'Nước Anh toàn cầu' đã ở đâu khi Taliban kiểm soát Afghanistan?

Việc rút quân khỏi Afghanistan, nơi trong số các đồng minh, Anh là nước đóng góp lớn nhất cho sứ mệnh do Mỹ dẫn đầu, đã bộc lộ sự phụ thuộc hoàn toàn của London vào Washington.
'Nước Anh toàn cầu' đã ở đâu khi Taliban kiểm soát Afghanistan? ảnh 1Binh sỹ Anh được triển khai tại Kandahar, Afghanistan, ngày 27/10/2014. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo tờ Financial Times, 65 năm sau vụ kênh đào Suez, bài học cho Vương quốc Anh vẫn còn nguyên vẹn. Sự giận dữ của Washington trước nỗ lực của Anh và Pháp vào năm 1956 nhằm giành lại quyền kiểm soát kênh đào Suez khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Dwight Eisenhower cắt các hạn mức tín dụng quốc tế đối với London.

Cũng vì việc này, Mỹ sau đó, cùng với Liên Xô, đã bỏ phiếu tại Liên hợp quốc để lên án chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của Anh.

Chính phủ của Thủ tướng Anthony Eden đã nhanh chóng đầu hàng.

Ở Afghanistan, thất bại được chia sẻ với quân đồng minh, và lần này Anh là phía tức giận. Cách thức phương Tây tháo chạy khỏi Kabul gây thiệt hại cho người Mỹ nhưng lại làm bẽ mặt các đồng minh. Và Mỹ đủ mạnh để tránh đòn.

Sau Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu - EU), chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson ca ngợi Vương quốc Anh như một quốc gia độc lập trên trường quốc tế. Việc rút quân khỏi Afghanistan, nơi trong số các đồng minh, Anh là nước đóng góp lớn nhất cho sứ mệnh do Mỹ dẫn đầu, đã bộc lộ sự phụ thuộc hoàn toàn của London vào Washington.

Đã có rất nhiều va chạm trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Thủ tướng Anh Harold Wilson đã nhiều lần dũng cảm từ chối đề nghị của Mỹ để gửi quân đến Việt Nam. Chính quyền của Thổng thống Richard Nixon đã đóng băng hoạt động hợp tác tình báo giữa Anh và Mỹ khi chính phủ của Thủ tướng Edward Heath điều phối các chính sách với các nước châu Âu trước khi trao đổi với Washington.

Tổng thống Ronald Reagan đã không hỏi ý kiến Thủ tướng Margaret Thatcher trước khi xâm lược đảo Grenada thuộc vùng Caribe, một quốc gia thành viên của Khối thịnh vượng chung Anh. Mỹ luôn đặt lợi ích lên trên tình cảm.

Với sự thân thiện dành cho ông Donald Trump, ông Boris Johnson sẽ không bao giờ trở thành người bạn tâm giao của Tổng thống Joe Biden. Những nỗ lực của ông Johnson nhằm từ bỏ các điều khoản liên quan tới Bắc Ireland trong thỏa thuận Brexit với EU càng khiến ông Biden, vốn tự hào về nguồn gốc Ireland của mình, tức giận.

Với tất cả những điều này, sự thờ ơ của ông Biden đối với tác động của cuộc rút quân ở Afghanistan gây tổn thương lớn với Anh.

Thủ tướng Johnson đã đặt ra những tham vọng lớn trong Báo cáo đánh giá tổng hợp về chính sách đối ngoại và quốc phòng của Anh được công bố hồi tháng 3/2021. Thoát khỏi sự ràng buộc của châu Âu, “Nước Anh toàn cầu” sẽ tái khám phá thế giới với chính sách ngả về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tàu sân bay mới Queen Elizabeth đã đến Biển Đông và chính phủ sẽ đầu tư vào các công nghệ tiên tiến hàng đầu. Tuy nhiên, bản báo cáo đầy tự tin này đã không xác định được các ưu tiên quan trọng của Anh, cũng như để lộ sự bất cân xứng giữa khát vọng lớn lao và nguồn lực hạn chế của nước này.

Nghiên cứu kỹ hơn về báo cáo cho thấy các dự án mới về không gian mạng sẽ được đổi lại bằng cách giảm biên chế trong quân đội và Lực lượng Không quân Hoàng gia.

Châu Âu, trung tâm lợi ích an ninh của Anh - dù nước này muốn thừa nhận hay không - hầu như không được đề cập trong báo cáo.

Tàu sân bay Queen Elizabeth được coi là biểu tượng của uy tín quốc gia. Vấn đề là ngân sách quốc phòng của Anh không đủ chi trả cho các máy bay chiến đấu F35. Mang theo nhiều máy bay của Mỹ hơn là của Không quân Hoàng gia Anh, tàu sân bay Queen Elizabeth đã trở thành phép ẩn dụ cho sự trung thành tuyệt đối của London đối với Washington.

[Cuộc cạnh tranh giành vị trí trên “bàn cờ” mới ở Afghanistan]

Sự xa lánh từ châu Âu khiến chủ nghĩa Đại Tây Dương trở thành lựa chọn duy nhất của Anh. Người tiền nhiệm của ông Johnson, bà Theresa May, đặt câu hỏi "Nước Anh toàn cầu" đã ở đâu khi Taliban nắm quyền kiểm soát thủ đô Afghanistan?

Bài học đầu tiên mà ông Harold Macmillan, người kế nhiệm của Thủ tướng Anthony Eden, rút ra sau thất bại Suez là từ nay về sau, Vương quốc Anh sẽ tạo ảnh hưởng bằng cách khẳng định vai trò là người bạn tốt nhất của Mỹ. Tuy nhiên, ông Macmillan đã sớm rút ra kết luận rằng điều này phải được cân bằng qua việc Anh có tiếng nói ở châu Âu. Vì vậy, Anh đã bắt đầu quá trình gia nhập EU.

Những người kế nhiệm Thủ tướng Macmillan thường coi Anh đóng vai trò là cầu nối giữa châu Âu và Mỹ, với tầm ảnh hưởng ở bên này khuếch trương quyền lực ở bên kia. Việc tách khỏi EU khiến Anh mất đi sự ủng hộ từ châu Âu.

Trong khi đó, để khôi phục vai trò của Mỹ là người bảo đảm trật tự toàn cầu, Tổng thống Biden đã quyết định rút quân khỏi Afghanistan, vốn là một trụ cột trong chính sách đối ngoại của ông.

Đối với một quốc gia như Anh, tham vọng đóng góp cho hòa bình và an ninh quốc tế là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, nước này lại chịu những ràng buộc kinh tế không tránh khỏi bởi những yếu tố địa chính trị. Anh cần mối quan hệ chặt chẽ với nền dân chủ mạnh nhất thế giới, nhưng cũng cần ảnh hưởng ở chính châu lục của mình.

Không còn được Berlin, Paris, Rome và Brussels tin tưởng trong khi rõ ràng bị coi thường ở Washington, ông Johnson giờ đây đang đứng một mình trên cây cầu không dẫn tới đâu.

Nhiệm vụ của thủ tướng tương lai của nước Anh sẽ không chỉ là sửa chữa mà còn là khôi phục vị trí của quốc gia này trên trường quốc tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục