Nước Mỹ đứng trước nguy cơ 'khủng hoảng kép' hậu bầu cử Tổng thống

Tới trưa 6/11 giờ Việt Nam (rạng sáng cùng ngày giờ Mỹ), cuộc đua vào Nhà Trắng giữa đương kim Tổng thống Donald Trump và ứng cử viên Joe Biden vẫn chưa thể ngã ngũ với rất nhiều diễn biến kịch tính.
Nhân viên bầu cử Mỹ kiểm phiếu phổ thông được bỏ qua đường bưu điện. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên bầu cử Mỹ kiểm phiếu phổ thông được bỏ qua đường bưu điện. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nước Mỹ dường như đang sống lại những ngày tháng 11 của 20 năm trước, khi cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2000 giữa Phó Tổng thống Al Gore của đảng Dân chủ và đối thủ phe Cộng hòa, Thống đốc bang Texas George W. Bush trở thành màn cạnh tranh khốc liệt nhất giữa hai ứng cử viên tổng thống trong lịch sử bầu cử Mỹ tính tới thời điểm đó với rất nhiều tranh cãi, hoài nghi và cả kiện tụng pháp lý.

Kịch bản này có khả năng lại xảy ra năm nay bởi 2 ngày sau cuộc bầu cử chính thức 3/11, người dân Mỹ vẫn không biết ai là nhà lãnh đạo đất nước trong 4 năm tiếp theo.

Tới trưa 6/11 giờ Việt Nam (rạng sáng cùng ngày giờ Mỹ), cuộc đua vẫn chưa thể ngã ngũ với rất nhiều diễn biến kịch tính.

Ít nhất 6 bang, gồm nhiều 4 bang chiến địa Georgia, Pennsylvania, North Carolina, Arizona, cùng Nevada và Alaska chưa kiểm xong phiếu.

Ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden và đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump bám đuổi hết sức sít sao, thậm chí gần như tương đương nhau tại cả 6 bang này. Các hãng truyền thông cũng đưa ra những số liệu không thống nhất về kết quả của các bang đã kiểm xong phiếu.

Trong khi hãng thông tấn Mỹ AP và hãng tin Fox News đã công bố ứng cử viên Joe Biden giành chiến thắng tại bang Arizona và được 264 phiếu đại cử tri, còn ông Trump có  214 phiếu, thì  một số hãng như CNN, NBC News và New York Times đưa tin có nhầm lẫn trong quá trình thống kê số phiếu đã kiểm đếm tại bang này, vì vậy ông Biden mới có 253 phiếu đại cử tri. 

Cả Tổng thống Donald Trump và ứng cử viên Joe Biden đều đưa ra những tuyên bố cho thấy dấu hiệu báo trước về nguy cơ nảy sinh những vấn đề phức tạp và căng thẳng dẫn tới một cuộc chiến pháp lý giữa hai bên.

Tổng thống Trump cho biết sẽ khiếu nại lên Tòa án Tối cao về hoạt động kiểm phiếu, cáo buộc "một nhóm người" đang tìm cách tước quyền của hàng triệu người đã bầu chọn ông và "có đống phiếu rác bất ngờ" tại những bang nơi ông đã dẫn trước đối thủ Biden, mặc dù không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.

Trong khi đó, đội ngũ tranh cử của ứng cử viên Biden bày tỏ tự tin về chiến thắng, cảnh báo sẽ ngăn chặn hành động của Tổng thống Trump tại Tòa án Tối cao Mỹ, đồng thời khẳng định sẽ không "nghỉ ngơi cho đến khi từng phiếu được kiểm" trong cuộc bầu cử.

[Bầu cử Mỹ: Bang Nevada kéo dài thời gian nhận phiếu bầu qua bưu điện]

Trên thực tế, khả năng xảy ra tranh chấp pháp lý giữa hai bên đã được giới chuyên gia dự báo trước đó, trong bối cảnh cuộc bầu cử năm 2020 chứa đựng quá nhiều yếu tố bất ổn, phần lớn do tác động của đại dịch COVID-19 đối với cách thức, quy định bầu cử tại nhiều bang.

Việc hơn 100 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm và bỏ phiếu qua đường bưu điện trước ngày bầu cử đã là một vấn đề lớn, gây áp lực đối với hệ thống bầu cử cũng như công tác kiểm phiếu. Cùng với đó, sự thay đổi quy định của một số bang, trong đó có các bang chiến địa, cho phép tính phiếu bầu qua đường bưu điện vài ngày sau bầu cử, càng gây khó khăn cho việc kiểm phiếu. 

Nước Mỹ đứng trước nguy cơ 'khủng hoảng kép' hậu bầu cử Tổng thống ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân Chủ Joe Biden (phải). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Từ thực tế tỷ lệ ủng hộ hai ứng cử viên liên tục đảo chiều trong quá trình kiểm phiếu tại 6 bang còn lại, giới phân tích nhận định việc tính số lượng phiếu bầu trực tiếp trong ngày bầu cử, phần lớn được cho là của cử tri đảng Cộng hòa, đã giúp Tổng thống Trump có thể dẫn trước.

Tuy nhiên, ông Biden đã vượt Tổng thống Trump khi kiểm tới các phiếu bầu cử sớm và gửi qua đường bưu điện, được cho là của đa số các cử tri đảng Dân chủ. Đây chính là điểm mấu chốt gây tranh cãi do hoài nghi về tính hợp lệ của các lá phiếu cũng như yêu cầu việc kiểm phiếu lại tại các bang dao động có kết quả sát nút.

Khi cả hai ứng cử viên đều chưa đủ 270 phiếu đại cử tri, trong khi lại có kết quả sát nút ở nhiều bang chiến địa quan trọng, việc đi tới tranh chấp pháp lý là điều khó tránh khỏi.

Trong cuộc bầu cử năm 2000, số phiếu ở bang Florida quá sít sao, và cục diện toàn quốc cũng quá sát nút đến mức ứng cử viên nào thắng ở bang này sẽ làm tổng thống, cuộc chiến pháp lý đã nảy sinh. Khi đó, phải mất một tháng để bang Florida kiểm phiếu lại, và phải qua phán quyết của tòa án trước khi ông George W. Bush được tuyên bố thắng tại bang này để đắc cử tổng thống. 

Hiện ban vận động tranh cử của Tổng thống Trump cũng đã tuyên bố sẽ yêu cầu kiểm phiếu lại bang Wisconsin, đồng thời đệ đơn yêu cầu tạm dừng việc kiểm phiếu tại bang Georgia. Đây là động thái tương tự như các động thái trước đó tại các bang quan trọng như Michigan,Wisconsin hay Pennsylvania. Phía Tổng thống Trump cũng gửi một loạt đơn kiện phiếu nại về công tác khiểm phiếu đối với những phiếu bầu sớm.

Tới nay, hai thẩm phán của bang Michigan và Georgia đã bác các đơn kiện của ban vận động tranh cử của Tổng thống Trump liên quan tới công tác kiểm phiếu. Tuy nhiên, cuộc chiến pháp lý vẫn đang nóng dần lên khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ đưa ra nhiều thách thức pháp lý hơn đối với một loạt các bang khác mà kết quả nghiêng về ứng cử viên Dân chủ Joe Biden.

Giới quan sát nhận định để theo đuổi cuộc chiến pháp lý lâu dài, hai bên sẽ phải chuẩn bị đội ngũ luật sư đi tới các bang yêu cầu kiểm phiếu lại hoặc tranh cãi những kết quả sát nút. Những trường hợp này sẽ dẫn đến nhiều vấn đề về pháp lý, kéo theo sự tham gia của tòa án, các chính trị gia bang và quốc hội.

Giống như bang Florida trong cuộc bầu cử năm 2000, khi ông George W.Bush vượt qua ông Al Gore chỉ với 537 phiếu, vụ kiện giữa hai ứng cử viên tổng thống năm nay có thể được chuyển đến Tòa án Tối cao, nơi Tổng thống Trump gần đây đã xúc tiến bổ nhiệm thẩm phán Amy Coney Barrett.

Bà Barrett cùng với hai thẩm phán bảo thủ khác đã được Tổng thống Trump đề cử trước đây là ông Neil Gorsuch và ông Brett Kavanaugh sẽ đại diện cho 1/3 số thẩm phán của Tòa án Tối cao. Việc bổ nhiệm bà Barrett vào vị trí trên trước khi diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của đảng Dân chủ do cán cân quyền lực tại Tòa án Tối cao nghiêng sang phe bảo thủ (với 6 thẩm phán bảo thủ và 3 thẩm phán tự do).

Đảng Dân chủ lo ngại rằng trong trường hợp nảy sinh tranh cãi về kết quả bầu cử khi hai bên bất đồng về hình thức bỏ phiếu và kiểm phiếu dẫn đến phải kiểm phiếu lại, thì việc bổ nhiệm bà Barrett là một trong những yếu tố có thể quyết định đến kết quả bầu cử Mỹ năm 2020 và người có lợi sẽ là Tổng thống Trump.

Nước Mỹ đứng trước nguy cơ 'khủng hoảng kép' hậu bầu cử Tổng thống ảnh 2Người dân Mỹ vẫn không biết ai là nhà lãnh đạo đất nước trong 4 năm tiếp theo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong cuộc bầu cử năm 2000, Tòa án Tối cao đã can thiệp vào việc kiểm phiếu tại bang Florida vì bang này đã quá hạn chót kiểm phiếu. Do đó, nếu các bang không giải quyết những vấn đề phát sinh trước ngày 8/12, có thể Tòa án Tối cao sẽ can thiệp để kết thúc quá trình kiểm phiếu và tuyên bố ứng cử viên đắc cử sẽ là người giành được nhiều phiếu đại cử tri hơn tại thời điểm đó.

Trong khi những tranh cãi giữa hai bên diễn ra gay gắt thì nhiều cuộc biểu tình ủng hộ hai ứng cử viên tại hàng loạt thành phố của Mỹ đã bước sang ngày thứ hai. Những người ủng hộ cựu Phó Tổng thống Biden xuống đường biểu tình với khẩu hiệu "Đếm mọi phiếu bầu" với niềm tin rằng một cuộc kiểm phiếu đầy đủ sẽ đem lại chiến thắng cho ứng cử viên này.

Ngược lại, những người ủng hộ Tổng thống Trump lại bày tỏ phản đối khi kêu gọi “Bảo vệ lá phiếu” nhằm ủng hộ nỗ lực của ban vận động tái tranh cử của ông trong việc loại bỏ một số phiếu bầu, trong đó có cả những phiếu bầu qua đường bưu điện. Một số cuộc biểu tình đã dẫn tới đụng độ với cảnh sát, khiến dư luận lo ngại rằng sau khi có kết quả bầu cử, nhiều cuộc biểu tình lớn sẽ diễn ra và có nguy cơ biến thành bạo loạn.

Một điều đáng lưu ý, Mỹ ngày 5/11 đã ghi nhận hơn 118.000 ca mắc COVID-19, trở thành quốc gia đầu tiên có hơn 100.000 ca mắc trong một ngày, và 1.125 ca tử vong. Số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 tăng mạnh khiến nước Mỹ được cảnh báo sẽ phải sớm ghi nhận "mốc đáng buồn" 10 triệu bệnh nhân COVID-19, khi mà các cuộc biểu tình liên quan tới bầu cử vẫn tiếp diễn.

Với những diễn biến hiện nay, nước Mỹ sẽ không chỉ chịu tác động nghiêm trọng của khủng hoảng y tế - đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục có chiều hướng phức tạp trong thời gian tới, khiến kinh tế suy giảm mạnh, mà còn có khả năng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc, với những bất ổn khó lường do sự phân cực giữa hai đảng cũng như như cuộc chiến pháp lý giữa đương kim Tổng thống Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục