Putin: Các nhân tố đảm bảo ổn định kinh tế Nga vẫn vững mạnh

Ông Putin: Các nhân tố đảm bảo ổn định kinh tế Nga vẫn vững mạnh

Tổng thống Nga Vladimir Putin, ngày 2/10, tuyên bố các nhân tố cơ bản đảm bảo ổn định nền kinh tế Nga vẫn rất mạnh, trong đó ngân sách không thâm hụt.
Ông Putin: Các nhân tố đảm bảo ổn định kinh tế Nga vẫn vững mạnh ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bất chấp các dao động về tiền tệ, các nhân tố cơ bản đảm bảo ổn định nền kinh tế Nga vẫn rất mạnh, đó là ngân sách không thâm hụt, dự trữ lớn, cán cân thanh toán vững chắc.

Đây là tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại diễn đàn đầu tư "Nước Nga kêu gọi" ngày 2/10 tại Moskva.

Tổng thống Putin đánh giá đợt tăng lạm phát tháng 8-9 là do các biện pháp Nga đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây và chỉ mang tính tạm thời. Ông dự đoán tỷ lệ lạm phát năm nay có thể ở mức 7,5-8%, cao hơn mức 6,5% của năm ngoái do giá một số thực phẩm tăng.

Tuy nhiên, mức tăng này không ảnh hưởng tới việc thực hiện các chính sách xã hội. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan trọng vẫn tiếp tục hoạt động tại Nga bất chấp các biện pháp trừng phạt.

Tổng thống Putin cho rằng các hạn chế từ bên ngoài chỉ tạo động lực cho Nga đạt thành tựu trong các hướng phát triển ưu tiên như tăng trưởng kinh tế, đổi mới công nghiệp và cơ sở hạ tầng, tạo việc làm và nâng cao đời sống nhân dân.

Theo ông, trong thời gian tới Nga cần tạo bước nhảy vọt trong phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp chế biến. Ông cho biết để đổi mới nền kinh tế và cơ sở hạ tầng, Nga sẽ sử dụng các nguồn tài chính của chính mình cũng như đẩy mạnh hợp tác với các quỹ đầu tư và ngân hàng nước ngoài. Hiện nay, kinh tế Nga đã thu hút được 15 tỷ USD đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các đối tác ở châu Á và Trung Đông.

Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga chia sẻ các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới và sẽ phát triển một nền kinh tế thị trường mở.

Nga không từ bỏ quan hệ kinh tế với châu Âu nhưng cho rằng hợp tác với châu Á, trước hết là Trung Quốc, là xu hướng chính. Nga sẽ đi theo con đường mở rộng và đa dạng hóa quan hệ kinh tế, trong số những ưu tiên có phát triển quan hệ đầu tư, thương mại, công nghệ, doanh nghiệp với các nước khu vực Mỹ Latinh, châu Á-Thái Bình Dương, các nước khối Các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS). Ngoài ra, Nga dự kiến tích cực chuyển sang thanh toán bằng các đồng nội tệ trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc và các nước khác.

Tổng thống Putin cam kết chính quyền sẽ tiếp tục chú trọng thu hút đầu tư tư nhân. Ông không loại trừ khả năng cổ phần hóa một phần của gói cổ phần của nhà nước của các tập đoàn năng lượng lớn ngay trong năm 2014. Theo nhà lãnh đạo, tăng trưởng kinh tế cần được đảm bảo không phải bằng các công cụ tài chính mà bằng các cải cách cơ cấu của nền kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục