OECD kêu gọi sử dụng các thước đo "sức khỏe" kinh tế mới

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho rằng việc tập trung vào chỉ số Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) như hiện nay là chưa đủ để đánh giá chính xác mức độ thịnh vượng của nền kinh tế.
OECD kêu gọi sử dụng các thước đo "sức khỏe" kinh tế mới ảnh 1Một khu chợ ở Rome, Italy. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 27/11, các chuyên gia kinh tế của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã kêu gọi sử dụng một thước đo mới trong đánh giá mức độ thịnh vượng của nền kinh tế, cho rằng việc tập trung vào chỉ số Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) như hiện nay là chưa đủ để đánh giá chính xác.

Trong cuốn sách mang tên "Trên cả GDP: Thước đo ý nghĩa về hiệu quả kinh tế và xã hội" do nhiều chuyên gia kinh tế thực hiện, OECD nhận định không có cách đơn giản nào để có thể đưa mọi mặt của sức khỏe nền kinh tế vào một chỉ số duy nhất như GDP đang tính toán với sản lượng kinh tế toàn cầu.

Theo tổ chức này, các thước đo mức độ thịnh vượng mang tính chủ quan có vai trò quan trọng trong việc đánh giá các chi phí phi tiền tệ và lợi ích từ các chương trình và chính sách công.

[OECD hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019]

Những bước đi mà Ecuador, Scotland, Bhutan và New Zealand đang thực hiện có thể thúc đẩy các chính sách giúp họ đạt được mục tiêu, khôi phục lại niềm tin của người dân vào những chính sách công của chính phủ, cũng như hướng tới một xã hội công bằng và bền vững hơn.

Cuốn sách kêu gọi sử dụng những thước đo giúp phản ánh những điều kiện mà người bình thường phải đối mặt trong một chu kỳ kinh tế hoàn chỉnh.

Các thước đo liên quan đến GDP và nợ công đã không giúp các nhà hoạch định chính sách nắm được tình hình môi trường, an ninh nói chung và kinh tế của dân số, lòng tin vào các thể chế, hoặc sự phân biệt đối xử giữa những nhóm sắc tộc khác nhau.

Khái niệm "Ngày Minh bạch" của Quốc hội và Chính phủ Hà Lan là một sáng kiến được hoàn nghênh trong cuốn sách.

Mặc dù đôi lúc bị coi là chương trình đi ngược lại tăng trưởng, các tác giả tin rằng việc sử dụng các chỉ số kinh tế rộng hơn để giải quyết cuộc đại suy thoái cách đây một thập kỷ, sẽ nhiều khả năng mang lại tăng trưởng GDP mạnh hơn, thay vì những gì mà đa số các nước đã đạt được sau khủng hoảng.

Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cũng hối thúc bổ sung các chỉ số mới, trong đó phân chia theo tuổi tác, giới tính, tình trạng khuyết tật, trình độ giáo dục và những nhân tố làm nên địa vị xã hội để miêu tả các nhóm khác nhau trong thành quả kinh tế.

Cuốn sách trên là tập hợp các bài viết của các chuyên gia kinh tế, trong đó có Joseph Stiglitz, Angus Deaton, Martine Durand và Thomas Piketty.

Trong số các tác giả có cả những người đã đoạt giải thưởng Nobel, hoặc có khả năng tác động đến chính sách tại OECD, hay giảng dạy tại những trường đại học danh giá.

Cuốn sách đã chính thức được ra mắt tại diễn đàn thống kê OECD tại Incheon, Hàn Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục