Canada thay đổi chiến thuật trong giao thương với Trung Quốc

Chiến thuật trong đàm phán của Canada là thay vì tập trung đàm phán về một thỏa thuận thương mại toàn diện, Ottawa đặt mục tiêu đạt được các thỏa thuận theo từng lĩnh vực.
Canada thay đổi chiến thuật trong giao thương với Trung Quốc ảnh 1Công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất động cơ siêu nhỏ tại nhà máy ở Hoài Bắc, An Huy, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tự do thông tin hay bảo vệ bản quyền trí tuệ vốn là những giá trị cơ bản trong xã hội Canada. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng những giá trị này đôi khi xung đột với những ưu tiên chính trị tại Trung Quốc.

Tháng 4/2018, Trung Quốc đã từ chối một thỏa thuận thương mại tự do với Canada vì Bắc Kinh cho rằng một số chi tiết trong thỏa thuận là can thiệp vào công việc nội bộ tại Trung Quốc.

Và Chính phủ Canada đã chuyển hướng chiến thuật trong đàm phán thương mại với Trung Quốc, đó là thay vì tập trung đàm phán về một thỏa thuận thương mại toàn diện, Ottawa đặt mục tiêu đạt được các thỏa thuận theo từng lĩnh vực. Canada đã đưa ra bốn lĩnh vực cụ thể mà nước này muốn ký thỏa thuận với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đó là nông nghiệp, giáo dục, công nghệ sạch và du lịch. Canada hy vọng có thể nhanh chóng thúc đẩy tương tác với Trung Quốc trên mặt trận kinh tế ở các lĩnh vực này.

Canada và Trung Quốc đã hoàn tất bốn vòng đàm phán mang tính thăm dò để hướng tới một thỏa thuận thương mại tự do hoàn thiện, nhưng hai bên vẫn chưa tiến hành đàm phán chính thức. Bắc Kinh không đồng thuận với những điều khoản mà Ottawa đề xuất liên quan tới lao động, kinh tế và môi trường.

Với chiến lược chia thỏa thuận lớn thành các thỏa thuận song phương quy mô nhỏ, Canada đang mở cuộc tấn công nhằm thúc đẩy thương mại với Trung Quốc. Ottawa hy vọng với quy mô nhỏ hơn, các thỏa thuận này sẽ được xúc tiến nhanh hơn. Chiến lược tăng cường thúc đẩy thương mại với Trung Quốc được Ottawa triển khai trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa có hồi kết.

Mặc dù Trung Quốc là một đối tác thương mại toàn cầu có quy mô “khủng," nhưng Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) xếp cường quốc này ở vị trí 59 trong tổng số 62 nước được khảo sát về mức độ mở cửa đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Canada và các nước đồng minh lo ngại về những nỗ lực nhằm mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh, cũng như “tình trạng nhân quyền ngày càng xấu đi” tại Trung Quốc, theo bình luận mới đây của một quan chức ngoại giao Canada.

Giới doanh nghiệp cũng hoan nghênh động thái chuyển hướng đàm phán của Chính phủ Canada với hy vọng sẽ được bãi bỏ thuế quan đối với một số mặt hàng.

[Canada và Trung Quốc thúc đẩy Hiệp định thương mại tự do]

Russ Rimmer, Giám đốc điều hành Avalon Dairy (công ty sữa có trụ sở tại Burnaby, B.C), cho biết các sản phẩm sữa của hãng khi được nhập khẩu vào Trung Quốc bị áp thuế quan khoảng 30%, trong khi sữa từ Australia (nước có hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc) mức thuế là 0%.

Đáng chú ý, một số sản phẩm của Canada phải đối mặt với "mức thuế trên trời" khi Trung Quốc áp thuế gần 80% đối rượu hoa quả của Canada Berries (công ty có trụ sở tại Richmond, B.C).

Tom Yuan, Giám đốc và cũng là người sáng lập Canada Berries cho biết, các sản phẩm rượu vang của Chile không bị Trung Quốc đánh thuế bổ sung và tiến trình thông quan cũng rất nhanh chóng.

Sarah Kutulakos, Giám đốc điều hành Hội đồng Doanh nghiệp Trung Quốc-Canada, cũng hoan nghênh quyết định của Ottawa chuyển hướng khỏi một thỏa thuận thương mại toàn diện, vốn cần nhiều năm để hoàn thiện. Theo bà Sarah Kutulakos, một trong những lợi ích của cách tiếp cận mới đó là Canada có lợi thế khi được xâm nhập thị trường sớm hơn.

Trong năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào Canada đạt 270 tỷ USD, tăng gấp đôi so với năm 2011. Xu hướng tăng này xuất phát từ các thương vụ thu mua và sáp nhập của các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp quốc doanh. Phần lớn vốn đầu tư đổ vào các lĩnh vực năng lượng, dịch vụ và sản phẩm tiêu dùng, bất động sản và giải trí.

Theo Cơ quan thuế quan Trung Quốc, giá trị trao đổi thương mại song phương trong năm 2017 vượt ngưỡng 42 tỷ USD, trong đó xuất khẩu từ Canada sang Trung Quốc đạt trên 25 tỷ USD.

Giới phân tích đánh giá Canada cần Trung Quốc hơn là Trung Quốc cần Canada. Tuy nhiên, Canada có lợi thế so sánh về đất đai, nguồn tài nguyên vào lao động có kỹ năng. Hoạt động thương mại của Canada với Trung Quốc được các chuyên gia đánh giá là vẫn trong giai đoạn “sơ khai."

Có thể dễ dàng nhận ra điều này khi nhìn vào thống kê cho thấy Mỹ là điểm đến của 76,4% kim ngạch xuất khẩu của Canada trong năm 2017, trong khi Trung Quốc chỉ chiếm 4,3% kim ngạch xuất khẩu của Xứ sở Lá phong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục