Việc Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy chính thức tuyên bố tái tranh cử đánh dấu sự mở màn cho cuộc đua cực kỳ khó dự báo vào vị trí người đứng đầu nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. “Đúng, tôi là ứng cử viên Tổng thống” Khi tất cả các ứng cử viên trong cuộc chạy đua vào điện Elysees 2012 đã lộ diện từ trước đó rất lâu thì một trong những thời khắc được chờ đợi nhất là tuyên bố chính thức tái tranh cử của đương kim Tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy. Ông Sarkozy đã làm điều đó trong cuộc trả lời phỏng vấn trực tiếp trên chương trình Thời sự 20 giờ của kênh truyền hình TF1, chương trình chính sự uy tín và có nhiều khán giả nhất nước Pháp. “Đúng, tôi là ứng cử viên Tổng thống” – ông Sarkozy tuyên bố “Vì tôi có những điều cần nói, những đề nghị cần làm với người dân Pháp”. Trong lịch sử của nền Cộng hòa thứ V, tuyên bố tái tranh cử khi đang giữ chức Tổng thống là cả một nghệ thuật đòi hỏi sự khắt khe. Charles de Gaulle, vị Tổng thống đầu tiên của nền Cộng hòa thứ V, đã chọn cách ngồi chính trong Văn phòng Tổng thống, nơi khai sinh ra nền Cộng hòa thứ V, để tuyên bố tái tranh cử năm 1965 bằng một giọng điệu chậm rãi và trang trọng, được phát sóng qua một kênh truyền hình duy nhất – ORTF. Năm 1988, Tổng thống Francois Mitterrand để lại cho hậu thế một tuyên bố tái tranh cử nổi tiếng. Ông chỉ nói một từ duy nhất: “OUI – CÓ”. Việc chuyển đổi vị thế từ “Tổng thống – ứng cử viên” sang “ứng cử viên – Tổng thống” là điều không bao giờ dễ dàng bởi luôn có những phán xét nhập nhằng giữa những gì làm được khi đã làm Tổng thống và những gì có thể làm được khi có thể lại làm Tổng thống. Đó là lí do mỗi Tổng thống Pháp khi tuyên bố tái tranh cử đều phải tìm mọi cách làm mới mình theo cách tốt nhất có thể, hoặc theo cách ít tệ hại nhất có thể. Cuộc đua trên mạng Vấn đề là thời điểm và cách thức. Ông Sarkozy đã suy nghĩ rất kỹ về việc lựa chọn thời điểm. Không quá sớm như Jacques Chirac năm 2002 (ngày 11/2), cũng không thể đến tận những ngày cuối cùng như năm Mitterrand năm 1988 (22/3). Ngày 15/2 được chọn, mà theo những nguồn tin thân cận là sớm hơn 3 tuần so với dự định ban đầu, là vì ông Sarkozy không muốn mất thêm quá nhiều điểm so với đối thủ chính Francois Hollande. Nhưng cách thức mới là điều đáng nói. Buổi sáng ngày 15/2, ông Sarkozy gây xôn xao cộng đồng Twitter khi chọn tiểu blog này để đích thân hé lộ tin tức đầu tiên về việc tái tranh cử. Với tài khoản @NicolasSarkozy, ông thông báo đã nhận lời dự chương trình Thời sự 20h của kênh TF1 và mời những follower đón xem. Trên thực tế, cuộc đua bằng các mạng xã hội của ông Sarkozy đã mở đầu từ trước đó vài ngày với việc ra mắt một Timeline tranh cử rất ấn tượng tập trung vào giới trẻ trên Facebook (http://www.facebook.com/nicolassarkozy.fr). Với Timeline này, ông Sarkozy trở thành chính trị gia duy nhất ở Pháp biết sử dụng tính năng độc đáo ghi lại những dấu ấn trong cuộc đời mà Facebook mới trình làng từ tháng 9/20111. Có nhiều hoài nghi về việc có thực là ông Sarkozy tự tay tạo nên được Timeline đó hay không? Một vài tờ báo Pháp khẳng định, Timeline đó là do nhóm chuyên gia Facebook ở Pháp giúp ông Sarkozy dựng nên. Thực hư chưa rõ nhưng về mặt hình thức, Timeline đó được đánh giá là sẽ giúp ông Sarkozy ghi nhiều điểm trong cộng động mạng. Trong Timeline có hơn 700 bức ảnh và sự kiện quan trọng từ nhỏ cho đến hiện tại của ông Sarkozy.
Dĩ nhiên là không có những hình ảnh về cuộc gặp nhà cựu lãnh đạo Lybia, Gaddafi năm 2007 ở Paris, những tuyên bố gây tranh cãi ở Dakar 2007 (“Người châu Phi ít có dấu ấn trong lịch sử”) hay vụ chửi bậy trước đám đông năm 2008. Ngay cả những chuyện đời tư về người vợ cũ Cecillia hay người vợ mới nổi tiếng Carla Bruni cũng không xuất hiện. Dù sao, điều quan trọng là ông Sarkozy đã sớm ghi điểm trước các đối thủ Francois Hollande hay Marine Le Pen trong cuộc đua trên mạng, vốn có vai trò cực kỳ quan trọng trong các cuộc bầu cử hiện đại. “Nước Pháp mạnh” Bằng những bước đi mạnh mẽ trên thế giới mạng, ông Sarkozy muốn tự mô tả mình như là một người hiện đại của thế kỷ 21, có tầm nhìn và khả năng đối phó với những thách thức của thời khủng hoảng. Đó chính là điều ông Sarkozy đề cập đến trong buổi phỏng vấn trực tiếp, khi ngầm chỉ trích đối thủ Francois Hollande là “vẫn suy nghĩ như thế kỷ 20 với tư duy cánh tả, cánh hữu” còn ông thì chỉ có một suy nghĩ duy nhất là cho nước Pháp. Và nếu ông Francois Hollande chọn khẩu hiệu tranh cử là “Thay đổi chính là lúc này” thì khẩu hiệu của ông Sarkozy là “Nước Pháp mạnh”. “Chỉ khi mạnh mẽ thì nước Pháp mới có thể được bảo vệ. Và hiện vẫn còn rất nhiều lợi thế để nước Pháp duy trì được vị thế của mình” – ông Sarkozy tuyên bố. Để nước Pháp mạnh, chiến dịch tái tranh cử của ông Sarkozy tập trung vào những ý chính sau: Tiếp tục thay đổi. Nước Pháp phải thực hiện cải cách lương hưu, cải cách giáo đục đại học và phải hòa nhập, quan tâm đến thế giới, chứ không thể “không cần biết Hy Lạp ra sao” (ám chỉ cánh tả). Tổ chức lại các cuộc trưng cầu dân ý để nhân dân Pháp được lên tiếng nhiều hơn. Bảo vệ người thất nghiệp bằng chính sách bồi thường và đào tạo. Đảm bảo người thất nghiệp có đủ cơ hội để làm một nghề mới. Đặt vấn đề việc làm là trung tâm. Ai có kỹ năng, có sức khỏe sẽ được đào tạo. Francois Hollande không có ý tưởng gì để đặt lên bàn. “Ông ta chẳng có ý tưởng gì ngoài việc chỉ trích tôi sao? Có hợp lý không khi ông ấy nói sẽ tạo ra thêm 60.000 việc làm trong ngành giáo dục trong 5 năm tới? Có hợp lý không khi ông ấy nói sẽ hợp thức hóa cho tất cả những người nhập cư? Người dân Pháp sẽ còn 66 ngày nữa để quyết định liệu ông Sarkozy sẽ thuyết phục được họ hay là một gương mặt khác./.
Quang Nguyên/Paris (Vietnam+)