Theo mạng tin Bloomberg, ba thẩm phán của Scotland vừa ném một "quả lựu đạn" hiến pháp vào "chiến trường đẫm máu" Brexit bằng việc đưa ra phán quyết rằng quyết định đình chỉ Quốc hội Anh của ông Boris Johnson là một hành động trái pháp luật.
Nếu cho tới nay Nữ hoàng Elizabeth II đã thành công trong việc tránh xa khỏi mớ rắc rối Brexit, thì đến nay điều đó sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Về mặt chính thức, Thủ tướng Anh không phải là người đã cho tạm dừng (hay đình chỉ) hoạt động của Quốc hội trong năm tuần kể từ ngày 9/9 - động thái được xem là nỗ lực nhằm ngăn chặn các nghị sỹ tìm cách cản trở các kế hoạch Brexit của ông Johnson.
Người làm điều đó chính là Nữ hoàng Anh, bà đã dùng đặc quyền hoàng gia của mình theo sự cố vấn của các quan chức cấp cao của bà.
[Nữ hoàng Elizabeth chấp thuận đề xuất hoãn phiên họp Quốc hội]
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu lời khuyên đó hóa ra không chỉ là một sự đánh giá không đúng, mà trên thực tế còn trái với pháp luật?
Hiện chưa rõ phán quyết của ba thẩm phán Scotland sẽ gây ra ảnh hưởng như thế nào. Các thẩm phán này đã né tránh một cách khôn khéo vấn đề làm thế nào để thi hành quyết định của họ bằng cách trì hoãn trả lời câu hỏi cần phải làm gì cho tới khi Tòa án Tối cao Vương quốc Anh đưa ra phán quyết riêng về việc Quốc hội bị đình chỉ, dự kiến vào tuần tới.
Vấn đề đặt ra hiện nay là liệu chính phủ có quyền đình chỉ Quốc hội - như đã làm - hay không.
Trên thực tế, tuần trước, một thẩm phán Scotland đã bác bỏ một đơn kiến nghị của một nhóm gồm hơn 70 nghị sỹ Anh rằng việc tạm ngừng hoạt động của Quốc hội là hành động trái với quy định của pháp luật, chấp nhận lập luận của chính phủ rằng đây là một vấn đề liên quan tới "chính sách quan trọng" và quyết định chính trị.
Tuy nhiên, mục đích của việc đình chỉ Quốc hội mới là vấn đề quan trọng. Hôm 11/9, các thẩm phán của Tòa Hình sự đã đảo ngược phán quyết trước đó, nói rằng việc tạm dừng hoạt động của Quốc hội "sẽ là hành động trái pháp luật nếu mục đích của nó là để ngăn cản Quốc hội giám sát ngành hành pháp." Sau đó, tòa án này cho rằng việc tránh sự cản trở của Quốc hội là "lý do thực sự để tạm dừng hoạt động của Quốc hội."
Ông Johnson lập luận rằng chính phủ của ông đóng cửa Quốc hội chỉ để đảm bảo rằng sẽ có một chương trình nghị sự lập pháp mới, từng được công bố trong bài phát biểu của Nữ hoàng tại buổi khai mạc kỳ họp mới của Quốc hội.
Sẽ rất khó để có thể duy trì cái cớ "lãng xẹt" đó, và thậm chí cả những quan chức trong chính phủ của ông Johnson cũng gặp khó khăn trong việc nhớ "kịch bản" này.
Thông thường, khi chính phủ lập luận trước tòa rằng việc tạm ngừng hoạt động của Quốc hội là một vấn đề liên quan tới "chính sách quan trọng" thì vấn đề sẽ kết thúc.
Có thể coi người đứng đầu vương quốc đã trao các đặc quyền của mình cho những quan chức chính phủ, điều này dẫn đến việc các chính phủ đưa ra quyết định đối với mọi vấn đề, từ cấp hộ chiếu tới việc đưa đất nước bước vào một cuộc chiến tranh mà không cần tới sự chấp thuận của Quốc hội.
Các tòa án, vốn đang ngày càng tích cực xem xét lại các đặc quyền, hầu như đều tránh ra phán quyết về những vấn đề liên quan tới chính sách quan trọng, nhưng điều này có thể đang thay đổi.
Paul Craig, một học giả chuyên nghiên cứu về hiến pháp, cho rằng chỉ bởi vì một thủ tướng có thể có thẩm quyền tự quyết định việc đình chỉ Quốc hội, điều đó không ngăn cản chính phủ sử dụng thẩm quyền đó một cách trái pháp luật.
Tất cả sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu Tòa án Tối cao Vương quốc Anh không công nhận phán quyết của các thẩm phán Scotland. Trong trường hợp này, ông Johnson sẽ có khuynh hướng cố gắng phớt lờ phán quyết đó.
Tuy nhiên, nếu Tòa án Tối cao ủng hộ các thẩm phán Scotland, thì phán quyết này khó có thể bị gạt bỏ. Điều đó còn cho thấy Nữ hoàng đã nhận được sự cố vấn không phù hợp.
Trong trường hợp đó, việc đình chỉ Quốc hội sẽ bị hủy bỏ, các nghị sĩ sẽ trở lại Hạ viện làm việc, và không nghi ngờ gì rằng "dao găm" sẽ được rút ra.
Một khả năng khác là Nữ hoàng sẽ được khuyên là nên đưa ra một tuyên bố mới mà theo đó Quốc hội sẽ nhóm họp lại sớm hơn - điều này là một cú đảo ngược mà cả ông Johnson và Nữ hoàng đều sẽ cảm thấy bẽ mặt.
Trớ trêu thay, phán quyết rằng việc Tổng thống đình chỉ Quốc hội là trái với quy định của pháp luật cũng không thể thay đổi được gì nhiều thực tế.
Mục đích ban đầu của ông Johnson khi sử dụng nước cờ táo bạo này chủ yếu là để ngăn cản Quốc hội sau khi Quốc hội bác bỏ yêu cầu của ông về việc tổ chức một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn, đồng thời bỏ phiếu buộc ông phải xin gia hạn Brexit chứ không được đưa nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào đúng hạn chót 31/10.
Việc đình chỉ Quốc hội vẫn cho phép ông Johnson sử dụng quyền lực của thủ tướng mà không phải trở thành mục tiêu bị chính những thành viên của mình chỉ trích gần như hàng ngày.
Nếu Quốc hội được triệu họp sớm, ông Johnson sẽ bị bẽ mặt vì bị Tòa án Tối cao "hạ bệ" và ông cũng phải đối mặt với một Quốc hội có quyền giám sát chính phủ - điều mà ông rất muốn tránh né./.