương trước, rồi từ đó mới tới các nơi khác để hoằng pháp. Tại các địa danh gần đó như Nam Dương và quận Dĩnh Xuyên thường xuyên có các tăng nhân đến hoằng pháp. Hương Sơn vốn thuộc huyện Bảo Phong, thời đó có tên là Phụ Thành, thuộc quận Dĩnh Xuyên; Phụ Thành vốn là nút giao thông chính giữa Lạc Dương, Dĩnh Xuyên và Nam Dương, chính vì vậy, nơi đây cũng trở thành trung tâm truyền bá Phật giáo. Đông Hán Linh Đế năm Quang Hòa thứ 2 (179), một vị tăng là Chi Pháp Độ từ Tây Trúc đến Dĩnh Xuyên truyền giáo, đã phát hiện ra núi Hỏa Châu và cùng với các Phật tử xây dựng chùa “Hương Sơn Đại Phổ Môn Thuyền Tự”, từ đó cái tên Hỏa Châu được thay bằng Hương Sơn. Đến năm Nguyên Phù thứ 2 (1099), một vị học sĩ hàn lâm là Tưởng Chi Kỳ đến Nhữ Châu nhậm chức tri huyện. Tưởng Chi Kỳ đến Nhữ Châu không lâu thì nhận được lời mời của sa môn trụ trì Hoài Trú đến thăm chùa Hương Sơn, qua lời kể của vị trụ trì này ông đã biên soạn nên tác phẩm “Hương Sơn Đại Bi Bồ Tát truyện”, đây cũng là tác phẩm tạo nên ảnh hưởng rất lớn đến các sáng tác về Quán Âm Bồ Tát sau này, và đem lại cho Hương Sơn danh hiệu “Quán Âm tổ đình.” Đến năm Nguyên Phù thứ 3 (1100), một nhà thư pháp nổi tiếng thời Bắc Tống là Thái Kinh Thư Đan đã biên soạn nên tác phẩm “Nhữ Châu Hương Sơn Bồ Tát truyện”, sau này được khắc bia và được coi là tài liệu nguyên thủy có giá trị khảo cứu cao để nghiên cứu về truyền thuyết công chúa Diệu Thiện. Trải qua các thời đại, “Hương Sơn Đại Bi Bồ Tát truyện” được chuyển thể và thay đổi một số tình tiết với những tên gọi khác nhau như: Quán Thế Âm Bồ Tát truyện lược, Nam Hải Quán Âm Bồ Tát xuất thân tu hành truyện, Quán Âm truyện, Quán Âm đắc đạo v.v., nhưng đề tài và cốt truyện vẫn xoay quanh cuộc đời tu hành và đắc đạo của công chúa Diệu Thiện. Trong đó, nổi tiếng và được phổ biến sâu rộng nhất trong dân gian phải nói đến tác phẩm theo thể chương hồi “Nam Hải Quán Âm Bồ Tát xuất thân tu hành truyện” của một tác gia đời Minh, đây cũng là nguyên mẫu để sau này hình thành nên truyện nôm “Phật bà chùa Hương” của chúng ta tại Việt Nam. Sau khi chùa Phổ Đà Sơn được xây dựng, trong dân gian cũng xuất hiện cách nói về Ngài như “xuất gia tại chùa Bạch Tước, chứng đạo tại Hương Sơn, hiển linh tại Nam Hải”, cũng từ đó, Phổ Đà Sơn được biết đến như là đạo tràng của Nam Hải Quán Âm, còn Hương Sơn là nơi Ngài đắc đạo. Tại Việt Nam, đạo Phật cũng được du nhập từ khá sớm với nhiều con đường khác nhau, trong đó Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng khá lớn từ Trung Quốc. Như đã nêu trên, vùng Giao Chỉ (tức Việt Nam) vốn nằm trong khái niệm về “Nam Hải”, vậy nên tín ngưỡng về “Quán Âm Nam Hải” theo đường biển cũng đã được du nhập vào Việt Nam. Vào những năm đầu của thế kỉ thứ IX, Giao Chỉ đã nổi tiếng với phong trào dịch thuật kinh Phật, các tăng sỹ Phật giáo thường xuyên lui tới Trung Nguyên để học pháp cầu kinh, đây cũng là giai đoạn mà dân gian được tiếp xúc thường xuyên và liên tục với đạo Phật, và cũng là tiền đề cho sự hưng thịnh của đạo Phật vào những thập kỉ thứ X cho đến thứ XIV ở Việt Nam. Trong một tác phẩm của Vương Bột là “Quán Âm Đại Sỹ tán” có nhắc đến Quán Âm tự tại với đạo tràng là “Thất Bảo Lạc Nghênh Sơn” tại Hải Nam, đây cũng là một bằng chứng cho thấy vào thời kì đầu của nhà Đường, tín ngưỡng về Quán Âm Nam Hải đã được thịnh hành tại dọc vùng biển Hải Nam và Giao Chỉ. Nhưng qua những công trình nghiên cứu mỹ thuật và kiến trúc Việt Nam, hình ảnh đức Quán Thế Âm Bồ Tát lại ít được nhắc tới từ thế kỷ XI, hay trước hơn thế nữa. Hình thức thờ đức Quán Âm Nam Hải mới chỉ thấy có từ thế kỷ thứ XVI trở về sau. Tích truyện được trình bày nhiều nhất và sớm nhất dẫn giải về đức Quán Thế Âm Nam Hải gắn với lời kết của một vị tăng đời nhà Nguyên ở Trung Quốc. Tích này có thể đã lưu truyền vào Việt Nam vào thế kỷ XV, căn cứ theo các Tự phả, rồi sau đó được Việt Nam hoá sâu rộng trong thế kỷ thứ XVI. Tác phẩm còn được cho là bộ kinh tiếng Việt đầu tiên đặt nền móng cho Phật giáo “Việt hóa.” Còn về tác giả của truyện “Phật bà chùa Hương” thì cho đến nay, vẫn còn có nhiều tranh luận trong giới học thuật, nhưng tác phẩm được biết đến rộng rãi nhất là bản “Hương Sơn Quán Thế Âm chân kinh tân dịch” của Kiều Oánh Mậu, sau này được Tổ Thích Viên Thành sử dụng làm tài liệu chính để xuất bản nên “Sự tích Phật bà chùa Hương” bằng chữ Quốc ngữ, đây cũng là cuốn truyện được những Phật tử cũng như du khách đến thăm chùa Hương biết đến và truyền tay nhiều nhất. Chẳng phải ngẫu nhiên mà vùng núi Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây (cũ) của Việt Nam ta lại trùng tên với địa danh được nhắc đến trong “Hương Sơn Đại Bi Bồ Tát truyện” và trở thành đạo tràng thờ Bồ Tát Quán Thế Âm. Cũng chính vì sự linh thiêng của chùa Hương cũng như sự nổi tiếng của “truyện Phật bà chùa Hương” mà trong dân gian ta có lưu truyền câu “Nam Hương Tích, bắc Bổ Đà,” nghĩa là ở Việt Nam ta thì có chùa Hương Tích là đạo tràng của Bồ Tát Quán Thế Âm, còn ở Trung Quốc thì đạo tràng của Ngài tại Bổ Đà Sơn. Giáo lý từ bi và hình ảnh của Bồ Tát Quán Thế Âm được khởi nguồn từ Ấn Độ, nhưng sau khi được “bản địa hóa”, hình ảnh của Ngài đã phù hợp hơn với văn hóa, tâm tình của người Việt Nam, và một trong những phương tiện giáo hóa có tác dụng sâu rộng và gần gũi nhất với người dân đó là những câu ca dao, những câu truyện nôm về đạo Phật. Điều đó cũng được chứng minh qua sự lưu truyền của truyện “Phật bà chùa Hương,” hình ảnh của bà Chúa Ba và đạo tràng Hương Tích đã không còn dấu vết của sự ngoại lai, mà trở nên thật hơn, gần gũi hơn với người dân Việt Nam chúng ta./.
Diệu Hường (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục