NSND Lê Ngọc Canh và mối duyên trời định với múa cổ Thăng Long

Không chỉ khôi phục các điệu múa cổ của Hà Nội, NSND Lê Ngọc Canh còn tư liệu hóa các điệu múa bằng cuốn sách "Múa cổ truyền Thăng Long-Hà Nội" mang giá trị nghiên cứu rất lớn.
Giáo sư-Tiến sỹ-Nghệ sỹ Nhân dân Lê Ngọc Canh với cuốn sách mới xuất bản về nghệ thuật múa. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)
Giáo sư-Tiến sỹ-Nghệ sỹ Nhân dân Lê Ngọc Canh với cuốn sách mới xuất bản về nghệ thuật múa. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Gia đình không có ai theo nghệ thuật, nhưng Nghệ sỹ nhân dân Lê Ngọc Canh đã "nên duyên" với nghệ thuật múa một cách bất ngờ thú vị

Khi đang trong kỳ huấn luyện để trở thành sỹ quan lục quân, chiến sỹ trẻ Lê Ngọc Canh bất ngờ bị điều chuyển sang đoàn văn công bởi người phụ trách thấy ông vóc người nhỏ bé dễ múa. Kể từ đó, ông chính thức gắn bó và thành danh với nghệ thuật múa. Không những thế, ông còn có nhiều công trình nghiên cứu về múa nói riêng, văn hóa truyền thống nói chung và đoạt nhiều giải thưởng cao quý.

Câu chuyện về Giáo sư-Tiến sỹ-Nghệ sỹ Nhân dân Lê Ngọc Canh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), một trong 10 công dân Thủ đô ưu tú năm 2020 được bắt đầu như vậy.

Ở tuổi 87, nhiều người sẽ tận hưởng cuộc sống an nhiên, vui với con cháu nhưng Giáo sư Lê Ngọc Canh vẫn miệt mài nghiên cứu, giảng dạy và tham gia hoạt động của các hội, đoàn thể với một nguồn năng lượng dồi dào.

Nguồn năng lượng ấy bắt nguồn từ sự đam mê của ông với văn hóa truyền thống, với nghệ thuật múa, đặc biệt là múa cổ Thăng Long-Hà Nội.

Ông chia sẻ: "Tôi sinh ra, lớn lên ở Hà Nội nên có quá nhiều kỷ niệm gắn bó với mảnh đất này. Tự nhủ mình là người Hà Nội cần có những đóng góp cho Thủ đô và tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu các công trình về múa cổ Hà Nội."

Đất Thăng Long-Hà Nội lại có quá nhiều các điệu múa cổ độc đáo, hấp dẫn, có những điệu múa được lưu truyền hàng trăm năm qua. Càng tìm hiểu càng khiến ông đam mê.

Công trình lý luận "Nghiên cứu, kế thừa và phát triển múa truyền thống Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội" đã được Giáo sư hoàn thành năm 2004, sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu.

Những tâm huyết, trăn trở và những kỳ vọng được ông gửi gắm vào đó. Không phụ công sức của ông, công trình lý luận này được nghiệm thu, đoạt giải xuất sắc của Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam.

Thành quả của công trình khiến những người trong Hội Nghệ sỹ Múa Hà Nội trân trọng, đánh giá cao tâm huyết và sự làm việc nghiêm túc của ông.

Sau đó, Giáo sư Lê Ngọc Canh được mời làm chủ nhiệm công trình "Phục dựng múa cổ Thăng Long-Hà Nội" do Hội Nghệ sỹ Múa Hà Nội chủ trì, thời gian thực hiện trong 15 năm, từ năm 2005-2019.

Công trình này mang đến cơ hội cho ông được góp sức mình hồi phục các điệu múa cổ Thăng Long đã mai một, hiện thực hóa mong ước bấy lâu của ông.

Ông nghĩ, đây là những nét văn hóa tiêu biểu của Thăng Long-Hà Nội, nếu không phục hồi và gìn giữ, thế hệ con cháu không biết đến các loại hình múa cổ. Các giá trị quý bị biến mất, văn hóa Thăng Long-Hà Nội cũng sẽ phai nhạt dần.

Bản thân ông sẽ thấy có lỗi với Hà Nội, với người dân Thủ đô nếu không thực hiện. Hơn nữa, việc phục hồi không đơn giản vì nhiều người nắm giữ di sản đã cao tuổi hoặc đã mất, nhiều điệu múa đã lâu không thực hành, trang phục không còn.

Với sự bền bỉ, nhiệt huyết, với những chuyến điền dã ở các quận, huyện, sau nhiều năm, nghệ sỹ Lê Ngọc Canh cùng các cộng sự sưu tầm, phục dựng được 44 điệu múa cổ.

Trong đó, nhiều điệu múa đặc sắc, hàm chứa giá trị văn hóa, thẩm mỹ, nghệ thuật, tư duy khoa học, tư duy hình tượng rất cao như múa bồng xã Triều Khúc (huyện Thanh Trì), múa xếp chữ xã Văn Đức (huyện Gia Lâm), múa Phù Đổng làng Phù Đổng (huyện Gia Lâm), múa hát Ải Lao phường Phúc Lợi (quận Long Biên), múa rắn lột phường Lệ Mật (quận Long Biên)…

NSND Lê Ngọc Canh và mối duyên trời định với múa cổ Thăng Long ảnh 1Múa trống bồng trở thành niềm tự hào và đam mê của nhiều thế hệ trai làng Triều Khúc. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Sau khi sưu tầm và phục dựng, ông và Hội Nghệ sỹ Múa Hà Nội tổ chức 5 chương trình liên hoan múa cổ Thăng Long-Hà Nội để giới thiệu tới công chúng các điệu múa độc đáo.

Giáo sư Lê Ngọc Canh cho rằng, nếu đơn thuần chỉ khôi phục các điệu múa cổ sẽ chưa có tính bền vững. Ông đã tư liệu hóa các điệu múa này bằng cách đúc kết thành sách "Múa cổ truyền Thăng Long-Hà Nội," giới thiệu lịch sử, giá trị, tiến trình biến đổi của múa cổ Hà Nội.

Đồng thời, ông cũng ghi hình 8 điệu múa cổ đặc trưng nhất để lưu giữ, tổ chức hai cuộc hội thảo khoa học về sưu tầm, phục dựng múa cổ Thăng Long-Hà Nội.

[Ngày Xuân, xem trai làng Triều Khúc múa điệu trống bồng]

Bên cạnh đó, Giáo sư Lê Ngọc Canh còn dàn dựng nhiều tác phẩm múa như kịch múa "Hoa nở trên đường kéo pháo" ca ngợi tấm gương anh Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo, "Anh hùng Bế Văn Đàn" với hành động cao đẹp lấy thân mình làm giá súng; "Theo cờ giải phóng" (đồng tác giả với Hoàng Xuân Cống và Nguyễn Đức Thuận) ca ngợi tinh thần cách mạng của nhân dân; "Ngọn lửa Nghệ Tĩnh" cũng về đề tài cách mạng…

Riêng với tác phẩm "Biển và lửa quê tôi" được đánh giá cao thủ pháp sáng tạo mới, "Ngẫu hứng tâm linh" được đón nhận khi chuyển tải nét đẹp của nghệ thuật hầu đồng.

Hiện nay, ông có 134 tác phẩm múa với nhiều thể loại, từ chiến tranh, dân gian.

Giáo sư Lê Ngọc Canh cũng là tác giả, đồng tác giả của nhiều cuốn sách nghiên cứu về nghệ thuật múa và văn hóa truyền thống Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.

Tính đến nay, ông đã có 21 cuốn, tiêu biểu là các cuốn: "Nghệ thuật múa Hà Nội-Truyền thống và hiện đại," "Văn hóa nghệ thuật Hà Nội thế kỷ 20," "Hình tượng về văn hóa nghệ thuật Hà Nội," "Hoa Tràng An," tham gia công trình "Tổng tập Thăng Long..."

NSND Lê Ngọc Canh và mối duyên trời định với múa cổ Thăng Long ảnh 2Múa cổ trống bồng trong Lễ hội Triều Khúc đầu Xuân. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Không nhiều người biết Giáo sư Lê Ngọc Canh xuất thân từ một liên lạc viên của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu trong những năm chống Pháp.

Ông từng tham gia cuộc chiến đấu 60 ngày đêm khói lửa bảo vệ Hà Nội, giam cầm chân Pháp, bảo vệ Trung ương, tạo điều kiện cho cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Sau đó, ông cùng Trung đoàn Thủ đô rút an toàn lên chiến khu Việt Bắc trong cuộc lui quân thần kỳ mà sử sách vẫn ca ngợi.

Cơ duyên nghệ thuật múa đến với ông khi ở Việt Bắc, thường xem đồng bào dân tộc múa và được họ dạy, niềm yêu thích ngấm vào người lúc nào không hay.

Rồi một ngày, đồng chí phụ trách thiếu sinh quân thấy ông nhỏ nhắn, dễ múa nên yêu cầu ông tham gia đội văn nghệ phục vụ bộ đội trên chiến khu.

Hòa bình lập lại, ông cùng Trung đoàn Thủ đô về tiếp quản Hà Nội và tiếp tục tham gia trong Đoàn Văn công Quân đội.

Đến năm 1960, do thích đi chiến đấu, ông xin cấp trên đi học Trường sỹ quan Lục Quân 6 nNhưng chỉ huy cũ của ông là Lê Khang trong một ngày gặp lại đã bất ngờ điều chuyển ông về Đoàn Văn công, Tổng cục Chính trị.

Năm 1968, ông được đi làm nghiên cứu sinh tại Bulgaria về nghệ thuật múa. Sau này trở về, ông chuyển công tác sang Viện nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).

Với những cống hiến của mình cho nghệ thuật múa nước và văn hóa truyền thống Việt Nam, ông được tặng thưởng nhiều giải thưởng cao quý.

Năm 2011, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Năm 2014, ông trở thành giáo sư đầu tiên của ngành Múa Việt Nam.

Năm 2017, ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật. Với những đóng góp to lớn trong cả cuộc đời, ông đã được thành phố Hà Nội vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục