Theo báo cáo Viễn cảnh Di cư Quốc tế 2014 của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) được công bố ngày 1/12, Thụy Sĩ là quốc gia có số lượng người nhập cư thường trú tính theo bình quân đầu người cao nhất thế giới trong năm 2012.
Những người nước ngoài định cư lâu dài tại Thụy Sĩ trong năm 2012 chiếm 1,6% dân số của Thụy Sĩ trong năm đó. Theo sau Thụy Sĩ là Na Uy với 1,2% và Australia với 1,1%. Trong khi đó, Mỹ - nước có lượng nhập cư lớn nhất trong OECD - chỉ có tỷ lệ người di cư thường trú là 0,3% trong năm 2012.
Hầu hết những người nhập cư đến Thụy Sĩ đến từ các nước Liên minh châu Âu (EU) như Đức, Bồ Đào Nha, Italia và Pháp.
Tuy nhiên, nếu tính theo con số tuyệt đối thì Thụy Sĩ với 125.600 người nhập cư vẫn dưới mức trung bình của OECD. Đứng đầu danh sách này là Mỹ với 1 triệu người, tiếp theo là Đức với khoảng 400.000 và Anh với 285.000 người. Theo số liệu sơ bộ, số lượng người di chuyển nơi cư trú của họ đến Thụy Sĩ tăng lên 136.200 trong năm 2013.
Còn theo bảng xếp hạng của OECD về tỷ lệ phần trăm dân số là người nước ngoài sinh ra thì Thụy Sĩ đứng thứ hai với 27,7%, sau Luxemburg với 42,6%.
Qua phân tích Viễn cảnh Di cư Quốc tế 2014, Tổng thư ký OECD Angel Gurria cho rằng: Chính sách di cư phải là một ưu tiên đối với các nước OECD, và các chính sách hội nhập cũng nên được xem như là sự đầu tư có thể tốt nhất trong khía cạnh tăng trưởng, sự gắn kết xã hội và sống tốt. Các chi phí ngắn hạn và dài hạn vẫn đang đối mặt với những nhu cầu thay đổi nhanh chóng nên các nhà hoạch định chính sách cần có cuộc tranh luận cởi mở để xây dựng niềm tin và đảm bảo lợi ích cho tất cả mọi người.
Số lượng người nhập cư vào các nước công nghiệp phương Tây nhìn chung ít thay đổi ở mức 4 triệu. Cứ khoảng 1 trong số 10 người là đến từ Trung Quốc, tiếp theo là từ Romania (5,6%) và Ba Lan (5,4%).
OECD cho rằng, các nước cũng nên cân nhắc những lợi ích lâu dài của việc nhập cư. Theo Tổng thư ký Gurria, các quốc gia sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ nhập cư nếu họ coi người di cư là một nguồn tài nguyên nhiều hơn là coi đó là một vấn đề, và các chính sách hội nhập được nên được xem như là một khoản đầu tư./.